Kỳ họp này tiếp tục xem xét các chủ đề luật pháp quốc tế trong chương trình làm việc của ILC. Kết quả Ủy ban đã thông qua dự thảo Báo cáo và bình luận của ba chủ đề: Tội ác chống nhân loại, Quy phạm mệnh lệnh trong luật quốc tế (Juscogens) và Bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang. Ủy ban đồng thời thảo luận về 03 Báo cáo để tiếp tục hoàn thiện thêm, gồm: Báo cáo lần 3 về chủ đề “Kế thừa quốc gia liên quan đến trách nhiệm quốc gia”, Báo cáo lần 7 về chủ đề “Quyền miễn trừ của nhân viên công vụ khỏi các quyền tài phán hình sự nước ngoài”, Báo cáo lần 1 “Các nguyên tắc chung của Luật”.
Đặc biệt, Ủy ban cũng thảo luận và thông qua kế hoạch làm việc của Nhóm nghiên cứu “Tác động của mực nước biển dâng cao trong quan hệ với luật quốc tế”, là chủ đề mới trong chương trình làm việc của ILC. Ngoài ra, Uỷ ban đã kiến nghị Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết triệu tập Hội nghị quốc tế xây dựng Công ước Tội ác chống nhân loại trên cơ sở dự thảo Công ước do Uỷ ban soạn thảo. Thành viên Việt Nam tham gia tích cực vào các hoạt động của ILC tại các phiên họp toàn thể, tại Tiểu ban soạn thảo và các Tiểu ban chuyên môn khác của ILC; đề xuất xây dựng các quy định của luật pháp quốc tế trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, quyền con người và phát triển bền vững.
Nhiều thực tiễn của Việt Nam và khu vực được thành viên Việt Nam nhấn mạnh tại các phiên thảo luận được các thành viên khác của ILC đánh giá cao. Những kiến nghị của thành viên Việt Nam về nội dung và kỹ thuật pháp lý nhằm hoàn thiện các dự thảo kết luận và nguyên tắc của ILC trước khi gửi lấy ý kiến các quốc gia tại Liên hợp quốc đã được ghi nhận. Phó giáo sư tiến sỹ Nguyễn Hồng Thao phát biểu ủng hộ việc thông qua dự thảo và bình luận Công ước về Tội ác chống nhân loại ghi nhận việc ngăn ngừa và trừng phạt tội ác chống nhân loại là một quy phạm mệnh lệnh của luật quốc tế; ông nhấn mạnh điều này được minh chứng bởi phán quyết số 002/02 tháng 11/2018 của Toà án đặc biệt xét xử tội ác của Khmer Đỏ (ECCC).
Tại kỳ họp lần này của ILC, thành viên Việt Nam đã nhận nhiệm vụ xây dựng Báo cáo về “Các nước châu Á- Thái Bình dương và vấn đề mực nước biển dâng cao trong quan hệ với Luật pháp quốc tế.” Hiện nay, do tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam và các quốc gia đảo nhỏ Thái Binh Dương là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nước biển dâng.
Vì vậy, việc thành viên Việt Nam của ILC tham gia Nhóm nghiên cứu về chủ đề mới này của ILC là dịp để thành viên Việt Nam thể hiện quan điểm chuyên gia cũng như phản ánh quan điểm của Việt Nam và các nước đang phát triển trong khu vực đối với các vấn đề liên quan như tác động của nước biển dâng đối với đường cơ sở, quy chế các vùng biển, quy chế quốc gia, di cư, bồi thường, đồng thời cũng tiếp tục khẳng định và bảo vệ vai trò quan trọng của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) trong giải quyết các vấn đề trên biển. Việc tham gia ILC của chuyên gia Việt Nam về luật pháp quốc tế phù hợp với chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, thể hiện rõ Việt Nam đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế, tích cực đóng góp vào tiến trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế, vì hòa bình và phát triển bền vững của cộng đồng quốc tế.
Ủy ban Luật pháp quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc (ILC) gồm có 34 thành viên do Đại hội đồng bầu ra, có vai trò quan trọng trong tiến trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế, đã soạn thảo nhiều văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng như Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969, Quy chế Rome của Toà án Hình sự quốc tế 1998, dự thảo Các điều khoản về trách nhiệm quốc tế của quốc gia cho hành vi sai phạm quốc tế năm 2001. Đại sứ, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thao là đại diện đầu tiên của Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021 trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra tháng 11/2016.
Ông Nguyễn Hồng Thao hoàn thành chương trình và được trao học vị Tiến sỹ Luật tại Đại học Paris I Pantheon-Sorbone (Pháp) năm 1996. Ông là chuyên gia về công pháp quốc tế, luật môi trường, luật biển, phân định biên giới, với gần 40 năm kinh nghiệm công tác pháp lý và ngoại giao. Ông từng đảm nhận vị trí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia và Kuwait, tham gia nhiều đoàn đàm phán về biên giới lãnh thổ và xuất bản nhiều đầu sách, báo về luật pháp quốc tế./.