Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 03/05/2011 - 10:14
(Thanh tra)- PGS.TS Hồng Vinh đã xuất bản cuốn "Đất nước - Qua những chặng đường làm báo", do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành. Chỉ cần đọc qua tên cuốn sách cùng nhìn độ dày (646 trang), với khổ rộng của nó, ta biết đây là cuốn sách tập hợp nhiều bài báo của ông. Quả vậy, đây chỉ là 108 "vị anh hùng Lương Sơn bạc", gồm những bài báo và chuyên luận nghiên cứu trong cuộc đời lăn lộn với nghề làm báo, trải rộng gần 40 năm của cuộc đời ông.
Cuộc đời ấy, trong bài giới thiệu về cuốn sách (in trên Báo Nhân dân số cuối tuần, ra ngày 25/11/2007), tác giả Nguyễn Huy Thông đã viết: "Đọc kỹ các bài viết, người đọc càng nhận rõ nhiệt tình công dân và trách nhiệm xã hội của một nhà báo rất tâm huyết với nghề nghiệp, ngay từ khi anh còn là một chàng trai vừa tốt nghiệp đại học hăng hái làm người lính mới trên mặt trận báo chí của Đảng, rồi trở thành Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư (nay là Ban Tuyên giáo T.Ư), đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ngòi bút của Hồng Vinh càng ngày càng đa dạng, phong phú với nhiều đề tài, thể loại báo chí, từ phóng sự điều tra, bút ký, tiểu phẩm, xã luận đến các chuyên luận nghiên cứu sâu về nhiều đề tài quan trọng"...
Xin nhấn mạnh thêm rằng: Những bài xã luận, những bài chuyên luận, vốn là những bài khó viết, "khó nhằn" thì do vốn lý luận, vốn kiến thức xã hội, vốn từng trải nghề nghiệp... phong phú và vững chắc đã giúp ông viết ra được những bài báo thanh thoát, nhẹ nhàng, dễ nghe, dễ đọc, giản dị, nhưng vẫn không kém phần lắng sâu, sắc sảo.
Những bài báo giản dị của ông đi vào lòng người đọc bằng những hình tượng rất… dân tộc, rất quen thuộc trong đời sống của nhân dân... Hãy đọc bài "Những con người thép trên tuyến đường thép" (trang 53). Trong bài ghi chép này, ông "chép" về hoạt động của một đại đội thanh niên xung phong trên đoạn đường Quyết Thắng. "Nơi ấy là một trọng điểm trên tuyến đường Quyết Thắng - nơi các chiến sĩ Đại đội 6 (Đội Thanh niên xung phong số 25) đã sống và chiến đấu hàng nghìn ngày đêm không nghỉ. Ở đây, mỗi đầu người chịu tới 606 quả bom lớn một năm. Bom rơi xuống đường, bom lăn xuống vực, hố bom đè lên hố bom... Mùa Xuân trùm lên núi rừng tấm áo màu xanh mới thì nơi đây vẫn một màu đỏ quạch. Cây cối trơ những gốc cháy đen. Đất đá tan thành bột... Ấy thế mà, kẻ địch vẫn vung bom, nhả đạn xuống mảnh đất nhỏ bé này".
Nơi ấy diễn ra "cuộc chiến tranh gian khổ", đòi hỏi sự hi sinh tính mạng, nhưng họ đã "tiếp nhận" với những khẩu hiệu thép: "Tim còn đập đường còn thông", "Địch đánh ngày coi như không đánh; địch đánh đêm chỉ cho phép tắc giờ". Quả là một bút pháp sắc sảo, hào hùng nhưng cũng đầy giản dị.
Hình tượng ấy còn dẫn tới một hình tượng cũng giản dị, hào hùng không kém: "Bữa cơm ăn ngay trên trọng điểm vẫn có bát canh rau muống rau dền - những thứ rau mà đơn vị trồng ngay trên mảnh đất lởm chởm đạn bom; vẫn có những bữa bánh cuốn hoặc bát bún riêu, do các anh chị nuôi tận tình và khéo tay chế biến. Để có những thứ ấy, họ đã từng lặn lội đi rất xa tìm loại đá tốt về, kỳ cục gọt giũa thành những chiếc cối xay bột rất xinh, làm ra nhiều loại bánh ngon lành cho các chiến sĩ mở đường có thêm sức chiến đấu..." (trang 55).
Những món ăn dân tộc, "bánh cuốn", "bún riêu", "các loại bánh", những vật dụng thường ngày nơi quê nhà, "chiếc cối xay bột", "nồi, vỉ tráng bánh", đâu chỉ còn là những thứ thông thường, mà nó đã thành hình ảnh dân tộc luôn luôn sát cánh bên họ, nâng giấc, an ủi họ và cùng đi vào chiến đấu tử sinh...
Bút pháp giản dị ấy, ông còn thể hiện trong những nét tả người. Trong bài "Xanh mãi trang giáo án" (trang 79), ông viết về một giáo viên lậm lụi, quên mình với công việc: "Tôi gặp giáo viên Thái Đình Hòe vừa lúc anh từ cánh đồng ven sông Đuống trở về. Cái nắng đầu hè như còn vương lại trên khuôn mặt và cánh tay sạm đen của người thầy giáo từng lặn lội trên những kênh mương, đồng lúa cùng với các bạn đồng nghiệp và học sinh thân yêu của mình vẽ lại bộ mặt của đồng quê..." (trang 79). Tôi nghĩ, chỉ "cái nắng đầu hè", "vương lại trên khuôn mặt và cánh tay sạm đen”, đã nói lên rất nhiều điều về người giáo viên ấy.
Lại như, ông viết trong bài "Một phòng thí nghiệm lớn" (trang 29). "Giữa những ngày miền Bắc rực lửa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, một nhóm kỹ sư nông nghiệp trẻ cùng Anh hùng Lao động Lương Đình Của, ba lô khoác vai, tay thước, tay sách, náo nức đi tìm cơ sở xây dựng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm...” (trang 29). Họ ra đi giản dị thế thôi, nhưng họ đã biến "150 hecta ruộng xấu thành những cánh đồng thí nghiệm và thực nghiệm có mương tưới nước, tiêu nước dọc ngang và những bờ vùng bờ kho, khu chuồng trại chăn nuôi... khoe màu ngói đỏ tươi giữa cánh đồng rộng lớn. Hàng cây phi lao, hàng cây ăn quả - ngày đầu tưởng chừng như không sống nổi trên mảnh đất chua này, giờ đây đã và đang bén rễ sâu, vươn cành lá xanh tươi. Từ đây, nhiều giống lúa mới, nhiều cách làm mới và nhiều cán bộ khoa học, kỹ thuật mới đang tỏa đi khắp nông thôn miền Bắc..." (trang 29). Và, hãy đọc thêm một dòng này: "Còn gì sung sướng hơn khi nhìn từng đoàn xe hối hả chở hàng trăm tấn thóc giống các loại tỏa đi khắp nơi..." (trang 33).
Chỉ bằng những nét chấm phá giản dị ấy, khiến ban đầu người ta cũng tưởng chỉ là một công việc bình thường, nhỏ nhoi, vầy vậy thôi, nhưng càng đọc người ta càng thấy, rõ ràng đây là "một phòng thí nghiệm lớn" với những thành quả lớn của nó, mà không cần tới những lời lẽ "đao to búa lớn"...
Hay trong bài "Bình thường mà kỳ diệu" (trang 76), có một đoạn viết về một chi tiết, mang tên riêng là "Thật là tuyệt diệu": Ông viết thế này: "Một nhà báo nước tư bản thăm một trường đại học của ta ở nơi sơ tán.
Nhà báo hỏi chủ nhà: Bà cho họ đặt lớp ở đây, mỗi tháng lấy bao nhiêu tiền?
Bà chủ nhà cười ngạc nhiên: Ô hay, đây là con em chúng tôi, chứ có phải ai đâu mà lấy tiền! Con em chúng tôi cũng đi nhiều nơi và được bà con chăm sóc giúp đỡ, coi học sinh cũng như con em trong gia đình mình thôi.
Nhà báo lầm bầm: Thật là tuyệt diệu! Tuyệt diệu!" (trang 76).
Đoạn văn nêu trên đã được trình bày hết sức đơn giản, bình dị, khiến người đọc cũng phải thốt nên: Thật tuyệt diệu!
Bút pháp giản dị nhưng sâu sắc ấy còn được PGS.TS Hồng Vinh thể hiện trong nhiều bài báo được trích in trong tập sách của mình. Ví dụ như những bài: "Bắt giặc lái B52 trên sông Hồng" (trang 63); "Vùng than rộn rã tiếng còi tầu" (trang 169); Hirôsima, tiếng chuông hòa bình mãi mãi ngân vang" (trang 358), cùng nhiều bài khác nữa...
Đọc cuốn sách "Đất nước - Qua những chặn đường làm báo" của PGS.TS Hồng Vinh, tôi còn thích những đoạn văn viết rất trữ tình và vô cùng gợi cảm, có rất nhiều trong các bài viết của ông, song tôi chỉ xin đưa ra đây một thí dụ.
Khi tới Pari dự hội báo của Đảng Cộng sản Pháp, ông tả cảnh sắc Pari: "Hội báo diễn ra ở công viên La Cuốcnơvơ, rộng 50ha, thường có mưa phùn, trời lạnh. Nhưng năm nay, có những lúc mưa xối xả như mùa Hè mặc dù trời đã sang Thu. Những cây dẻ trong các công viên, dọc các đại lộ đã bắt đầu úa vàng" (Ngày hội của những người Cộng sản và lao động Pháp - trang 322). Rồi, rất tự nhiên, ông liên tưởng tới đoạn văn của nhà đại văn hóa Pháp, Anatôn Phrăng, mà những học sinh tiểu học ngày xưa, không người nào không thuộc: "Tôi xin nói những gì tôi nhìn thấy khi tôi đi ngang vườn Luychxămbua... Cảnh vật buồn nhưng đẹp hơn bao giờ hết, vì đó là lúc những chiếc lá rơi từng chiếc, từng chiếc, trên đôi vai trắng của những bức tượng...".
Đến Pari, cảnh sắc Pari không thể không gợi cho ông về một tình cảm đối với vị lãnh tụ kính yêu. Ông viết: "Chúng tôi đi trên đường phố Pari, các đại lộ rộng lớn với những ngôi nhà sang trọng, những ngõ nhỏ lát đá, với những ngôi nhà thâm thấp, tường phủ rêu và cỏ dại, mà lòng cứ bâng khuâng tự hỏi: Lối mòn nào đã in dấu chân của Bác Hồ chúng ta...? Ngõ hẹp Côngpoăng, ngôi nhà ở phố Macsê đê Patriácsơ, "xóm" Êpinet nghèo khổ thuở nào? Đâu là ngôi nhà tại khu nghệ sĩ Môngpácnátxơ đã từng là nơi Bác thường lui tới trong những ngày tháng làm Báo Người cùng khổ?..." (trang 322 - 323).
Viết về cảnh Pari, nhưng lại trĩu nặng tình cảm người Việt, khiến đoạn văn đã trữ tình càng trở nên trữ tình hơn, khiến "bài báo" dường như đã biến thành một "bài văn"...
Càng đọc cuốn sách càng thấy có nhiều lời muốn nói thêm hơn nữa... Và thấy đúng như thư tay của nhà báo Hồng Hà (nguyên Bí thư T.Ư Đảng) gửi nhà báo Hồng Vinh: "Đọc sách thấy được toàn cảnh hoạt động báo chí của anh, tuy mới chỉ là sự tuyển chọn các bài viết của anh. Nếu lấy thêm nữa và nhất là có thêm những bài nói về các Nghị quyết, chủ trương của Đảng về báo chí của anh thì chắc chắn sẽ có một tập sách phong phú hơn...".
Tới đây, để khép lại bài này, xin được mượn lại mấy câu trong Lời giới thiệu của cố nhà báo lão thành Hoàng Tùng (nguyên Bí thư T.Ư Đảng, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn T.Ư, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân), in trên trang 7 của "Đất nước - Qua những chặng đường làm báo" rằng: "Đọc cuốn sách, bạn đọc thấy lại đất nước và con người Việt Nam trong hai thời kỳ lớn: Kháng chiến chống Mỹ và đổi mới, hội nhập, bước vào chặng đường phát triển lâu dài thứ hai sau kỷ nguyên Thăng Long".
(Đọc cuốn "Đất nước - Qua những chặng đường làm báo" của PGS.TS Hồng Vinh)
Tố Hoa
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), ngày 13/12, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc Triển lãm.
Thái Hải
19:16 13/12/2024(Thanh tra) - Những năm qua, huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Nam Dũng
14:20 11/12/2024Thái Hải
20:29 10/12/2024TC
19:05 10/12/2024Nguyễn Điểm
18:00 10/12/2024Thái Hải
11:36 10/12/2024Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền
Uyên Uyên