Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phấn đấu chấm dứt AIDS trong vòng 10 năm tới

Thứ tư, 03/08/2011 - 08:45

(Thanh tra)- ABC dẫn lại báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, sự gia tăng của đại dịch HIV/AIDS đang trong thời kỳ ổn định với số người mới nhiễm giảm dần trong suốt một thập niên vừa qua. Tuy vậy, thế giới hiện vẫn có khoảng 34 triệu người nhiễm AIDS. Và, số người nhiễm HIV mới hàng năm trên toàn cầu vẫn ở mức cao - 2,5 triệu trường hợp. Đáng mừng là, mới đây, các quốc gia thành viên LHQ đã nhất trí nâng mức chi cho phòng, chống AIDS ở các nước có thu nhập thấp và trung bình lên khoảng từ 22 - 24 tỷ USD vào năm 2015.

Ảnh minh họa: Nói không với HIV

Thế giới nỗ lực chống AIDS
Hồi tháng trước, phát biểu khai mạc hội nghị cấp cao của LHQ về việc đối phó với bệnh AIDS trên thế giới, Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh: Cộng đồng quốc tế đã tập hợp không phải để chống bệnh này mà để chấm dứt nó. Theo Tổng Thư ký, kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên cách đây 30 năm, nỗ lực phòng, chống HIV và AIDS đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Vì thế, ông Ban Ki-moon kêu gọi “chấm dứt AIDS trong vòng 10 năm tới” với những mục đích rất cụ thể nhưng cũng đầy khó khăn: Không còn các trường hợp nhiễm bệnh mới, không còn sự phân biệt đối xử với người bị bệnh và không còn các trường hợp tử vong liên quan tới AIDS.

Trong 5 năm qua, các loại thuốc đã đem lại kết quả ngoài mong đợi, nhưng chúng không giảm được sự lây lan của HIV và bệnh lao liên quan đến AIDS. Bởi vì, bệnh nhân được chữa trị bằng thuốc quá muộn - Tiến sĩ Brian Williams, nhà khoa học hàng đầu về nghiên cứu HIV, làm việc tại Trung tâm Phân tích Dịch bệnh Sacema ở Stellenbosch, Nam Phi cảnh báo với BBC.

Ở khía cạnh tương tự, kết quả cuộc nghiên cứu với sự tham gia của hơn 1.700 cặp tại 13 địa điểm trên toàn thế giới của Viện Y tế Quốc gia Mỹ công bố hôm 12/5/2011 cho thấy, sớm dùng thuốc đặc trị chống virus sẽ làm giảm tới 96% nguy cơ lây truyền HIV sang bạn tình chưa nhiễm bệnh. Theo số liệu được VOA dẫn lại: Trong số 877 cặp, trong đó có người nhiễm HIV không điều trị ngay thì 27 bạn tình của họ nhiễm HIV. Đối với những cặp điều trị sớm, chỉ 1 người bị lây bệnh.

Để đạt được mục tiêu chặn đứng đại dịch HIV/AIDS, VOA cho biết, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đề ra 5 yêu cầu: Trước hết, chúng ta cần các đối tác quy tụ với nhau trong tinh thần đoàn kết toàn cầu chưa bao giờ có trước đây. Đó là cách duy nhất để có thể thật sự cung cấp phương tiện ngăn ngừa cũng như điều trị và chăm sóc HIV trên toàn thế giới hạn chót là năm 2015. Thứ hai, chúng ta phải hạ giảm chi phí và đưa ra các chương trình tốt hơn. Thứ ba, chúng ta phải cam kết chịu trách nhiệm. Thứ tư, chúng ta phải bảo đảm rằng, việc đối phó với HIV thăng tiến sức khỏe, nhân quyền, an ninh, và phẩm giá của phụ nữ và trẻ gái. Thứ năm, chúng ta phải phát động một cuộc cách mạng ngăn ngừa, sử dụng sức mạnh của tuổi trẻ và kỹ thuật truyền thông mới để tiếp xúc với toàn thể thế giới.

Giám đốc Điều hành Chương trình Phối hợp Phòng, chống AIDS của LHQ (UNAIDS), ông Michel Sidibé đưa ra một con số tích cực: Các trường hợp nhiễm bệnh mới đã sụt giảm trên khắp thế giới khoảng gần 25% trong 10 năm qua. Tại châu Phi, nơi chiếm phần lớn trong số khoảng 34 triệu người nhiễm AIDS, đã có thêm nhiều bệnh nhân sớm nhận được thuốc đặc trị kháng virus. Cũng theo ông Michel Sidibé, 56 quốc gia (trong đó có 36 nước châu Phi) đã ổn định được dịch bệnh này và giảm bớt đáng kể các ca nhiễm bệnh mới.

Mặc dù vậy, Giám đốc Điều hành UNAIDS cũng cảnh báo, ngay cả khi các quốc gia đã đạt được tiến bộ, giá trị của mạng sống con người vẫn không được coi trọng đồng đều trên toàn thế giới. Hiện mỗi năm có 1,8 triệu người chết vì bệnh AIDS ở các quốc gia đang phát triển. Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển, AIDS đã trở thành một trong những căn bệnh có thể chữa trị được. Hay như, tại Bắc bán cầu, một thế hệ mới sinh ra đã không bị nhiễm HIV thì ở Nam bán cầu, mỗi năm vẫn có khoảng 360 nghìn trẻ em nhiễm HIV từ khi lọt lòng mẹ. Và, trong lúc 6,6 triệu người được điều trị tại những nước có thu nhập thấp và trung bình, vẫn còn khoảng 9 triệu người nữa chờ được điều trị.

Cũng liên quan đến phụ nữ và trẻ em nhiễm HIV/AIDS. Các chuyên gia ghi nhận, trên khắp thế giới, AIDS là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong đối với phụ nữ ở tuổi sinh sản. Nhiều người thậm chí không biết là mình bị nhiễm bệnh cho đến lúc mang thai. Khi đó, điều trị là hoàn toàn cấp thiết. Đáng mừng là, khi một phụ nữ mang thai sử dụng các loại thuốc chống virus thì nguy cơ đứa trẻ sinh ra bị lây nhiễm có thể giảm xuống còn chưa đầy 5%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người mẹ sẽ mạnh khỏe lâu hơn để chăm sóc cho con. “Tại Mỹ và châu Âu, bệnh AIDS ở trẻ em nay đã lùi vào lịch sử. Tuy nhiên, ở nhiều nước, gần như mỗi phút lại có một đứa trẻ sinh ra bị nhiễm HIV, mặc dù chúng ta có kiến thức để ngăn ngừa việc ấy. Bảo đảm rằng, tất cả trẻ sơ sinh không bị nhiễm HIV phải là một ưu tiên toàn cầu, chứ không phải phó mặc cho may rủi về địa lý”, ông Eric Goosby, điều phối viên AIDS toàn cầu của Mỹ được VOA trích lời nhấn mạnh.

Được biết, tại hội nghị về chống AIDS của LHQ, các nhà lãnh đạo thế giới đã phát động một chiến dịch với mục tiêu giảm ít nhất 10% số trẻ sinh ra bị nhiễm HIV trong vòng 4 năm. Theo đó, các giải pháp bao gồm: Mở rộng việc tiếp cận các dịch vụ phòng, chống và điều trị HIV có thể cứu được mạng sống cho các bà mẹ và những đứa con của họ; kết hợp các dịch vụ y tế cho phụ nữ và đem lại cho người mẹ sức mạnh để bảo đảm sức khỏe cá nhân và sức khỏe của những đứa trẻ.

ARV (viết tắt của từ Antiretroviral), thường được dùng để chỉ một loại thuốc được chế ra nhằm làm giảm sự sinh sôi nảy nở của HIV trong cơ thể. Nó cũng được biết đến với cách viết ART (liệu pháp kháng retro virus). Nếu điều trị ARV hiệu quả thì có thể làm chậm sự tiến triển hoàn toàn của AIDS trong nhiều năm. Thuốc ARV được khuyến khích sử dụng kết hợp để ngăn chặn hình thành kháng thuốc.
 
Kháng thuốc là khả năng của một số sinh vật (ví dụ: Virus, vi khuẩn, ký sinh hoặc nấm) có thể thích ứng, phát triển và nhân thêm số lượng, kể cả khi có sự xuất hiện của các loại thuốc mà thông thường có thể diệt được chúng. Nó làm giảm tính năng của thuốc ARV trong việc ngăn chặn sự sinh sôi của HIV. Nghĩa là, các thuốc trước đây đạt hiệu quả trong việc kiểm soát bệnh sẽ không còn tác dụng. Do vậy, việc tuân thủ theo đúng đơn thuốc là hết sức quan trọng.
(Nguồn: UNAIDS)

UNAIDS Việt Nam cho biết thêm: Các quốc gia thành viên LHQ cũng nhất trí đẩy mạnh các nỗ lực nhằm giảm bớt lây truyền HIV qua quan hệ tình dục và giảm một nửa số ca nhiễm HIV trong những người tiêm chích ma túy vào năm 2015. Đồng thời, các nước giàu còn đồng ý bảo đảm điều trị cho 15 triệu người nhiễm HIV tại các quốc gia chậm phát triển từ nay cho đến năm 2015 và giảm một nửa số người sống với HIV bị tử vong vì lao.

Vẫn còn nhiều người chủ quan về đại dịch HIV

Theo số liệu mới đây của LHQ, tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trên thế giới đã giảm gần ¼ trong khoảng thời gian từ năm 2001 - 2009. Đáng kể nhất là 2 nước bị tác động nặng nề: Ấn Độ giảm tới 50% và Nam Phi giảm hơn 35%. Tuy vậy, có lẽ sẽ không thừa khi nhắc lại rằng: Hồi tháng 7/2010, trong báo cáo công bố tại hội nghị toàn cầu về AIDS ở Vienna (Austria), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đã cảnh báo: Một đại dịch AIDS ngầm ở Đông Âu và Nam Á đang lây lan với tốc độ đáng báo động do việc sử dụng ma túy, hành vi tình dục có nguy cơ cao cùng với sự kỳ thị xã hội khiến người mắc bệnh không dám kiếm tìm sự trợ giúp.

Báo cáo có tên “Đổ lỗi và xua đuổi” cho biết, những trẻ em bị gạt ra ngoài lề đã buộc phải sống hay làm việc trên đường phố và hàng ngày phải sống trong môi trường của ma túy, hoạt động mại dâm cũng như những hiện tượng bóc lột khác.

Theo UNICEF, số người mắc bệnh AIDS đã gia tăng khoảng 700% ở 5 khu vực của Nga kể từ năm 2006 và Ukraina có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất ở châu Âu.

Tại Australia, ông Don Baxter, Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội phòng, chống AIDS nói rằng, hiện có khoảng 22 nghìn người Australia bị nhiễm HIV và mỗi năm có khoảng 1 nghìn ca nhiễm mới. Dù hầu hết các ca nhiễm HIV đều được điều trị, tuy nhiên, theo ABC, đa số bệnh nhân AIDS của người Australia là do nhiễm virus HIV khi đang ở nước ngoài - điều rất dễ và hay xảy ra trong khi họ đi nghỉ ở khu vực châu Á.

Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội phòng, chống AIDS Australia cho rằng, hầu hết mọi người phải chấp nhận những rủi ro khi đi nghỉ hay đi du lịch, trong đó có các rủi ro khi quan hệ tình dục. Vì thế, theo ông, thay vì đổ lỗi cho những người làm lây bệnh, bản thân người Australia phải tự quan tâm và bảo vệ mình. Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác nữa đó là, người Australia chưa nhận thức được rõ ràng sự phổ biến của HIV tại một số nước châu Á.

Với Mỹ, bác sĩ Thomas Frieden, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống Dịch bệnh tại Atlanta cho biết, nước này có hơn 1,1 triệu người nhiễm HIV. Rất nhiều người trong số họ đã sống lâu hơn nhờ các phương pháp trị liệu mới. Tuy nhiên, ông này cũng nêu rõ, chưa thực sự có thuốc để chữa AIDS hữu hiệu. (Các điều trị bằng thuốc có thể giảm tốc độ HIV gây suy giảm hệ miễn dịch. Hiện mới có các phương pháp điều trị khác có thể ngăn chặn hoặc chữa một số bệnh có liên quan tới AIDS - PV). Đáng nói hơn, hầu hết các ca mới nhiễm bệnh là những người dưới 30 tuổi. Chưa kể, một số nhóm người vẫn tiếp tục có tỉ lệ nhiễm HIV cao hơn dân số nói chung, cụ thể: Người đồng tính nam và lưỡng tính (khoảng 2% dân số Mỹ) chiếm một nửa số ca nhiễm HIV mới. Và, những người Mỹ gốc Phi và Mỹ Latin cũng có tỷ lệ nhiễm HIV cao hơn dân số nói chung.

Giám đốc Trung tâm Phòng, chống Dịch bệnh Thomas Frieden khẳng định: Việc giảm tỉ lệ nhiễm HIV là rất quan trọng. Và, Mỹ sẽ tốn khoảng 200 tỷ USD để điều trị các ca nhiễm HIV mới trong thập niên tới.

Lê Hạnh - Minh Minh (Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm