Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Để xảy ra một nền tư pháp hối lộ là cực kỳ nguy hiểm”

Thứ ba, 04/04/2017 - 06:42

(Thanh tra)- Để chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp của ngành Tòa án, cái gốc là phải bảo đảm cho thẩm phán đủ năng lực để độc lập xử lý đúng pháp luật, khách quan, không chịu bất cứ tác động tiêu cực nào từ bên ngoài, kể cả đương sự, kể cả lãnh đạo.

PGS. TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao. Ảnh: TN

“Công lý hối lộ thì không phải là công lý”

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của ngành Tòa án ngày càng trở nên quan trọng và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp.

Theo PGS. TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, “để xảy ra một nền tư pháp hối lộ là cực kỳ nguy hiểm. Vì đây là khâu cuối cùng rồi. Tư pháp là công lý, mà công lý hối lộ thì không phải là công lý nữa”.

Trên thế giới, tất cả các quốc gia đều chú trọng xây dựng nền tư pháp trong sạch, minh bạch. Ngoài phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, quan trọng nhất là phải có sự bảo đảm để nuôi dưỡng sự trung thực, minh bạch của toà án và chống tham nhũng, làm cho công lý được thực thi.

Để làm được điều này, theo PGS.TS Trần Văn Độ, phải thông qua chính sách, thông qua các quy định về lựa chọn thẩm phán, nhiệm kỳ thẩm phán, lương bổng… để người ta không bị cám dỗ bởi vật chất, yên tâm hoạt động với nghề.

“Phát hiện, xử lý chỉ là cái ngọn, cái gốc là phải bảo đảm cho các thẩm phán đủ năng lực để độc lập xử lý đúng pháp luật, khách quan, để không chịu bất cứ tác động tiêu cực nào từ bên ngoài, kể cả đương sự, kể cả lãnh đạo”.

Thực tế, nguy cơ tham nhũng, tiêu cực ngành nào cũng có, đặc biệt là trong ngành Tư pháp. Vì đây là ngành xử lý những tranh chấp lợi ích giữa các cá nhân tổ chức, các vi phạm pháp luật.

Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao bình luận, “khi lợi ích bị vi phạm, họ sẽ bằng bất cứ con đường nào, bất cứ giá nào để mình thắng kiện. Đó là cám dỗ rất lớn đối với các thẩm phán, nếu không có bản lĩnh, không có chính sách của Nhà nước để nuôi dưỡng bản lĩnh đó thì tiêu cực rất dễ xảy ra”.

“Bảo đảm đời sống cho thẩm phán”

Cho nên, con đường “nói không” với tham nhũng, tiêu cực, chuyên gia cho rằng, đầu tiên và trước hết là phải bảo đảm sự độc lập trong hoạt động của Thẩm phán.

Hiến pháp năm 2013 đã quy định “thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm”.

Tòa án “thực hiện quyền tư pháp” và có nhiệm vụ đầu tiên là “bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”, rồi đến “bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước”, cũng có ý nghĩa tăng cường tính độc lập của tòa án và thẩm phán.

Tất nhiên, độc lập phải gắn với trách nhiệm tuyệt đối của thẩm phán. “Không phải độc lập là muốn phán thế nào thì phán. Anh phán sai thì hậu quả cực kỳ nặng nề, nếu có tiêu cực thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”, ông Độ lưu ý.

Tiếp đó, là phải có hệ thống quy định, quy chế về đạo đức, quy tắc ứng xử. Trong trình tự thủ tục hàng ngày, làm thế nào để triệt tiêu những nguyên nhân, điều kiện để tham nhũng xảy ra.

PGS.TS Trần Văn Độ đơn cử, vấn đề tiếp xúc của thẩm phán, phải quy định tiếp xúc thế nào, với ai… như TAND Tối cao quy định thẩm phán không được tiếp xúc riêng với đương sự, tiếp xúc phải có sự giám sát chung…

“Luật hiện nay chưa quy định điều này nhưng quy chế nội bộ phải quy định chặt chẽ”, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao nói tiếp, thứ ba là phải làm thế nào để giám sát mà không làm mất đi tính độc lập của thẩm phán và cuối cùng là trình độ, năng lực của thẩm phán.

“Muốn độc lập, xử lý được thì phải có trình độ, năng lực, kinh nghiệm. Không ngẫu nhiên mà tại các nước, thẩm phán không có quy định về tuổi vì rất cần những người có kinh nghiệm, như Hoa Kỳ thì thẩm phán làm việc đến khi không còn sức khoẻ. Những người thầy như thầy giáo, thầy thuốc, thẩm phán cần đạo đức, cái tâm và trình độ năng lực tuyệt đối. Những ông thầy đó không nên quy định tuổi làm việc”.

Ông cũng thẳng thắn nêu quan điểm, thẩm phán không làm thêm kinh tế để tăng thu nhập.

“Tôi đồng tình với việc bác sĩ có thể chữa bệnh ngoài giờ, giáo viên có thể dạy thêm đúng quy định, nhưng thẩm phán thì không thể. Với nghề này, chỉ có chính sách của Nhà nước, phải có chế độ, bảo đảm đời sống cho họ”.

Thống kê về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp, trong 5 năm từ 2012 - 2014, có 141 người có hành vi vi phạm bị xử lý, trong đó 23 người bị xử lý trách nhiệm hình sự; 118 người bị xử lý kỷ luật (10 người bị cách chức, 54 người bị khiển trách, 35 người bị cảnh cáo, 2 người bị hạ bậc lương 17 người bị buộc thôi việc), đồng thời, xử lý kỷ luật về Đảng với 5 người.

Nếu phân loại theo hành vi vi phạm, có 23 người có hành vi tham ô, nhận hối lộ trong hoạt động công vụ; 83 người có hành vi vi phạm chế độ công vụ; 32 người vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức; 3 người vi phạm những điều Đảng viên không được làm.


Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: Xây "chui" loạt căn hộ trên tầng mái chung cư

Hà Nội: Xây "chui" loạt căn hộ trên tầng mái chung cư

(Thanh tra) - Tại tầng mái chung cư CT2 Xuân Đỉnh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), 4 căn hộ đã được xây dựng trái phép và bán cho người dân. Vụ việc cho thấy vẫn có doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật về xây dựng để trục lợi, đẩy gánh nặng khắc phục hậu quả lên khách hàng và cơ quan quản lý.

Đông Hà

20:01 14/12/2024
Thanh Hoá: Phát hiện, xử lý tham nhũng trong nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị

Thanh Hoá: Phát hiện, xử lý tham nhũng trong nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị

(Thanh tra) - Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai còn nhiều sai sót, chậm được xử lý; việc công khai, minh bạch trong quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong thực hiện quản lý, điều hành một số lĩnh vực còn chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn một số hạn chế nhất định, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, tố cáo…

Hương Trà

07:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm