Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tỷ phú nhân ái

Thứ tư, 02/02/2011 - 12:02

(Thanh tra)- Bất chấp sự khó khăn trong hoạt động kinh doanh khiến doanh thu và lợi nhuận giảm sút, hàng loạt đại gia vẫn nhiệt tình tham gia vào The Giving Pledge (tạm dịch là “Cam kết Đóng góp”) - dự án do người đồng sáng lập Cty Microsoft Bill Gates và ông trùm tài phiệt Warren Buffett khởi xướng - với mục đích kêu gọi những người giàu nhất nước Mỹ cam kết tăng cường đóng góp vào hoạt động từ thiện, bất kể lúc họ còn sống hay sau khi đã chết đi.

Bill Gates (phải) và Warren-Buffett

Đến nay, đã có ít nhất 57 người, bao gồm rất nhiều tỷ phú đăng ký tham gia hiến tặng một nửa gia sản. Trong danh sách những tỷ phú nhân ái này có cả tên của Thị trưởng New York - tỷ phú Michael Bloomberg, trùm truyền thông - người sáng lập kênh truyền hình nổi tiếng CNN Ted Turner, tỷ phú dầu hỏa T. Boone Pickens và đạo diễn series phim Star Wars (Chiến tranh giữa các Vì sao) George Lucas.

Làm từ thiện để cải thiện hình ảnh doanh nhân
Theo ông Steyer, một nhà quản lý quỹ, chiến dịch The Giving Pledge có thể giúp cải thiện hình ảnh của những nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Lý do được ông Steyer đưa ra là: Thông thường, những nhà kinh doanh không chiếm được lòng tin của công chúng và họ bị coi là… con buôn, chỉ cần biết tới lợi nhuận. Nhưng, việc tham gia của các tỷ phú vào cam kết hiến tặng tài sản cho các hoạt động xã hội cho thấy, những doanh nhân giàu có này không phải chỉ biết có quyền lợi riêng. Họ cũng có những trách nhiệm to lớn hơn và là người của một cộng đồng rộng lớn hơn.

Ông Warren Buffett rất hài lòng với kết quả tạm thời này và cho biết sẽ cùng với ông Bill Gates tiến hành nhiều cuộc gặp những người giàu khác ở ngoài biên giới nước Mỹ, như Trung Quốc (nước có số tỷ phú nhiều thứ 2 thế giới, sau Mỹ) và Ấn Độ chẳng hạn, để nói chuyện từ thiện. Hai ông hy vọng, ý tưởng về sự hảo tâm sẽ lan tỏa đi khắp nơi và họ có thể vận động được các tỷ phú có tên trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Tạp chí Forbes cam kết tặng đến 600 tỷ USD. Tuy nhiên, 2 tỷ phú này đều nhấn mạnh, không có ý định dẫn đầu chiến dịch vận động toàn cầu huy động lòng hảo tâm. Xin nói thêm là, cả ông Warren Buffett lẫn ông Bill Gates đều không vận động các tỷ phú tặng riêng cho một quỹ nào và luôn nhắc nhở họ học cách các Mạnh Thường Quân khác trong việc làm cho đồng tiền được chi tiêu thật đúng chỗ.

Đề cập đến việc một số tỷ phú, dù cho tiền nhưng lại muốn giấu đi danh tính, ông Warren Buffett cho rằng, không nên làm như vậy. Theo ông, cần nêu thật cụ thể về những tấm gương từ thiện này để làm gương cho nhiều người khác. “Điều quan trọng hơn là họ nên cho mọi người khác biết là họ đang làm việc tốt, điều này sẽ ảnh hưởng đến nhiều người khác trong 20 hay 30 năm tới”.

Chủ biên tờ The Chronicle, bà Stacey Palmer, cho biết, những người có tên trong danh sách hứa tặng đều là những Mạnh Thường Quân đã được biết tiếng từ lâu nay. Vì thế, nếu có thêm những người mới sẽ càng hào hứng hơn. Cũng theo bà, ngoài vận động các tỷ phú, nếu vận động cả các triệu phú, thậm chí những người làm ăn bình thường, có thể sẽ có nhiều người tham gia đóng góp hơn.

Những người mới đây nhất tham gia dự án là 2 sáng lập viên của Facebook: Mark Zuckerberg và Dustin Moskovitz với dự định đóng góp hơn một nửa số tài sản của mình cho các hoạt động từ thiện. Mark Zuckerberg, năm nay 26 tuổi, cho rằng, mọi người thường đợi đến những năm sau cùng của sự nghiệp để đóng góp, nhưng thật ra không cần đợi lâu đến như vậy. Theo anh, có rất nhiều thứ có thể làm ngay từ bây giờ. “Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người trẻ thành đạt trong kinh doanh, hiện đang có cơ hội lớn để chúng ta làm công tác từ thiện khi còn trẻ, để theo dõi các cố gắng từ thiện này tiến triển ra sao”.

Trước đó, cũng trong năm 2010, Mark Zuckerberg, tỷ phú có tài sản trị giá 6,9 tỷ USD, đứng thứ 35 trong danh sách những người giàu nhất thế giới do Tạp chí Forbes bầu chọn, đã loan báo trao tặng 100 triệu USD cho hệ thống trường công ở Newark, bang New Jersey.

Hay như, vào tháng 9/2010, tỷ phú George Soros và tổ chức phi lợi nhuận của ông - Open Society Foundations (Quỹ Xã hội Cởi mở) đã hứa tặng 100 triệu USD cho Tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch). Ông Aryeh Neier, đại diện Open Society Foundations cho biết, đúng như tên gọi của tổ chức, mục đích của món tiền là để phát huy những xã hội cởi mở, chấp nhận những quan điểm dị biệt, tôn trọng pháp luật và đối xử công bằng với các nhóm thiểu số. Số tiền 100 triệu USD sẽ được đưa dần trong 10 năm với điều kiện Human Rights Watch cũng vận động gây quỹ được bằng một số tiền tương tự. Tỷ phú Soros tin tưởng và hy vọng Tổ chức Quan sát Nhân quyền có thể đáp ứng được điều kiện này.

Được biết, hồi năm 2006, khi tài sản được định giá khoảng 44 tỷ USD, tỷ phú Warren Buffett đã quyết định tặng hầu hết gia tài của ông cho các hoạt động xã hội, trong đó có quỹ của ông bà Gates - Bill & Melinda Gates Foundation và 4 tổ chức từ thiện khác. Sau 5 năm, dù luôn tặng tiền cho các quỹ từ thiện, nhưng nhờ lợi nhuận thu được từ những khoản đầu tư, tài sản của Warren Buffett đã vượt lên tới 46 tỷ USD.

Về phần mình, vợ chồng tỷ phú Bill và Melinda Gates cũng đã dành phần lớn số tiền của mình cho quỹ từ thiện mang tên chính ông bà và một số quỹ khác. Ước tính, tài sản của quỹ này, đến thời điểm cuối tháng 6/2010 đã lên tới con số khổng lồ là 33 tỷ USD. Và, tính từ năm 1994 đến nay, quỹ cũng đã chi ra khoảng 23 tỷ USD để chống nạn đói nghèo và bệnh tật trên khắp thế giới.


Đại gia Ấn Độ dành 2 tỷ USD làm từ thiện Tỷ phú Ấn Độ Azim Premji Đầu tháng 12/2010, người giàu đứng thứ 3 của Ấn Độ - tỷ phú Azim Premji, một đại gia trong ngành sản xuất phần mềm máy tính - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty Công nghệ Thông tin Wipro - đã quyết định chuyển số cổ phần chứng khoán trị giá khoảng 2 tỷ USD của ông cho một tổ chức từ thiện. Đây là số tiền làm từ thiện lớn nhất từ trước tới nay tại Ấn Độ. Tổ chức từ thiện nhận món tiền của tỷ phú Azim Premji sẽ tài trợ cho các chương trình giáo dục tại nông thôn và các dự án phát triển khác. Cũng xin nói thêm, người Ấn Độ có truyền thống hay cho người khác, nhưng phần lớn là cho người trong gia đình, trong thôn xóm, hoặc hiến tặng chùa chiền ở địa phương. Đáng chú ý, dù đất nước có dân số lớn thứ 2 thế giới này có khoảng 52 tỷ phú và trên 125.000 triệu phú, nhưng tỷ lệ người nhiệt tình làm từ thiện vẫn còn thấp. Có số liệu thống kê chỉ ra rằng, tại Ấn Độ, đóng góp của cá nhân và doanh nghiệp chỉ chiếm 10% trong tổng số tiền từ thiện của năm 2009. Trong khi đó, ở Mỹ, con số này lên đến 75%. Vì thế, sau việc làm của ông Azim Premji, người ta hy vọng các đại gia khác sẽ nối gót. Hiện vẫn còn gần 1/3 trong số 1,2 tỷ người dân Ấn Độ thuộc diện mù chữ. Cũng còn tới gần 500 triệu người sống với thu nhập chưa tới 2 USD/ngày. Hàng triệu trẻ em suy dinh dưỡng. Và, không ít trẻ phải lang thang trên đường phố.

Trung Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm