Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 02/01/2019 - 11:35
(Thanh tra)- Sau đề xuất làm siêu dự án Khu Du lịch tâm linh Hương Sơn khiến dư luận dậy sóng, gần đây ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng Xuân Trường (DNXT) đã trả lời báo chí về một số vấn đề trong đó có nêu “chúng tôi không sử dụng một đồng tiền ngân sách nào cả”. Sự thật có phải như vậy không?
Bản đồ quy hoạch không gian kiến trúc Khu Du lịch tâm linh Hương Sơn do DNXT đề xuất. Ảnh: MA
“Không sử dụng một đồng ngân sách Nhà nước”!
Trả lời VietNamNet, đại diện DNXT cho hay, nguồn vốn thực hiện dự án Khu Du lịch tâm linh Hương Sơn mà doanh nghiệp này đề xuất là vốn tự có, vốn huy động xã hội hóa và tiền công đức từ các Phật tử, không sử dụng ngân sách Nhà nước.
Với dự án Khu Du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc, ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc DNXT cho biết, tổng vốn đầu tư được phê duyệt là hơn 4.000 tỷ, đồng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp, vốn huy động hợp pháp và tiền công đức của các phật tử. Việc báo chí đưa tin về dự án hồ Núi Cốc, chủ đầu tư được cấp hơn 14.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước là không đúng.
“Chúng tôi không sử dụng một đồng tiền ngân sách nào cả”, ông Nguyễn Văn Trường khẳng định.
Sự thật hoàn toàn trái ngược
Sau phát biểu của ông Nguyễn Văn Trường, nhiều chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội cho rằng đó là phát biểu không đúng thực tế.
PGS.TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, người từng dự cuộc họp phản biện dự án cho biết: Ngay từ khi doanh nghiệp đề xuất chủ trương thì Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Việt Nam có tổ chức hội thảo mời phản biện, lúc đó mới ngớ người ra không phải Xuân Trường làm hết. Việc lập đồ án không ổn tí nào, doanh nghiệp nói sẽ đầu tư tới khoảng 15.000 tỷ đồng nhưng thực chất Nhà nước phải bỏ ra hơn 14.000 tỷ đồng.
Trước thông tin ông Nguyễn Văn Trường khẳng định nêu trên, PGS Đào Trọng Tứ bức xúc cho biết những thông tin ông nêu là có chứng cứ xác thực vì ông từng tham gia phản biện.
Theo luật sư Trương Anh Tú (Hà Nội): Phát biểu của chủ DNXT rằng “chúng tôi không sử dụng một đồng ngân sách Nhà nước” nghe thì có vẻ rất hay nhưng không đúng, dễ lập lờ khiến dư luận hiểu lầm.
Để đầu tư một siêu dự án khu du lịch tâm linh thì phần xây chùa chiền, dịch vụ một vài nghìn tỷ đồng vẫn là rất nhỏ so với tổng thể đầu tư cho hạ tầng, giải phóng mặt bằng.
Trên thực tế như ở Khu Du lịch Hồ Núi Cốc, ngay cả khi Chính phủ chưa phê duyệt tổng thể dự án nhưng dự án đã khởi công và thông tin báo chí cho biết đã có hơn 2.000 tỷ đồng tiền ngân sách Nhà nước chi ra cho giải phóng mặt bằng.
Đó là chưa kể đầu năm 2018, DNXT được chỉ định thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Bắc Sơn kéo dài đoạn từ Km0+00 đến Km3+500 (nút giao đường Tố Hữu) với tổng vốn đầu tư lên tới trên 1.079 tỷ đồng (hợp đồng BT).
Với việc trúng các dự án BT, doanh nghiệp còn được lợi khi được giao đối ứng những khu đất vàng trị giá nhiều tỷ đồng.
Nhiều hạng mục xây dựng lớn khiến dư luận lo ngại bê tông hóa phá vỡ Di tích Quốc gia đặc biệt Hương Sơn. Ảnh: MA
Như tại dự án này, địa phương nói phê duyệt 4.000 tỷ phần xã hội hóa là các hạng mục tâm linh và dịch vụ giao cho DN Xuân Trường nhưng phần hạ tầng, đường sá liên quan lên tới hơn 10.000 tỷ đồng và Thái Nguyên xin ngân sách Trung ương hỗ trợ 80%, địa phương 20%.
Vậy, không dựa vào ngân sách Nhà nước để làm hạ tầng thì phần tâm linh, dịch vụ làm sao có thể triển khai?
Tiền Nhà nước rót hàng nghìn tỷ, vẫn nói “không dùng một đồng”
Tháng 10/2017, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh giảm quy mô, nguồn vốn xây dựng của dự án từ 9.980 tỷ đồng xuống còn 6.838,3 tỷ đồng, trong đó đề xuất vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 80%, còn lại là ngân sách địa phương...
Như vậy, có tới 80% ngân sách Trung ương hỗ trợ, chưa kể ngân sách Nhà nước từ địa phương.
Căn cứ vào đâu để ông Nguyễn Văn Trường tuyên bố: “Không dùng một đồng vốn Nhà nước”?
Trở lại với đề xuất siêu dự án Khu Du lịch tâm linh Hương Sơn, có phải hoàn toàn “dùng vốn tự có, vốn huy động xã hội hóa và tiền công đức từ các Phật tử, không sử dụng ngân sách Nhà nước” như ông Trường trả lời báo chí?
Tại Tóm tắt dự án đầu tư kèm theo Công văn số 315/CV-DNXT ngày 7/11/2018 của DNXT gửi Thường trực Thành ủy, UBND TP Hà Nội “về việc cho phép đầu tư dự án Khu Du lịch tâm linh Hương Sơn thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội” do ông Nguyễn Văn Trường ký, tại phần kiến nghị nêu rõ: “Đề nghị UBND TP, các sở, ban, ngành sớm phê duyệt dự án, đầu tư ngân sách TP giải phóng mặt bằng giao đất cho doanh nghiệp để doanh nghiệp sớm đưa công trình Khu Du lịch sinh thái Hương Sơn vào xây dựng”; “Đề nghị Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng Khu Du lịch Hương Sơn, để Khu Du lịch Hương Sơn sớm đi vào hoạt động cùng với Khu Du lịch Tam Chúc tỉnh Hà Nam…”.
Chính vì lo ngại trước thực trạng đó mà Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm rõ việc DNXT đề xuất xây dựng Khu Du lịch tâm linh Hương Sơn, vì bà rất băn khoăn, lo lắng cho việc bất hợp lý trong việc sử dụng vốn Nhà nước trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn và cần ưu tiên cho những lĩnh vực then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nếu chi hàng nghìn tỷ đồng giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng - rồi để cho doanh nghiệp xây chùa, các khu dịch vụ để thu tiền là bất hợp lý.
Với những kiến nghị của DNXT nêu trên, hoàn toàn thấy rõ việc ông Nguyễn Văn Trường nói “không dùng một đồng ngân sách Nhà nước” dễ khiến dư luận hiểu lầm siêu dự án không hề dùng ngân sách Nhà nước mà được dùng vốn xã hội hóa do DNXT khởi xướng.
Minh Anh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024(Thanh tra) - Thông tin từ Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) cho biết, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng cục Chính trị giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”.
Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024TC
23:39 09/12/2024Trần Quý
Văn Thanh
Trung Hà
Hương Giang
Hương Trà
Trần Kiên
Cảnh Nhật
Trần Quý
Văn Thanh
N. Phó - L. Bằng
Hương Giang