Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nâng cấp Khu căn cứ khởi nghĩa của Tổng Kiêm - Đốc Bang thành di tích lịch sử cấp quốc gia

Nguyễn Phượng

Thứ tư, 17/11/2021 - 21:06

(Thanh tra)- Để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, thành phố Hòa Bình đã có đề án quy hoạch tổng thể khu di tích, với quy mô gần 27 nghìn m2. Từ đó, tạo thành điểm du lịch văn hóa tâm linh thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.

Thiết kế mô hình khu di tích

Từ năm 1909 đến năm 1910 tại tổng Mông Hóa, châu Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, nay thuộc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, hai thủ lĩnh Tổng Kiêm và Đốc Bang đã lãnh đạo đồng bào các dân tộc Mường trong vùng nổi dậy chống Pháp với khẩu hiệu “Nam Sơn Hoàng Bà, khởi nghĩa Bình Tây, độc lập chính phủ”. Tại Núi Viên Nam, xã Mông Hóa, ngày 15/4/1909, nghĩa quân đã tổ chức lễ tế cờ. Quân kỳ màu đỏ có hai chữ “Bình Tây”.

Cuộc khởi nghĩa của Tổng Kiêm - Đốc Bang diễn ra vào đêm ngày 02/8 và rạng sáng ngày mùng 03/8/1909. Tổng Kiêm - Đốc Bang đã lãnh đạo nghĩa quân thực hiện trận đánh chiếm tỉnh lỵ đầu tiên và cũng là duy nhất trong các cuộc khởi nghĩa của các dân tộc miền núi. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng giành thắng lợi, gây tiếng vang lớn, làm cho địch tổn thất nặng nề và hoang mang lo sợ, buộc chúng phải thay đổi chính sách cai trị mềm mỏng hơn đối với vùng địa bàn rừng núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù cuộc khởi nghĩa chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng đã trở thành mốc son, đánh dấu sự nối tiếp phong trào đấu tranh vũ trang của các dân tộc miền núi đầu thế kỷ XX; thể hiện sự anh dũng, kiên cường, mưu trí của các nghĩa quân; chứng minh tinh thần yêu nước bất khuất, lòng hy sinh dũng cảm, ý chí chiến đấu của đồng bào Mường chống lại chế độ thống trị của thực dân Pháp.

Với những ý nghĩa lịch sử trọng đại của cuộc khởi nghĩa, ngày 25/12/2017, Hội thảo khoa học lịch sử đầu tiên về cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang năm 1909 - 1910 tại huyện kỳ Sơn do Huyện ủy, UBND huyện Kỳ Sơn, nay là thành phố Hòa Bình phối hợp với Hội Sử học tỉnh Hòa Bình tổ chức, có sự tham gia của nhiều nhà sử học uy tín. Hội thảo đã đánh giá về quy mô, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa và khẳng định đủ điều kiện đề nghị công nhận di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Đến ngày 12/02/2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã có Quyết định số 287 về việc xếp hạng cấp tỉnh di tích lịch sử - văn hóa Khu căn cứ cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang năm 1909 - 1910.

Toàn cảnh Hội thảo Khoa học Lịch sử.

Hiện nay, cụ Tổng Kiêm đang được ông Nguyễn Văn Khiên, ở xóm Ao Trạch, xã Mông Hóa, hậu duệ đời thứ tư, chắt nội của cụ Tổng Kiêm thờ cúng. Gia đình ông Khiên hiện lưu giữ rất nhiều tư liệu quý liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Tổng Kiêm - Đốc Bang, cũng như các đồ vật cụ thường dùng khi còn sống, gồm cả 1 thanh gươm dài 55 cm, lưỡi sắt, chuôi sừng. Đây là thanh gươm cụ Tổng Kiêm hay mang theo mình trong suốt thời gian lãnh đạo nghĩa quân. Ông Nguyễn Văn Khiên tự hào chia sẻ: “Được sống trong thời bình, chúng tôi luôn ghi nhớ công ơn của các bậc cha ông đi trước, lấy đó làm tấm gương để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ con cháu sau này, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cố gắng vươn lên giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chống lại các thế lực thù địch.”

Ông Nguyễn Xuân Phục, Chủ tịch UBND xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình cho biết: “Cuộc khởi nghĩa của Tổng Kiêm - Đốc Bang năm 1909-1910 đã thể hiện được tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất của đồng bào các dân tộc Mường, đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp, trong đó phải kể đến vai trò lãnh đạo của 2 cụ Tổng Kiêm - Đốc Bang. Đây thực sự là niềm tự hào không chỉ riêng đối với con cháu các cụ mà của cả xã Mông Hóa, là nơi để giáo dục truyền thông yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau”.

Với vai trò và ý nghĩa to lớn của cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang, tại Chương trình Hành động số 03 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hòa Bình lần thứ II, nhiệm kỳ (2020 - 2025) ngày 05/10/2020, Thành ủy Hòa Bình đã có Kế hoạch “Đầu tư nâng cấp Khu căn cứ khởi nghĩa của Tổng Kiêm - Đốc Bang tại xã Mông Hóa thành di tích lịch sử cấp quốc gia”. Hiện nay, UBND thành phố Hòa Bình cũng đã có đề án quy hoạch quần thể di tích, với quy mô gần 27 nghìn m2, trong đó: khu vực I: 500 m2; khu vực II: 26.466 m2. Hy vọng, trong thời gian tới, khu di tích sớm được công nhận di tích cấp quốc gia, trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh thu hút đông đảo du khách trong, ngoài tỉnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm