Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ở Libya, “nhà nào cũng có vũ khí”

Chủ nhật, 03/08/2014 - 09:42

Từ giữa tháng 7 đến nay, nhiều người nước ngoài đã kéo nhau rời khỏi Libya để tránh những hiểm nguy có thể xảy đến do bị kẹt giữa những làn đạn mà chẳng biết ai chính ai tà!

Ở cửa khẩu Ras Jdir thuộc Tunisia tình hình cũng cực kỳ căng thẳng khi dòng người lánh nạn đổ về đây. Lực lượng của Tunisia đã phải bắn đạn cay để ngăn chặn nhóm người Ai Cập tràn qua cửa khẩu từ Libya sau thời gian chờ đợi mệt mỏi - Ảnh: Reuters

1 Bộ Ngoại giao Anh vừa tuyên bố từ thứ hai (4-8) sẽ đóng cửa sứ quán ở thủ đô Tripoli của Libya để chuyển sang Tunisia vì tình hình chiến sự quá bất ổn tại đây. Những dòng người nước ngoài rời bỏ Libya vẫn tiếp diễn ngày càng nhiều trong mấy ngày qua.

Người Việt ở vùng xung đột không nhiều

Hôm qua, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Libya Đào Duy Tiến cho biết trong khoảng một tháng qua đã có nhiều người lao động Việt Nam liên hệ với đại sứ quán để được giúp đỡ về nước. Theo ông Tiến, lao động Việt Nam ở đất nước Bắc Phi này vào khoảng 1.700 người. Số lao động đã về nước là 206 người. Còn lại, lao động Việt Nam tập trung ở những khu vực không xảy ra chiến sự.

Những người đang nằm trong vùng có xung đột ở hai thành phố lớn của Libya chỉ khoảng 200 người. “Anh em cũng có liên hệ với đại sứ quán để về nhưng không phải nhiều” - ông Tiến thông báo và nói thêm đại sứ quán hiện đang tập trung trước tiên vào những khu vực có xảy ra xung đột. Mặc dù là thứ bảy cuối tuần nhưng công việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại Libya được đại sứ Tiến miêu tả là đang cực kỳ bận rộn.

Chiến sự bùng lên nóng hực từ khi sân bay thủ đô Tripoli bị tấn công hồi giữa tháng 7. Sân bay này vẫn do nhóm chiến binh thuộc tỉnh Zintan chiếm giữ từ ngày 20-8-2011, khi chính quyền của Muammar Gaddafi phải rút khỏi thủ đô trước áp lực của các nhóm vũ trang đối lập được NATO hỗ trợ bằng hỏa lực không quân.

Chiến binh Zintan chỉ là một trong nhiều nhóm đang cát cứ các khu vực khác nhau thuộc thủ đô Tripoli, nhưng Zintan không theo xu hướng Hồi giáo như các nhóm còn lại. Các nhóm này vẫn chung sống gượng ép với nhau tại Tripoli cho đến giữa tháng 5-2014.

2 Cuộc xung đột vũ trang đang tiếp diễn này hoàn toàn vượt ra ngoài tầm kiểm soát của “nhà nước Libya”. Đất nước này từ sau khi chính quyền Gaddafi bị xóa sổ tháng 10-2011 đến nay chưa thể hoàn thiện bộ máy nhà nước, thậm chí hầu như chưa có quân đội và cơ quan an ninh quốc gia đúng nghĩa. Các nhóm dân binh vũ trang đủ loại, từ phe nhóm đến vùng miền, tộc họ... “mọc lên” trong cuộc chiến lật đổ chế độ Gaddafi, đều không chịu từ bỏ vũ khí, không chấp nhận gia nhập các lực lượng vũ trang của nhà nước mới.

Thực lực của quân đội quốc gia non nớt xét về mọi mặt đều không là gì so với các nhóm vũ trang ngoài chính quyền. Bởi thế, các vụ xung đột vũ trang “có mức độ” xảy ra như cơm bữa tại hầu khắp các địa phương trong nước. Các vụ đánh bom khủng bố, ám sát, bắt cóc... thường xuyên diễn ra mà nạn nhân là đủ loại: từ nhà ngoại giao, người nước ngoài, phóng viên, nhà hoạt động chính trị - xã hội, đứng đầu dòng tộc, đến sĩ quan quân đội và an ninh... Tội ác cứ thế hoành hành. Ai bị nấy chịu.

Cơ quan tổng lãnh sự Mỹ tại Benghazi bị tấn công hồi tháng 9-2012 khiến cả đại sứ thiệt mạng cũng không thể nhờ cậy gì vào “nhà nước” Libya. Chả thế mà Mỹ và nhiều quốc gia đã phải điều lực lượng vũ trang đến tự bảo vệ các cơ quan đại diện ngoại giao của họ ở đất nước này! Thậm chí hồi đầu năm nay, một lực lượng hỗn hợp tại miền Đông đã tuyên bố thành lập “bang tự trị Barqa”, chiếm quyền kiểm soát cả các cảng xuất khẩu dầu thô trong “địa phận” của họ mà chính quyền Tripoli không làm gì được!

3 Trong khung cảnh hỗn mang như thế, ngày 25-6 vừa qua, cuộc tổng tuyển cử đã bầu được quốc hội chính thức. Việc các thế lực Hồi giáo chỉ giành được 23 trong tổng số 200 ghế quốc hội mới cho thấy đại đa số cử tri Libya không chấp nhận xu hướng Hồi giáo hóa đất nước. Nhưng cuộc chuyển giao chính quyền từ đại hội quốc gia (cơ chế quốc hội lâm thời) sang quốc hội dự định vào ngày mai (4-8) cũng hứa hẹn không suôn sẻ.

Quốc hội dự định triệu tập phiên họp đầu tiên “bất thường” vào ngày 2-8. Bất thường cả về thời gian và địa điểm họp - không phải ở Tripoli mà tại Tobruk, một thành phố ở miền Đông. Chủ tịch đại hội quốc gia (mãn nhiệm) chấp nhận bàn giao chính quyền, nhưng đòi triệu tập phiên họp đầu tiên của quốc hội vào ngày 4-8 và phải ở thủ đô!

Các thế lực Hồi giáo đương nhiên không hài lòng với kết quả cuộc bầu cử này. Nhưng họ không cần phản đối hay khiếu nại gì, bởi trong tay họ có vũ khí tối tân, có khu vực kiểm soát rộng lớn, có quần chúng tín đồ tuân phục mà họ tin là không chính quyền nào ở Libya có thể “vượt mặt” được họ! Thủ lĩnh Anh Em Hồi giáo Libya Bashir al-Kabti khẳng định việc tước vũ khí của các nhóm dân binh là không thể được tại Libya, “bởi nhà nào cũng có vũ khí”.

4 Thực trạng hỗn mang tại Libya còn trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với các nước láng giềng là Ai Cập, Tunisia và Algeria. Lực lượng của Ansar al-Sharia từ Libya đã gây ra nhiều vụ tấn công khủng bố nhắm vào khu vực biên giới của ba nước láng giềng nêu trên. Gần nhất, ngày 19-7, một đồn biên phòng Ai Cập đã bị nhóm này tấn công khiến 22 binh sĩ thiệt mạng.

Nhưng Libya cũng không thoát khỏi trở thành chiến địa của những tranh chấp từ bên ngoài. Mỹ và phương Tây thật sự mờ nhạt tại đất nước Bắc Phi này. Nhưng những người anh em đồng đạo Hồi với nhau lại đang núp phía sau ở đôi bên chiến tuyến. Trong khi Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là hai nước bảo trợ mọi mặt cho các thế lực Hồi giáo ở Libya từ năm 2011 đến nay, thì Ai Cập và Saudi Arabia tuyên bố ủng hộ cuộc dấy binh của tướng về hưu Khalifa Haftar - một cựu chiến hữu của Gaddafi nhưng đã trở thành đối thủ của nhau từ những năm 1980. Haftar phát động chiến dịch vũ trang mang tên “Phẩm giá” hồi tháng 5-2014 với mục tiêu rõ ràng nhằm “quét sạch các lực lượng cực đoan và tổ chức Anh Em Hồi giáo”.

Trong một bài trả lời phỏng vấn dành cho nhật báo Ả Rập al-Hayat ngày 31-7, thẩm phán Mustafa al-Jaleel - cựu chủ tịch cơ chế Hội đồng quốc gia (NTC) lãnh đạo cuộc nội chiến lật đổ chế độ Gaddafi - đã bày tỏ lo ngại: “Sự can thiệp từ bên ngoài có thể dẫn đến thảm họa chia cắt Libya thành các khu vực do các quốc gia khác nhau chiếm đóng”.

Theo TT

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm