Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 03/05/2012 - 07:05
(Thanh tra) - Trở về như một sự thần kỳ của số phận mà đến giờ ông vẫn còn không biết bằng cách nào đã vượt qua những ngày tháng “địa ngục trần gian”, đó là thương binh, cựu tù Phú Quốc Đậu Đức Nam. Tôi gặp ông trong một ngày cuối tháng 4 tại Sài Gòn, khi những ngày kỷ kiệm 37 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đang đến gần. Ở tuổi 70 nhưng những câu chuyện thời chiến bằng chất giọng hào sảng của người lính năm xưa đã khiến tôi không khỏi bồi hồi xúc động.
Cựu tù Phú Quốc Đậu Đức Nam
Nơi địa ngục trần gian
Sinh năm 1942, tại thôn Hòa Bình, xã Phù Việt, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, năm 1962 ông lên đường nhập ngũ và chiến đấu tại Sư đoàn 341, đóng quân tại Vĩnh Linh. Sau khi được cử đi học một khóa về thông tin, ông được cử làm Đài trưởng trinh sát đặc công thuộc Sư đoàn 325. Trong trận chiến đấu ác liệt ở Tây Nguyên, ông bị địch bắt về nhốt tại Buôn Ma Thuột, sau này giam giữ ở nhà tù Pleiku. Ba tháng sau, ông bị đưa ra nhà tù Phú Quốc. Cuộc sống khắc nghiệt của chế độ nhà tù Mỹ - Ngụy không đè bẹp được ý chí chiến đấu của ông và các chiến sĩ. Tổ chức Đảng được nhen nhóm và bí mật hoạt động ngay trong tù. Ông là người được tổ chức Đảng, Đoàn khởi xướng việc đấu tranh cho tù binh và bí mật đào hầm vượt ngục. Ngày ấy, những người tù đấu tranh tích cực đòi quyền lợi cho tù nhân thì bị coi là phần tử nguy hiểm bị trấn áp ngay lập tức.
Ông Nam kể lại: “Năm 1968-1969, địch đưa tôi sang khu B2, tôi ở trong tổ chức Đảng, ông Sáu Cường phân công tôi làm 10 con dao găm cho anh em đào hầm B2, khi tổ chức cho anh em vượt ngục, tôi được cấp trên phân công ở lại. Sau khi đi hầm B2 thành công địch đàn áp anh em trong trại, tôi đứng lên phát biểu đấu tranh đòi hỏi quyền lợi cho anh em trong trại, lập tức tôi bị thượng sĩ Nhu ác ôn bắt ra tra tấn mọi hình thức, đúng là “điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung”, vô cùng dã man. Thượng sĩ Nhu đục 06 cái răng hàm trên của tôi, đập dập đầu ngón chân tôi và đóng đinh ghim vào đầu 10 ngón tay tôi, nhốt tôi vào chuồng cọp kẽm gai nhiều ngày mưa nắng giữa trời. Hết nhốt chuồng cọp, Nhu lại tống tôi vào nhà bạt biệt giam B2. Đầu năm 1970, địch chuyển tôi sang khu B5. Nhốt tôi ở phòng 2 nhà bếp. Tôi lại tổ chức đào hầm dưới đáy lò. Nhưng hầm bị cong vượt ngục không thành nên tôi và anh Bình (Thanh Hóa) đứng ra nhận, địch lại tra tấn tôi và anh Bình thừa sống thiếu chết”.
Năm 1971 Địch đưa ông Nam về khu A4, tình hình có vẻ dịu hơn. Ông Nam thông qua tổ chức nhận đào hầm vượt ngục dưới lưng ông nằm ở phòng 2 khu A4, đào hầm trước mắt địch lấy thế bất ngờ. Cùng thực hiện với ông Nam lần này có thêm các bạn tù Nguyễn Đức Hòe (hiện đang sống ở cần Thơ), Nguyễn Ngọc Sử quê Vĩnh Phúc, Nguyễn Văn Bầu quê Hải Dương, Nguyễn Văn Thắng quê ở Thái Bình.
Đêm 23 rạng sáng 24/12/1971, đường hầm tại khu A4 dài 76m xuyên qua hàng rào đã thông tới ngoài. 42 cán bộ chiến sĩ thoát ra nhưng chưa kịp về tới nơi an toàn đã bị địch truy quét. Một số hy sinh khi ra tới miệng hầm, một số bị bắt lại đưa về nhốt chung tại khu 8 biệt giam, số thoát được trở về tiếp tục cầm súng chiến đấu cho tới ngày toàn thắng.
Ông Nam tiếp tục kể: “Trong một số lần tôi cùng đồng đội ra thăm lại nhà tù nơi giam giữ chúng tôi những năm tháng chiến tranh, sau khi về tôi và các đồng đội đã làm văn bản xin huyện đảo Phú Quốc khôi phục dựng lại nắp hầm làm di tích, chứng tích trong chiến tranh cho khách tham quan”.
Năm 2010, ông Nam và một số đồng đội năm xưa được tổ chức cử đi giám sát phục dựng khu di tích ở nhà tù đảo Phú Quốc. Ông Nam đã khai lộ thiên, đường hầm ông đào bí mật năm xưa, phục dựng lại 5 nắp hầm bí mật cũ, theo tài liệu, bản đồ của Mỹ - Ngụy để lại do ông Năng và ông Nam tìm được.
Trở về kỳ diệu
Trong 7 năm tử tù và cũng chừng ấy năm gia đình lập bàn thờ cúng ông, thế nhưng ông đã trở về như một sự kỳ diệu của cuộc sống. “Người thân ai cũng ngỡ ngàng không tin vào mắt mình rằng tôi vẫn còn sống” - thương binh Đậu Đức Nam bồi hồi kể lại.
“Ông còn nhớ như in trận đánh ngày 06/5/1967, khi tổ của ông đang làm nhiệm vụ để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công Mậu Thân năm 1968 tại Tây Nguyên thì bị địch phát hiện. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra ác liệt gần trọn một ngày. Trung đội bảo vệ cho tổ đài đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh gần hết. Tổ đài chỉ còn ông và một báo vụ viên (người trực và báo tin tức về sở chỉ huy). Người báo vụ viên Trần Văn Vu trúng đạn pháo mất hẳn khuôn mặt. Ông Nam bị sức ép của đạn pháo ngất đi và bị địch bắt sống. Khi đồng đội quay lại tìm thì thấy trên cánh tay xác ông Trần Văn Vu có đeo chiếc đồng hồ của ông Đậu Đức Nam nên xác định là ông Nam rồi báo tử. Đồng đội đã gửi giấy báo tử về gia đình ngày 06/5/1967. Hiện nay, mộ của Ông Trần Văn Vu vẫn còn nằm đâu đó trên Đức Điền tỉnh Gia Lai nhưng bia lại ghi tên là Đậu Đức Nam (theo thông tin đồng đội đưa xác ông Vu đi chôn cất kể lại khi gặp ông Nam trong tù ở đảo Phú Quốc). Chuyện xảy ra đến nay đã hơn 40 năm, thế nhưng khi nhớ lại ông vẫn đau đáu trong lòng vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên chưa tới nơi để trả lại tên cho người đồng đội.
Về quê sau khi đã báo tử, tưởng được hưởng niềm vui đoàn tụ cùng gia đình, làng xóm, ai dè ông chẳng dám nhìn mặt ai khi xung quanh cứ đồn lên rằng ông là tên phản bội, hèn nhát, đầu hàng giặc, không xứng đáng với truyền thống Làng Đỏ anh hùng. Chẳng có một chế độ ưu đãi nào dành cho ông, không có một cơ quan nào nhận ông vào làm việc. Đau khổ mà không nói được, ông bỏ quê ra tận Bắc Giang sống rồi cưới vợ tại đó.
Nhiều năm sau khi đã bình tâm trở lại, ông nghĩ mình sống sót trở về vẫn còn may mắn. Rồi được sự động viên, giúp đỡ của đồng đội cũ trong tù, của địa phương và Ban chỉ huy Quân khu 4, mọi việc được sáng tỏ. Đến năm 2003, ông được xét hưởng chế độ thương binh. Ông Nam đã nhận được rất nhiều Huân, Huy chương như: Huân chương Kháng chiến hạng II, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng II, Huân chương chiến sĩ vẻ vang III, Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, Huy hiệu 40 năm tuổi đảng, Kỷ niệm chương chiến sĩ tù đày và nhiều huân, huy chương, bằng khen của Đảng và Nhà nước…
Và hành trình “xin trả lại tên cho anh”
Trở về với thời bình, thế nhưng dường như cuộc sống của ông vẫn chưa thực sự được thanh thản vì còn nhiều đồng đội vẫn còn nằm rải rác đâu đó. Đây cũng chính là điều mà ông day dứt nhất, bởi trong những thời khắc ác liệt của chiến tranh, các đồng đội của ông đã từng hứa với nhau, “nếu ai còn sống trở về nhất định về báo cho gia đình đi tìm phần mộ của đồng đội mình”.
Không quản ngại khó khăn, ông đã đi khắp các chiến trường mà ông và đồng đội đã chiếu đấu để tìm hài cốt đồng đội, đến nay ông đã đi tìm và dẫn gia đình đưa về quê hương được 5 hài cốt liệt sĩ của các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Phú Yên, Quảng Nam. Đặc biệt có một ngôi mộ bốc lên ở phía dưới sâu lớp đất là hàng trăm hài cốt, cụ thể như ở dưới mộ bia các chiến sĩ vô danh tại Phú Quốc khi được đội K93 (đội có nhiệm vụ khai quật mộ tập thể ở đảo Phú Quốc) khai quật lên có hàng ngàn hài cốt bị thủ tiêu, có hố nhiều nhất 515 hài cốt. Ông Đậu Xuân Giang quản lý tại khu nghĩa trang Quả Đấm, huyện đảo Phú Quốc chứng nhận đội bốc mộ đã bốc lên và các nhà sư ở khắp nơi tới làm lễ cầu siêu… Còn rất nhiều mộ tập thể đang được khai quật. Mặc dù tuổi đã cao, thế nhưng ông Nam khẳng định: “Còn khỏe, còn đi lại được ngày nào tôi vẫn sẽ tiếp tục đi tìm đồng đội thất lạc để các anh được an nghỉ”. Tuy nhiên, điều trăn trở nhất hiện nay của ông là sớm trở lại nghĩa trang tỉnh Gia Lai, tìm đến đơn vị cũ để trả lại tên cho anh Trần Văn Vu người đồng đội đã báo tử nhầm với ông để anh được yên tâm an nghỉ, để ông Nam được hoàn thành lời hứa năm xưa với các đồng đội cũ!
Đồng đội có thể liên lạc với ông Nam qua số điện thoại: 083.996.9388 - 0166.284.6004.
Vũ Đô - Tuấn Anh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024(Thanh tra) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra chiều 13/12, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII đã chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Sỹ Nghiêm để làm rõ tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Văn Thanh
20:09 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Thái Hải
19:48 13/12/2024Phương Anh
19:32 13/12/2024Thái Hải
19:16 13/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình