Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 02/10/2011 - 21:26
(Thanh tra) - Tuối 63, vẫn như một cánh chim không mỏi, vẫn đam mê với những bức tranh, với những chuyến đi xuyên Việt để ký họa lại những bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Hoạ sĩ Đặng Ái Việt xem lại bức họa của mình trong đợt triển lãm
Trải qua 19 tháng, vượt qua gần 17.000 km với 63 tỉnh thành, đến nay (8/2011) chị đã khắc họa được 548 bà mẹ với nhiều câu chuyện xúc động. Chưa dừng lại, chị vẫn tiếp tục với những chuyến đi của mình. Chị là họa sĩ Đặng Ái Việt, người nắm kỷ lục vẽ bà mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất.
Thời nữ sinh lãng mạn
Tôi gặp chị một ngày trước chuyến đi nằm trong phần 3 của kế hoạch “hành trình với thời gian” tiếp tục khắc họa lại những chân dung của mẹ Việt Nam anh hùng còn sống: Tây Ninh, mảnh đất năm xưa, nơi được người dân phong cho chị là nữ dũng sĩ diệt xe tăng Mỹ.
Đang loay hoay với bộ “đồ nghề” đơn giản cột lên chiếc Chaly, chị cười tươi cho biết: “Đó là người bạn đã cùng chị trải qua những chuyến đi dài ngày, qua những cung đường đèo dốc để có được những phút giây sum họp tuyệt vời với các mẹ Việt Nam anh hùng, để có những bức ký họa sống động về các mẹ…”. Hỏi chị về lý tưởng cũng như động lực để chị thực hiện ý tưởng táo bạo này, chị cho biết: “Vốn là cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam, tiếp xúc nhiều với những bà mẹ chiến sỹ, khâm phục nghị lực của những người mẹ Việt Nam nên ngay từ thời trẻ, tôi đã nhen nhóm ý tưởng vẽ chân dung các mẹ Việt Nam anh hùng ở khắp miền đất nước. Và cho đến khi mọi công việc gia đình tạm ổn, tôi mới quyết định lên đường”.
Rồi chị nhớ lại khoảng thời gian đẹp nhất đời mình, đó là vào năm 1968, khi còn là cô nữ sinh của trường Tứ Kiệt, Cai Lậy, Tiền Giang, chị thoát ly gia đình tham gia phong trào học sinh sinh viên đi kháng chiến. Tham gia trong nhóm Tam Tam (nhóm học trò tham gia vào hoạt động làm quân báo, đưa thư cho các anh chiến sĩ giải phóng) với lý tưởng làm một điều gì đó cho dân tộc.
Sau đó, chị được chuyển vào đoàn văn công Tiền Giang phục vụ ở địa phương 3 tháng. Năm 1964, cô văn công họ Đặng được tuyển vào lớp năng khiếu hội họa của Trường Hội họa giải phóng, lúc bấy giờ chị cũng là người phụ nữ duy nhất đầu tiên của lớp. Đến tháng 3/1965 chị về làm họa sĩ cho tờ báo ở Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam. Rồi được cử ra Hà Nội tham gia Đại hội phụ nữ toàn quốc và học trường Cao đẳng Mỹ Thuật Yết Kiêu.
Tháng 6/1975 chị về lại miền Nam học Đại học Mỹ thuật và ở lại trường làm việc đến năm 2003 thì nghỉ hưu. Cũng chính trong khoảng thời gian chị sống với lý tưởng tham gia kháng chiến, phục vụ dân tộc, chị đã tìm thấy được hạnh phúc thật sự của mình. Dưới những cánh rừng còn đầy khói lửa của chiến tranh, chị đã gặp và yêu NSND Phạm Khắc, nguyên Tổng Giám đốc Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh, lúc bây giờ là phóng viên quay phim chiến trường.
Năm 1969, tình yêu của chị dưới thời bom đạn được đơm hoa kết trái bằng một đám cưới đơn giản. Một đám cưới giản dị được tổ chức giữa rừng cạnh con sông Vàm Cỏ Đông ngày đó. Chị nhớ lại: “Lúc ấy, lễ rước dâu được tổ chức vào một buổi chiều đã trở thành một đám cưới lịch sử khi tôi phải ôm chiếc thùng phi lội qua sông Vàm Cỏ Đông để về nhà chồng”. Nhắc đến chuyện tình của chị, đến bây giờ chị vẫn giữ trong mình những tình cảm ấm áp về người chồng đã quá cố. Và với tình thương yêu, sự chịu khó của người phụ nữ miền Tây, chị Đặng Ái Việt đã hy sinh sự nghiệp của mình, lặng lẽ đứng phía sau hào quang của chồng, để chăm chút cho chồng, con và giữ cho gia đình mình được bình yên. Và khi người chồng đã nhắm mắt xuôi tay yên nghỉ, lúc này chị mới thực hiện được ý nguyện ấp ủ từ thời kháng chiến.
Hành trình về với Mẹ
Để thực hiện được một trong những chuyến đi lớn nhất của cuộc đời mình, chị đã phải mất hơn một năm chuẩn bị. Về phương tiện di chuyển, chị “tân trang” lại chiếc xe Chaly vốn là bạn đồng hành suốt hơn 20 năm qua. Không chỉ có chiếc xe, để chuyến đi xuyên Việt đúng như ý tưởng, chị còn trang bị cho chiếc xe thùng đựng đồ phía sau để hộp vẽ, giá vẽ, đồ nghề sửa xe... và đặc biệt chị còn “thiết kế” thêm bộ phận gắn thiết bị che mưa che nắng dọc đường mà người thợ sửa xe khi được bà đặt hàng cũng phải khâm phục.
Họa sĩ Việt kể lại, vốn đã trải qua hai cuộc chiến tranh, nên những thử thách trong chặng đường xuyên Việt với chị chỉ là “chuyện bình thường”.
Để thực hiện được ý định xuyên Việt ở cái tuổi 62 (lúc mới xuất phát) bằng xe máy của mình chị đã vượt qua không ít “chướng ngại vật” đó là những ngăn cản của bạn bè và các con. Các con thì lo sợ chị bệnh tật khó xoay sở dọc đường, bạn bè thì ái ngại việc chị có thể gặp trộm cướp, tai nạn... Nhưng rồi chị cũng đã thuyết phục được mọi người bằng ý tưởng mãnh liệt như chính sự dẻo dai ẩn chứa trong con người chị: “Chẳng có tên cướp nào lại nỡ cướp bóc của một bà già, tài sản chỉ có giá vẽ và chiếc Chaly”.
Và gia tài sau những chuyến đi
Ngày 19/02/2010, chuyến xuyên Việt đầu tiên của của chị bắt đầu… Và đến nay, trải qua 19 tháng “rong ruổi”, chị đã tìm đến tận nhà của từng mẹ Việt Nam anh hùng trên dọc đường đi, gặp gỡ, trò chuyện đồng cảm với mẹ và vẽ. 480 bức tranh chị đã khắc họa là 480 câu chuyện, 480 cuộc đời.
Có những lần khi đến được đến nơi thì mẹ cũng vừa ra đi, chị lại cảm thấy ân hận cho những chuyến đi không kịp của mình. “Đó là chuyến đi gần đây, khi trên đường đến Lào Cai, tỉnh có còn duy nhất một mẹ Việt Nam anh hùng, đến nơi thì mẹ cũng vừa mất hai ngày trước, tôi bàng hoàng và cảm thấy hối hận vì mình đến không kịp...”.
Hay khi đi qua vùng từng là chảo lửa của chiến tranh như Quảng Nam, Quảng Trị đầy nắng gió, vùng đất biết bao người con đã nằm lại, bao bà mẹ mòn mỏi tin con vô vọng trông chồng, họa sĩ Đặng Ái Việt giật mình bởi những con số biết nói. Nơi đó khi xưa có hàng ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhưng giờ đây, trong chuyến hành trình muộn của chị, con số đó chỉ còn lại… vài trăm.
Ngoài những bức ký họa đầy sống động, đặc tả những nét đẹp riêng biệt của các mẹ, chị còn cho tôi xem sổ ghi nhật ký hành trình đã dày lên kỷ niệm về những chuyến đi. Kỷ niệm chất chồng kỷ niệm, nên khi ngồi với tôi, chị không biết phải kể với tôi những câu chuyện nào, bởi đối với chị thì mỗi một cuộc gặp, mỗi bức chân dung đều là một câu chuyện xúc động, một kỷ niệm mãi khắc sâu trong tâm khảm.
Những lần được tiếp xúc, được ngồi đặc tả về Mẹ, chị cảm thấy như được trở về với cội nguồn. Những kỷ niệm tuổi thơ của chính mình hiện hữu như mới ngày hôm qua. Hành trình của chị không đơn giản là ghi lại hình ảnh của các bà mẹ Việt Nam anh hùng, mà hơn hết, những bức chân dung của chị chính là biểu tượng về sức mạnh, sự hy sinh của một tượng đài sừng sững trước thời gian. Thời gian có thể xoá nhòa mọi thứ, nhưng thời gian chưa bao giờ xóa nhòa được nỗi đau của Mẹ. Chị cảm nhận được nỗi đau ấy và chị đã vẽ bằng cả tâm hồn mình, một tâm hồn biết cảm nhận, đồng điệu với nỗi đau, sự cô đơn và những mất mát của các Mẹ trong quá khứ, trong hiện tại.
Chậm rãi lật từng bức hình, chị kể với tôi kỷ niệm khi chị gặp mẹ Việt Nam anh hùng đang bán khoai lang ngoài đường với cháu, gầy gò và đáng thương. Chị khắc họa Mẹ ngay ở chợ dưới một mái hiên trong cơn mưa chiều tầm tã. “Vẽ xong tôi hỏi: “Mẹ sống như thế này có buồn không?” và thắt lòng nghe mẹ móm mém cười “Có chi mà buồn đâu con””, chị kể.
Chị chia sẻ khi nói về những bức ký họa của mình: “Điều khó khăn nhất là làm sao lột tả được cái thần thái, thần khí của các Mẹ. Vì vậy mà khi vẽ, nếu không đồng cảm với những nỗi đau, những mất mát thiệt thòi của các Mẹ thì bức họa không thể có hồn”. Vì thế, chị thường ngồi trò chuyện với các Mẹ rất lâu, nhìn ngắm kỹ những gương mặt già nua, để tìm ra một góc cạnh bộc lộ được thần thái của các Mẹ. “Tôi vẽ không chỉ bằng nét bút, mà vẽ về các Mẹ với tất cả tình cảm kính yêu, cảm phục”, chị cho biết.
Và khi đứng trước một bức họa, chị Việt trăn trở: Làm thế nào để đếm được thời gian phủ trên khuôn mặt các Mẹ, để có thể phác họa chân thật được chân dung các Mẹ theo hành trình của thời gian.
Hơn hai năm, trải qua bao chuyến đi xuyên Việt, chị vẫn giữ được vóc dáng mạnh khoẻ như chính chị tự hào: “Tôi rất hạnh phúc, vì mình có những ưu thế để thực hiện chuyến đi của mình. Một trong những ưu thế lớn nhất là sức mạnh. Sức mạnh ở đây không phải là sức mạnh cơ bắp, mà là sự dẻo dai, ý chí quyết tâm. Điều đó đã giúp tôi thực hiện được 2 phần 3 của cuộc hành trình này”.
Tạm biệt chị ra về, chị nói với theo, chờ chị hoàn thành chuyến đi Tây Ninh này xong, rồi chị em mình nói chuyện, tâm sự nhiều hơn về các Mẹ. Tôi vẫn mãi trăn trở, sao một người phụ nữ đã có tuổi như chị lại có đủ nghị lực để thực hiện những chuyến đi táo bạo mà không phải lớp trẻ nào cũng thực hiện được. Chúc cho chị có sức khoẻ tiếp tục cuộc hành trình để mọi người lại có được những phút giây khắc họa về các Mẹ.
Anh Nguyễn
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), ngày 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm.
Thái Hải
19:16 13/12/2024(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền
Uyên Uyên
Hương Giang