Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thực phẩm, dược phẩm chứa iốt: Không phải thần dược chống phóng xạ

Thứ sáu, 25/03/2011 - 20:39

(Thanh tra)- Lo sợ trước những ảnh hưởng từ vụ nổ tại Nhà máy Điện hạt nhân (NMĐHN) Fukushima I của Nhật Bản, người dân nhiều nơi trên thế giới, nhất là những quốc gia gần Nhật Bản đã đổ xô đi mua những dược phẩm chứa iốt với mục đích hạn chế nguy cơ nhiễm phóng xạ. Vậy nhưng, các chuyên gia y tế lại đang phải lên tiếng cảnh báo: Động thái phòng ngừa này rất dễ dẫn tới các vấn đề về sức khỏe.

Mô phỏng về sự di chuyển đám mây phóng xạ từ NMĐHN Fukushima trong các ngày 23 - 24/3 (Ảnh từ wesite của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam)

GS.TS Nga Svetlana Bineova được ruvr.ru dẫn lời khẳng định: “Hiệu quả nhất là dùng iốt khoảng 6 giờ trước khi bị những ảnh hưởng có thể của bức xạ. Khi nào có sự đe dọa ô nhiễm phóng xạ, khi đó sẽ biết rõ có cần phải dùng thuốc hay không”.  

Cảnh báo “dư thừa iốt không kém phần nguy hiểm hơn so với đám mây phóng xạ khó có khả năng bay tới những khu vực xa NMĐHN”, các chuyên gia nói thêm: “Iốt không thiếu trong không khí biển và hải sản có tác động rất hữu ích”. Theo bác sĩ Natalia Berkutova ở Trung tâm Y học thảm họa Nga, một giọt liugol chứa lượng iốt cho 1,5 tháng. 1ml cồn iốt mà chúng ta bôi vết thương chứa liều lượng cho 6 tháng. Vì thế, “không được nhỏ iốt vào trong sữa hoặc trong nước”. Và, cách dễ nhất để duy trì mức độ iốt bình thường trong cơ thể là ăn các loại thực phẩm có chứa nguyên tố này.

Trước lo ngại về việc nhiễm xạ đối với các loài thủy sản ở những quốc gia ngoài Nhật Bản, Chuẩn Đô đốc Nga Aleksandr Maksimov (đã nghỉ hưu) cho rằng, khi lọt vào nước biển, những chất thoát ra từ NMĐHN sẽ trở nên ít nguy hiểm hơn. Theo quan điểm của ông, các loài cá di chuyển không chỉ trong vùng ô nhiễm phóng xạ, mà còn ở nơi nước sạch. Trong khi đó, hạt nhân phóng xạ có xu hướng tan ra, cho nên chất độc hại sẽ không tập trung đọng lại trong cơ thể các cư dân biển.

Ông Aleksandr Sokolovski, chuyên viên Phòng Thí nghiệm nghiên cứu ngư loại học thuộc Viện Sinh học và Hải dương học (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) cho biết: “Nhiều hơn cả là hạt phóng xạ số 131. Nó năng động nhất và dễ bay hơi, theo chu kỳ phân hóa 8 ngày, do đó, nó sẽ không đến chỗ chúng ta được. Đối với các hạt nhân phóng xạ khác tồn tại lâu hơn thì chúng không kết tủa. Do vậy, chúng ta chẳng việc gì phải sợ hãi. Trong môi trường nước, tất cả đều hòa tan rất nhanh. Đọng lại trước hết ở các sinh vật phù du, sau đó mới đến các giống cá. Dù vậy, cũng sẽ chỉ là dấu vết của chất đồng vị phóng xạ, do đó mọi nỗi sợ đều chưa đủ căn cứ”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo rằng, các viên có potassium iodide không phải là thuốc giải độc phóng xạ, chúng không bảo vệ con người chống lại phóng xạ. Theo Người phát ngôn của WHO, ông Gregory Hartl, chỉ nên dùng potassium iodide khi có lời khuyên rõ ràng của giới chức y tế. “Dùng sản phẩm này tùy tiện có thể gặp tác dụng phụ như sưng hạch tuyến nước bọt, buồn nôn, ngứa ngáy, đau ruột và các dạng dị ứng nghiêm trọng khác. Nó có thể xung khắc với các loại thuốc khác, nhất là thuốc về tim mạch”. WHO cũng cho rằng, các thức ăn sản xuất trước khi có rò rỉ hạt nhân đều ăn được. Tuy nhiên, những món nào sản xuất hay thu hoạch trong vòng bán kính 30km sau khi có rò rỉ có thể bị nhiễm và nên tránh.

Dẫn lời các nhà khoa học thuộc Trung tâm Phòng, chống dịch bệnh Mỹ và Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ, VOA nêu rõ: Nhiễmxạ cấp tính có thể được chữa trị bằng potassium iodine để chặn iodine nhiễm xạ không hấp thụ vào tuyến giáp. Nhưng, thuốc không bảo vệ được các bộ phận khác của cơ thể cũng như không thể đảo ngược mức thiệt hại đối với tuyến giáp, một khi đã bị ảnh hưởng.

Tổ chức Khí tượng Hàng không (WMO) thì khuyên mọi người không nên lo sợ khi sử dụng đường hàng không bay ra nước ngoài, trừ khi tình hình phóng xạ hiện nay có thay đổi. “Chỉ có khu vực đường bán kính 30km là không cho máy bay hoặc tàu bè đến gần, ngoài ra không có hạn chế đối với những chuyến du hành quốc tế”, ông Herbert Tuempel, Giám đốc WMO khẳng định. Ông này thậm chí còn cho rằng, chẳng cần soi người các hành khách nhập cảnh, ngoại trừ những người tham gia trực tiếp vào tai nạn hạt nhân.

Tại Trung Quốc, Tân hoa xã cho biết, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã có văn bản kêu gọi người dân không nên tin hay lan truyền những lời đồn đại về việc phóng xạ từ các nhà máy điện của Nhật Bản đã rò rỉ vào biển và đe dọa đến sự an toàn về lượng muối biển mà Trung Quốc cần tiêu thụ trong tương lai.

Ở một diễn biến khác, ngày 23/3, Chính phủ Nhật đã ra lệnh cấm sử dụng nước máy ở Tokyo cho trẻ em, nhất là những em chưa đầy một năm tuổi, sau khi phát hiện nồng độ iốt phóng xạ cao gấp 2 lần mức cho phép. Tuy nhiên, các quan chức nhấn mạnh rằng, trẻ em phải uống một lượng nước rất lớn thì mới bị ảnh hưởng. Hiện chưa có rủi ro y tế trực tiếp nào tới người dân. Ngoài ra, Thủ tướng Naoto Kan cũng ra lệnh cấm bán một loạt rau quả cũng như sữa bị nhiễm phóng xạ ở vùng Fukushima và 3 vùng lân cận.

Để bảo vệ công dân nước mình, nhiều nước trên thế giới đã và đang cho kiểm tra tất cả mặt hàng tươi sống và thực phẩm nhập từ Nhật Bản. Mỹ là nước đầu tiên cấm nhập sữa cũng như rau quả từ Nhật Bản. Tại châu Âu, Pháp đang yêu cầu Ủy ban châu Âu kiểm tra tất cả hàng tươi đến từ Nhật. Paris đã lấy quyết định đơn phương kiểm tra hải sản đến từ Nhật Bản.

 
Việt Nam chưa có nguy cơ ảnh hưởng phóng xạ
 
 
 
Theo dự báo của một số nhà khoa học Na Uy về khả năng phóng xạ sẽ lan tới Việt Nam vào ngày 25/3, PV Báo Thanh tra đã nêu câu hỏi với lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Thừa uỷ quyền của Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển, ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường (TCMT) cho biết: Ngay sau khi xảy ra động đất làm nổ NMĐHN ở Nhật, TCMT đã ra thông báo, giao cho Cục Kiểm soát ô nhiễm giám sát khả năng Việt Nam có thể bị ảnh hưởng phóng xạ. Các đơn vị liên quan đã phối hợp chăt chẽ với Viện Năng lượng Hạt nhân để thường xuyên cập nhật thông tin. Với cơ chế giám sát chặt chẽ, thường xuyên “hiện nay chúng tôi thấy rằng chưa có nguy cơ Việt Nam bị ảnh hưởng phóng xạ”, ông Đồng nhấn mạnh. Để ngăn chặn phóng xạ theo các con đường khác, ông Nguyễn Thế Đồng khẳng định, Bộ TN&MT đang phối hợp rất chặt chẽ với ngành Hải quan và Y tế để giám sát, phòng ngừa phóng xạ vào Việt Nam qua nhập khẩu hàng hoá, đặc biệt là thực phẩm.
 
Cũng liên quan đến dự báo của các nhà khoa học Na Uy, ngày 24/3, ông Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện chưa thể khẳng định mây phóng xạ tới Việt Nam. Theo ông Nhân, “các nhà khoa học Na Uy đưa ra nhận định qua việc tính toán trên cơ sở khí tượng trong một thời gian nhất định, còn hiện tại, hướng gió đã có sự thay đổi. Do đó, cần phải chú ý cập nhật thông tin thường xuyên vì khí tượng có thể thay đổi theo thời gian”.
 
TS Nguyễn Quang Hào, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ an toàn bức xạ và ứng phó sự cố thuộc Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân cũng nhấn mạnh: Theo số liệu quan trắc của các trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường của Bộ Khoa học và Công nghệ, vẫn chưa phát hiện được việc phát tán phóng xạ ở Việt Nam. Hiện chưa thể khẳng định các đám mây phóng xạ do các vụ nổ từ NMĐHN Fukushima I có thể đến Việt Nam hay không. 
 
TS Hào nói thêm: Người dân cũng không nên quá lo lắng về việc mây phóng xạ phát tán đến Việt Nam, vì mức độ phóng xạ trong các đám mây được đánh giá là rất nhỏ, nên kể cả khi phát tán đến nước ta cũng khó gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Hiện các trạm quan trắc của Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để có thể cảnh báo sớm mức độ phóng xạ trong các đám mây khi chúng tới Việt Nam.
Thanh Tùng - Hồng Ninh

Lan Phương - Hạnh Lê (Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm