Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thái Hải
Thứ năm, 05/06/2025 - 14:28
(Thanh tra) - Ngày 5/6, Cục Báo chí, Báo Văn hóa phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) tổ chức Hội thảo “Báo chí đồng hành xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong kỷ nguyên mới”.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PV
Báo chí đồng hành xây dựng, phát triển văn hoá doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hồ An Phong nêu rõ, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, trụ cột chính của nền kinh tế quốc gia. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò thúc đẩy, ứng dụng khoa học công nghệ, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế…
Thứ trưởng cho rằng, muốn phát triển doanh nghiệp một cách bền vững, sáng tạo trong kỷ nguyên mới, các doanh nghiệp phải lưu ý đến phát triển văn hoá doanh nghiệp.
"Văn hoá doanh nghiệp là yếu tố tất yếu trong phát triển doanh nghiệp. Văn hoá cũng giúp giá trị sản phẩm của doanh nghiệp được gia tăng, tiếp cận được thị trường và dễ dàng đến tay khách hàng" - Thứ trưởng nói.
Văn hoá doanh nghiệp là tập hợp những giá trị, niềm tin, chuẩn mực, hành vi, phong cách làm việc… được hình thành, duy trì trong một tổ chức. Đây chính là “linh hồn” và bản sắc riêng biệt của mỗi doanh nghiệp, ảnh hưởng sâu sắc đến nhân viên, cách doanh nghiệp vận hành.
Cũng theo Thứ trưởng Hồ An Phong, báo chí có vai trò quan trọng trong đồng hành xây dựng, phát triển văn hoá doanh nghiệp. Báo chí đã phát hiện, phản biện, lan toả những giá trị cốt lõi trong văn hoá doanh nghiệp. Báo chí không chỉ là cầu nối mà còn là kênh truyền thông, tham gia kiến tạo, phát triển văn hoá doanh nghiệp. Báo chí giúp xử lý khủng hoảng truyền thông cho doanh nghiệp; kết nối doanh nghiệp, sản phẩm của doanh nghiệp đến người dân và xã hội.
Cùng với đó, báo chí lan toả hình ảnh, giá trị tích cực, sứ mệnh trong văn hoá doanh nghiệp; kể câu chuyện về sản phẩm của doanh nghiệp.
“Sự phát triển của doanh nghiệp, văn hoá doanh nghiệp phải có sự đồng hành của báo chí và ngược lại. Mối quan hệ ấy có tính chất 2 chiều. Nhờ có báo chí, doanh nghiệp được củng cố về thương hiệu, độ uy tín với các đối tác. Đồng thời, báo chí góp phần định hướng, truyền thông cho phát triển văn hoá doanh nghiệp”, Thứ trưởng Hồ An Phong nêu rõ.
Báo chí nâng tầm văn hóa doanh nghiệp
Tổng Biên tập Báo Văn hoá Nguyễn Anh Vũ nhấn mạnh, trong sự phát triển của văn hoá doanh nghiệp, báo chí được coi như đối tác đồng hành và thúc đẩy văn hoá doanh nghiệp.
Báo chí với tư cách là một thiết chế xã hội đặc biệt, có khả năng dẫn dắt dư luận, thúc đẩy các giá trị tích cực, đã và đang đồng hành chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp trong nhiều hoạt động.
Điều này được thể hiện qua việc báo chí phản ánh, lan toả mô hình văn hoá doanh nghiệp tiêu biểu, truyền cảm hứng, cổ vũ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có trách nhiệm với xã hội; phê phán, cảnh báo những hành vi sai trái, thiếu đạo đức trong kinh doanh, từ đó góp phần thanh lọc môi trường kinh doanh.
Báo chí cũng góp phần thúc đẩy đối thoại chính sách giữa Nhà nước – doanh nghiệp – xã hội về các vấn đề liên quan đến đạo đức kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược truyền thông, định hình hình ảnh, thương hiệu và giá trị cốt lõi.
Báo chí không chỉ là người đưa tin, mà còn là “người đồng hành”, “người kiến tạo”, góp phần xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh nhân văn và hiện đại. Trong thời đại số, khi thông tin là nguồn lực thiết yếu, báo chí có thể trở thành lực lượng tiên phong trong việc xây dựng và phổ biến các giá trị văn hoá doanh nghiệp tới xã hội và cộng đồng.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: PV
Tổng Biên tập Nguyễn Anh Vũ cho rằng, báo chí và doanh nghiệp cần phối hợp, xây dựng chiến lược truyền thông quốc gia về văn hoá doanh nghiệp, trong đó báo chí giữ vai trò trung tâm về nội dung và lan toả thông điệp.
Tăng cường đào tạo phóng viên chuyên sâu về mảng doanh nghiệp, kinh tế, văn hoá tổ chức, giúp nâng cao chất lượng phản ánh, bình luận, phân tích chính sách.
Khuyến khích hình thành các diễn đàn thường niên, tọa đàm chuyên đề, nơi báo chí và doanh nghiệp cùng nhau đối thoại, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và cùng kiến tạo giá trị.
Phát triển các chuyên mục, chuyên trang, chiến dịch truyền thông dài hạn về doanh nghiệp tử tế, văn hoá kinh doanh, đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội.
Thúc đẩy mô hình truyền thông hợp tác có trách nhiệm, trong đó doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin minh bạch, báo chí phản ánh trung thực, đồng thời hai bên cùng hướng đến phát triển bền vững.
Báo chí - doanh nghiệp: người đồng hành
Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho rằng, báo chí và doanh nghiệp hiện nay được xem là hai thực thể có mối quan hệ cộng sinh, tương hỗ lẫn nhau.
Báo chí đóng vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với khách hàng, nhà đầu tư và đối tác, đồng thời là kênh truyền tải thông tin về chính sách, thị trường và xu hướng kinh doanh.
Ngược lại, doanh nghiệp cung cấp nguồn thông tin phong phú và là đối tượng phản ánh của báo chí, đồng thời hỗ trợ tài chính thông qua quảng cáo và hợp tác truyền thông.
Báo chí không chỉ giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm mà còn phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong môi trường kinh doanh, từ đó góp phần thúc đẩy sự vận động các nguồn lực quan trọng như vốn, lao động và công nghệ.
Thông qua báo chí, doanh nghiệp có thể cập nhật nhanh chóng các chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước, kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Bích Loan, Uỷ viên BCH Hiệp hội Phát triển Việt Nam, Nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Thương mại Hà Nội đề cập đến báo chí và doanh nghiệp với việc thực hiện trách nhiệm xã hội của mình trong kỷ nguyên mới.
Theo bà Loan, trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số, khi làn sóng công nghệ tác động nhanh, mạnh mẽ tới toàn bộ nền kinh tế với tốc độ lan truyền dữ liệu vượt qua cả chu kỳ sản xuất, báo chí chính thống luôn giữ vai trò cốt lõi trong việc truyền tải thông tin, định hướng dư luận, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội.
“Báo chí với vai trò là “người đồng hành” với doanh nghiệp, là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan, cần phản ánh nhanh chóng, đầy đủ nhu cầu và kiến nghị của doanh nghiệp để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch cho doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, góp phần phát triển bền vững doanh nghiệp trong kỷ nguyên mới của đất nước”, bà Nguyễn Thị Bích Loan nhấn mạnh.
Nhà báo Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị đề cập đến văn hóa doanh nghiệp và mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp.
Theo ông Lợi, văn hóa doanh nghiệp có 2 yếu tố quan trọng là định hướng chiến lược cho doanh nghiệp phát triển và giá trị cốt lõi. Trong đó giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là sự tổng thể, bao gồm các nguyên tắc, chuẩn mực và đạo đức kinh doanh.
Xác định giá trị nội dung của báo chí và truyền thông là phi vật chất. Không chỉ cung cấp thông tin cho công chúng, báo chí, truyền thông còn tác động đến nhận thức của công chúng. Nên vai trò của báo chí hết sức quan trọng, nếu không có báo chí, doanh nghiệp có làm tốt đến đâu cũng không được biết đến.
Truyền thông phải nhất quán, minh bạch. Thông tin của báo chí, một trong những nguyên tắc là tôn trọng sự thật, sự thật là sinh mệnh của báo chí.
Báo chí, truyền thông và doanh nghiệp tạo nên một tam giác bền vững trong thời đại hội nhập. Khi báo chí đưa tin trung thực, doanh nghiệp minh bạch và công chúng phân biệt đúng, sai, chúng ta có thể xây dựng nên một hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh - nơi văn hóa và đạo đức là nền móng của thành công.
Do đó, hơn lúc nào hết, đối với doanh nghiệp, cần chủ động hợp tác với báo chí, xây dựng đội ngũ truyền thông chuyên nghiệp, minh bạch thông tin và đầu tư cho các chiến dịch truyền thông nội bộ. Đối với cơ quan báo chí, cần giữ vững tính khách quan, nhân văn, không thông tin một chiều; đồng thời phát huy vai trò phản biện xã hội trong định hình văn hóa kinh doanh lành mạnh.
Có thể khẳng định, thương hiệu phải gắn liền với giá trị đạo đức. Trong một xã hội ngày càng quan tâm đến trách nhiệm xã hội và tính minh bạch, việc xây dựng thương hiệu không thể tách rời đạo đức doanh nghiệp. Khách hàng không chỉ mua sản phẩm, mà còn mua niềm tin vào cách doanh nghiệp vận hành và đối xử với con người, môi trường và cộng đồng. Báo chí là nơi kiểm định và củng cố niềm tin của công chúng.
Thực tế đã chứng minh, những tuyến bài điều tra của báo chí không chỉ phơi bày sai phạm, mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp tự rà soát lại đạo đức nghề nghiệp, quy trình vận hành và trách nhiệm xã hội. Một thương hiệu bền vững là thương hiệu có khả năng tự sửa sai, tự cải tiến và dám đối diện với công luận.
“Do đó, đề cao đạo đức báo chí chính là nền tảng để xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa báo giới và doanh nghiệp. Một môi trường truyền thông lành mạnh sẽ giúp doanh nghiệp an tâm hoạt động, đồng thời khuyến khích hành vi minh bạch và tử tế.
Một khi hai bên tôn trọng nguyên tắc nghề nghiệp của nhau, cả xã hội sẽ được hưởng lợi. Khi xảy ra khủng hoảng truyền thông, báo chí cũng có thể đóng vai trò tái thiết niềm tin sau khủng hoảng”- ông Nguyễn Thành Lợi khẳng định.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), tối 18/6, Hội Nhà báo tỉnh và Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An tổ chức chương trình giao lưu “Lửa bút”. Chương trình nhằm tôn vinh những người làm báo và ghi dấu hành trình trưởng thành của báo chí Nghệ An trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam.
Văn Thanh
(Thanh tra) - Chiều nay, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025). Đến dự có ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy; các lãnh đạo tỉnh và gần 300 nhà báo, phóng viên các cơ quan báo chí của Trung ương và của tỉnh.
Trần Lê
Văn Thanh
Trần Quý
Kim Thành
Uyên Phương
Văn Thanh
Hoàng Minh
Trọng Tài
Mai Lê
Thái Hải
Trần Lê
Nam Dũng