Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vụ từ chức chấn động nước Pháp

Thứ tư, 08/05/2013 - 10:58

(Thanh tra) - Lời thú nhận của ông Jerome Cahuzac có tác động như một cơn động đất chính trị ở Pháp, làm sụt giảm mạnh uy tín Chính phủ của Tổng thống Francois Hollande. Bởi vì, người rửa tiền trốn thuế lại là người nắm trọng trách về ngân sách trong Chính phủ.

Ông Jerome Cahuzac đã từ chức Bộ trưởng Ngân sách ngày 19/3/2013. Ảnh: Reuters

Mất chức vì rửa tiền trốn thuế

Ngày 16/4/2013, trong một cuộc trả lời phỏng vấn kéo dài nửa giờ, cựu Bộ trưởng Ngân sách Pháp Jerome Cahuzac đã thông báo sẽ không trở lại làm Nghị sĩ Quốc hội nữa, mặc dù luật pháp không cấm ông làm như vậy.

Ông Jerome Cahuzac đã phải từ chức Bộ trưởng Ngân sách ngày 19/3/2013, sau khi Viện Công tố Paris loan báo mở điều tra về tội rửa tiền trốn thuế.

 Mặc dù Bộ trưởng Ngân sách luôn tuyên bố là mình vô tội, nhưng Tổng thống Francois Hollande đã buộc ông phải từ chức vì cáo buộc rửa tiền trốn thuế làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của một Chính phủ gương mẫu mà Tổng thống Pháp vẫn đề cao. Hơn nữa, trong thời gian vận động tranh cử, Tổng thống Francois Hollande đã cam kết là trong Chính phủ của ông sẽ không có người nào bị xét xử và tuyên án.

Về pháp lý, ông Jerome Cahuzac vẫn chưa bị truy tố và coi như vẫn vô tội, nhưng ông Francois Hollande buộc phải chia tay Bộ trưởng này ngay lập tức vì không thể để vụ việc ảnh hưởng đến hoạt động của Chính phủ.

Chưa kể, bản thân Bộ trưởng Ngân sách từ nhiệm cũng đã có thể coi việc chống trốn thuế là một trong những ưu tiên của Tổng thống Pháp, cho nên ông Jerome Cahuzac càng khó mà ở lại chức vụ này.

Được biết, vào tháng 12/2012, với việc công bố 1 đoạn băng thu âm điện thoại, trong đó có 1 tiếng nói, được coi là của ông Jerome Cahuzac, nhắc đến 1 tài khoản tại Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ, trang mạng Mediapart khẳng định: Bộ trưởng Ngân sách có tài khoản ở nước ngoài.

Băng ghi âm này đã được luật sư Michel Gonelle - cựu đối thủ chính trị của ông Jerome Cahuzac - lưu giữ từ 12 năm nay. Kết quả giám định sau đó của cơ quan cảnh sát điều tra đã khẳng định giọng nói trong băng rõ ràng là của ông Jerome Cahuzac.

Tuy nhiên, kể từ khi bị trang mạng Mediapart cáo giác, ông Jerome Cahuzac liên tục bác bỏ việc sở hữu tài khoản ở nước ngoài. Cựu Bộ trưởng Ngân sách phủ nhận sự việc đến cùng không chỉ trên truyền thông, mà cả trước Quốc hội Pháp, cũng như khi nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Francois Hollande. Có điều, sau thời gian dài chối cãi, ngày 2/4/2013, cựu Bộ trưởng Ngân sách Jerome Cahuzac đã phải thú nhận sự thật với 2 thẩm phán thụ lý hồ sơ Renaud Van Ruymbeke và Roger Le Loire về việc đã mở 1 tài khoản bí mật ở Thụy Sĩ cách đây 20 năm và sau đó chuyển tài khoản này sang Singapore.

Theo Tổng thống Pháp, cựu Bộ trưởng Ngân sách “phạm phải một lỗi lầm đạo đức không thể tha thứ được” vì đã “phủ nhận sự thực”. Trong 1 bài diễn văn trên truyền hình hôm 3/4/2013, Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh việc ông sẽ đề nghị thông qua một dự luật yêu cầu các Bộ trưởng trong Chính phủ và các Nghị sĩ Quốc hội phải kê khai và phổ biến chi tiết về tài sản cá nhân, đồng thời sẽ thực hiện những bước cần thiết để củng cố tính độc lập của ngành Tư pháp. Nhà lãnh đạo Pháp cũng khẳng định, các giới chức đã bị kết tội lừa đảo hay tham nhũng sẽ bị cấm vĩnh viễn, không được nắm giữ các chức vụ trong bộ máy công quyền.

Trên Kênh Truyền hình France 2, Thủ tướng Jean-Marc Ayrault thì tuyên bố “không hay biết gì trước đó” về tài khoản của ông Jerome Cahuzac.

Lãnh đạo nhóm nghị sĩ Đảng UMP đối lập tại Hạ viện Christian Jacob tỏ ra nghi ngờ việc 2 người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ không biết sự thực.

Còn Chủ tịch Đảng UMP Jean- Francois Cope thì cho rằng, việc cựu Bộ trưởng Ngân sách nói dối khiến cánh tả từ giờ trở đi không còn có thể tự coi mình là tấm gương đạo đức và yêu cầu Tổng thống Francois Hollande phải giải trình về vụ việc trước người dân Pháp.

Giới quan sát nhận định, lời thú nhận của ông Jerome Cahuzac có tác động như một cơn động đất chính trị ở Pháp, làm sụt giảm mạnh uy tín Chính phủ của Tổng thống Francois Hollande, bởi vì người rửa tiền trốn thuế lại là người nắm trọng trách về ngân sách trong Chính phủ. Chưa kể, Bộ trưởng này vẫn được xem là một trong những trụ cột của Chính phủ, được mọi người, kể cả phía đối lập, đánh giá cao về năng lực.

Bộ trưởng Ngân sách Pháp Jerome Cahuzac phát biểu tại hội nghị "đấu tranh chống trốn thuế", ngày 20/11/2012, Nanterre, ngoại ô Paris. Ảnh: AFP


Vẫn chưa hết, trong bản tin trên mạng ngày 7/4/2013, Đài Truyền hình RTS của Thụy Sĩ cho biết, theo một số thông tin ngân hàng mà các phóng viên của Đài này có được, cựu Bộ trưởng Ngân sách Pháp Jerome Cahuzac, vào năm 2009, đã tìm cách gửi 15 triệu euro vào một cơ quan tài chính Thụy Sĩ. Thế nhưng, tập đoàn tài chính này đã từ chối với lý do ông Jerome Cahuzac là một chính khách tên tuổi và kể từ đầu năm 2010, Thụy Sĩ phải minh bạch hóa các thông tin ngân hàng, trong khuôn khổ chương trình chống nạn trốn thuế. Như vậy, theo Đài RTS, khoản tiền mà cựu Bộ trưởng Ngân sách Pháp ký gửi tại Thụy Sĩ cao hơn rất nhiều so với con số đã được ông thông báo.

Ngoài ra, theo tiết lộ của một tờ báo ở Zurich, số đề ngày 7/4/2013, Ngân hàng Julius Bar tố cáo ông Jerome Cahuzac đã cung cấp giấy chứng nhận giả liên quan đến nguồn gốc của khoản tiền 600.000 euro ký gửi ở chương mục của ngân hàng. Cựu Bộ trưởng Ngân sách Pháp thậm chí còn khẳng định đấy là thu nhập của ông do hành nghề bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Với giải thích này của khách hàng là ông Jerome Cahuzac, Ngân hàng Julius Bar đã bật đèn xanh để chuyển khoản tiền 600.000 euro sang một cơ quan tài chính ở Singpore.
Với tội rửa tiền trốn thuế, cựu Bộ trưởng Ngân sách Jerome Cahuzac có thể bị phạt tù đến 5 năm.

Tranh cãi quanh việc công khai tài sản

Phỏng vấn cựu Bộ trưởng Ngân sách được phát 1 ngày sau khi toàn bộ các thành viên Chính phủ Pháp công khai hóa toàn bộ gia sản của họ.

Trước đó, ngày 15/4/2013, trong 1 quyết định nhằm làm trong sạch đời sống chính trị nước Pháp, Tổng thống Francois Hollande đã ra lệnh cho các thành viên trong Chính phủ phải công khai hóa tài sản. Theo đó: Từ chiều 15/4/2013, tài sản của các thành viên trong Chính phủ Pháp, từ Thủ tướng đến Bộ trưởng được công bố trên mạng điện tử của Phủ Thủ tướng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp, công dân có thể truy cập Internet để biết được tổng giá trị tài sản của của Thủ tướng và 37 Bộ trưởng, bao gồm bất động sản, tài khoản ngân hàng, đồ nội thất, phương tiện đi lại và cả giá trị trang sức…

Một dự luật được Chính phủ Pháp trình lên Quốc hội cũng sẽ buộc các Nghị sĩ Quốc hội phải công khai hóa tài sản như vậy.

Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái) và Bộ trưởng Ngân sách Pháp Jerome Cahuzac. Ông Jerome Cahuzac đã phải từ chức Bộ trưởng Ngân sách ngày 19/3/2013, sau khi Viện Công tố Paris loan báo mở điều tra về tội rửa tiền trốn thuế. Ảnh: Reuters


Phần đông trong Chính phủ Pháp tán thành quyết định của Tổng thống vì cho rằng ông không thể làm cách khác. Thế nhưng, họ lo ngại cách thức mà ông Francois Hollande tiến hành có thể gây ra nhiều rủi ro.

Chủ tịch Quốc hội Claude Bartolone nhận định, nếu muốn công khai thì chỉ cần “khai báo, kiểm soát và trừng phạt” còn nếu phổ biến thì chỉ gây “tò mò” trong công chúng.

Bộ trưởng Đặc trách Người cao tuổi Michele Delaunay thì không che giấu lo ngại bị chỉ trích: Người dân đang gặp khó khăn trong đời sống hàng ngày sẽ khó mà chấp nhận khi biết tôi có tài sản 5,4 triệu euro.

Phía cánh hữu, trong đó có cựu Thủ tướng Francois Fillon và cựu Bộ trưởng Laurent Wauquiez, đã lên án đây là hành động “vạch áo cho người xem lưng”.

Chủ tịch Đảng UMP thì đả phá mạnh hơn, cho đây là hành vi “đạo đức giả”.

Sau các Bộ trưởng, sẽ đến lượt các Nghị sĩ và đại diện chính quyền địa phương, công chức cao cấp, phải công khai hóa gia sản.

Theo thống kê của Viện Thăm dò công luận Pháp (Ifop), được đăng trên Báo Journal Du Dimanche, có đến 60% số người được hỏi tán thành việc công khai hóa tài sản của các Bộ trưởng.

Ngoại trưởng Pháp bác bỏ cáo buộc có tài khoản tại Thụy Sĩ   Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius trước cuộc họp báo về Mali tại Lyon ngày 19/3/2013. Ảnh: Reuters Sau bê bối Bộ trưởng Ngân sách Pháp Jerome Cahuzac gửi tiền ở nước ngoài để trốn thuế, đến lượt Ngoại trưởng Laurent Fabius phải lên tiếng bác bỏ tin đồn có tài khoản ở Thụy Sĩ. Trong thông cáo đề ngày 8/4/2013, Ngoại trưởng Pháp tuyên bố chính thức bác bỏ tin đồn được Báo Liberation đăng tải… do “những lời đồn đó không có chứng cứ và hoàn toàn không có cơ sở”. Luật sư của ông Laurent Fabius thì dọa đệ đơn kiện Báo Liberation vì loan tin “thất thiệt” và “mang tính thóa mạ”. Trước đó, Nhật báo Liberation cho biết, Phủ Tổng thống Pháp đang “điên đảo” trước những tin đồn về khả năng Ngoại trưởng Laurent Fabius có tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ. Cũng theo Liberation, trang mạng Mediapart đang điều tra về tài sản của Ngoại trưởng Laurent Fabius. Và, nếu như tin đồn nói trên được kiểm chứng thì “toàn bộ Nội các sẽ đổ”. Được biết, chiều ngày 5/4/2013, ông Edwy Plenel - sáng lập viên trang mạng Mediapart - cho hay, ngoài vụ scandal mang tên Jerome Cahuzac, trang này sẽ tiếp tục đưa ra ánh sáng những vụ tai tiếng khác. Tuy nhiên, ông Edwy Plenel không đề cập đến trường hợp của Ngoại trưởng Laurent Fabius. Và, vì thế, Mediapart đã bày tỏ thái độ ngạc nhiên trước tiết lộ liên quan đến Ngoại trưởng Pháp của Nhật báo Liberation. Sáng lập viên Mediapart Edwy Plenel, do đó cũng đã chỉ trích thái độ của Ban Biên tập Nhật báo Liberation.


Minh Tuấn - Minh Anh (Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm