Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thái Lan: “Nóng” tham nhũng trong ngành Giáo dục

Thứ ba, 27/06/2017 - 07:06

(Thanh tra)- Mặc dù Chính phủ Thái Lan đã rất nỗ lực để trấn áp nạn tham nhũng, nhưng việc đưa - nhận hối lộ tại các trường học vẫn tràn lan. Trường Samsenwittayalai là một trong số điểm nóng được dư luận đặc biệt quan tâm.

Học sinh Trường Samsenwittayalai đề nghị hỗ trợ tinh thần cho Hiệu trưởng Viroj Samluan, người cho rằng đã trở thành nạn nhân trong bê bối phụ huynh đưa hối lộ để con được ghi danh đến trường. Ảnh: Bangkok Post

Bangkok Post đưa tin, vụ Hiệu trưởng Trường Samsenwittayalai là Viroj Samluan bị cáo buộc đã yêu cầu 400.000 baht từ phụ huynh học sinh để đổi lại con cái họ được ghi danh tại Matthayom 1 (lớp 7) của trường, đã trở thành tâm điểm của trang nhất các báo trong tuần qua.

Vụ việc làm gia tăng mối quan tâm của công chúng với yêu cầu cấp thiết Chính phủ, Bộ Giáo dục mở ngay cuộc điều tra về các cáo buộc và tăng cường các nỗ lực nhằm xóa bỏ tình trạng phụ huynh phải đóng tiền cho người đứng đầu nhà trường để con cái được thuận lợi trong việc học hành.

Ông Viroj bác bỏ các cáo buộc, nhưng đã nhận được quyết định làm việc tại Văn phòng Dịch vụ Giáo dục Trung học 1 trong khi cuộc điều tra tiến hành. Ông không bị cách chức Hiệu trưởng.

Cơ quan Chống tham nhũng của Thái Lan (ACT) kêu gọi Chính phủ yêu cầu các hiệu trưởng nhà trường trên toàn quốc công khai tài sản để tránh những cáo buộc tham nhũng.

Giám đốc ACT Mana Nimitmongkol cũng kêu gọi các phụ huynh không dùng mối quan hệ cá nhân hoặc phương tiện tài chính để tìm cách đưa con vào học tại bất cứ trường học nào. Việc kê khai tài sản của các lãnh đạo nhà trường cũng sẽ ngăn chặn họ điều hành một hệ thống trường học như vậy.

"Việc kinh doanh chỗ ngồi trong trường học được phổ biến trong các bậc phụ huynh hiện nay. Trong nhiều trường hợp nó không được gọi là tiền hối lộ trực tiếp mà có thể núp dưới dạng các khoản đóng góp cho sự phát triển của nhà trường. Các khoản tiền như vậy thường ở mức 5 con số (tiền baht) cho các chỗ học tại trường bình thường và có thể lên tới 6, 7 con số tại một số trường có tiếng", ông Mana cho biết.

Cũng theo ông Mana, không có vấn đề gì với các khoản đóng góp của trường, nhưng chúng nên được thực hiện mà không liên quan gì tới mong đợi con cái người đóng góp sẽ được bảo đảm được học ở một trường học nào đó. Ngoài ra, tất cả các khoản đóng góp cần phải được minh bạch.

Ông Mana đề nghị hóa đơn phải được sử dụng cho mọi khoản đóng góp để các giao dịch đều được kiểm soát. Bên cạnh đó, các khoản đóng góp này phải được đăng công khai trên bảng thông tin và trang web của trường. Thông qua đó, những người đóng góp có thể kiểm tra tiền được chi tiêu thế nào.

Giám đốc ACT cũng kêu gọi Bộ Giáo dục thu hẹp khoảng cách về chất lượng giữa các trường học, bởi đây chính là một trong những yếu tố chính góp phần vào vấn nạn hối lộ trong trường học.

"Khoảng cách về chất lượng giữa các trường nổi tiếng và trường bình thường là quá rộng. Bởi vậy, nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để mua chỗ cho con ở các trường học nổi tiếng". Ông Mana cảnh báo, kiểu suy nghĩ này là nguy hiểm vì nó có thể ăn sâu vào ý thức của trẻ nhỏ, cho rằng tham nhũng là được chấp nhận hoặc người giàu có thể lợi dụng người nghèo.

"Cha mẹ có vai trò là tấm gương cho con cái. Nếu cha mẹ liên quan tới tham nhũng, nhiều khả năng những đứa trẻ cũng sẽ như vậy", ông Mana nói.

Các phụ huynh nên thay đổi suy nghĩ của mình rằng thành công trong học tập và cơ hội việc làm chỉ có thể đạt được bằng cách tham gia học tại các trường nổi tiếng. "Tôi hiểu rằng đây là một gánh nặng mà tất cả bậc phụ huynh phải chịu, nhưng nếu con của bạn không học tại trường mà bạn đã tìm hiểu yêu thích, thì đó không phải đã là kết thúc", ông Mana phân tích.

Giáo sư Athapol Anunthavorasakul cho rằng: "Không có gì bảo đảm rằng, sinh viên tốt nghiệp từ các trường nổi tiếng sẽ là những công dân tốt hay những người thành công". Theo ông Athapol, không có nhiều khác biệt về chất lượng giáo viên và cách giáo dục giữa các trường phổ thông hiện nay, mà sự khác biệt nằm ở môi trường học tập.

Sự cạnh tranh giữa các sinh viên có thể cao hơn trong các trường nổi tiếng, bởi vậy, thúc đẩy các sinh viên phải chủ động hơn. Thực tế tại Thái Lan hiện nay, quy mô lớp học tại hầu hết trường nổi tiếng là 50, trong khi các trường bình dân chỉ là 30. Nếu như các trường nổi tiếng tiếp tục mở rộng số sinh viên để nhận được nhiều “đóng góp” hơn, sẽ gây tổn hại cho chất lượng lớp học.

 Ngọc Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm