Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Niềm tin bị đánh cắp

Chủ nhật, 17/04/2016 - 06:30

(Thanh tra) - Khủng khoảng chồng khủng hoảng, kinh tế tụt dốc nghiêm trọng, Ủy ban Luận tội lại là “ổ” tội phạm đang phải đối mặt với các cuộc điều tra khiến tình hình Brazil hiện nay giống như một bức tranh màu xám, đâu đâu cũng thấy sai phạm, tham nhũng, hỗn loạn.

Các thành viên Ủy ban Đặc biệt ăn mừng sau khi bỏ phiếu thông qua đề xuất luận tội Tổng thống Dilma Rousseff tại Tòa nhà Quốc hội ở Thủ đô Brasilia ngày 11/4. Ảnh: Reuters

Một nửa thành viên Ủy ban Luận tội đối mặt cáo buộc tham nhũng

Một ủy ban đặc biệt gồm 65 thành viên của 24 đảng đại diện cho cả liên minh cầm quyền và phe đối lập đã được lập ra để phục vụ cho việc luận tội Tổng thống đương chức Dilma Rousseff. Với 38 phiếu thuận và 27 phiếu chống, đầu tuần này, Ủy ban đã thông qua việc đưa Tổng thống Rousseff ra bỏ phiếu về việc có bãi nhiệm bà hay không.

Sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc bỏ phiếu đầy đủ tại Hạ viện vào cuối tuần này để quyết định liệu bà Rousseff có bị luận tội hay không.

Vậy nhưng, dư luận trong nước cũng xôn xao về giá trị của các lá phiếu, khi mà chính những người được bầu ra để xem xét “luận tội” lại là những người đang phải đối mặt với nguy cơ là “có tội”.

Đài Phát thanh Public Radio International (Mỹ) đưa tin, một nửa thành viên Ủy ban Luận tội Tổng thống Brazil đang đứng trước các cáo buộc tham nhũng. Trong số 65 thành viên của Ủy ban, 37 người đối mặt với cáo buộc tham nhũng hoặc các tội nghiêm trọng khác, đó là số liệu mà Tổ chức Minh Bạch Brazil (Transparencia Brasil) cung cấp cho Thời báo Los Angeles Times (Mỹ).

Ngoài ra, trong số 513 thành viên của Hạ viện, 303 vị phải đối mặt hoặc bị điều tra vì các tội phạm nghiêm trọng. Tại Thượng viện, con số là 49/81 thành viên.

Các số liệu vẫn đang được Transparencia Brasil tiếp tục cập nhật.

Trong Ủy ban Luận tội, 5 trường hợp phải đối mặt cáo buộc rửa tiền, 6 trường hợp bị cáo buộc thông đồng, 19 người bị cáo buộc liên quan đến những bất thường trong sổ sách kế toán và 33 trường hợp bị cáo buộc tham nhũng hoặc buông lỏng quản lý. Tất cả có 37 thành viên bị cáo buộc, một số bị cáo buộc nhiều hành vi phạm tội.

Cũng theo Public Radio International, việc luận tội bà Rousseff bắt đầu trở lại vào tháng 12/2015, khi Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha đồng ý thông qua yêu cầu mở lại tiến trình xem xét chống lại Tổng thống. Tuy nhiên, chính ông Cunha đầu tháng 4 này đã bị cáo buộc nhận ít nhất 5 triệu USD tiền hối lộ và nắm giữ những tài khoản bí mật ở Thụy Sỹ.

Trong bối cảnh quá trình xem xét luận tội bà Dilma Rousseff đang tăng tốc, đất nước trong tình trạng bất ổn, thì thông tin trên được đánh giá như một “đòn chí mạng”, hạ gục những niềm tin còn sót lại trong người dân nước này.

Kịch bản nào cho Brazil?

Đất nước Brazil chưa bao giờ xôn xao đến thế. Tổng thống Rousseff, dù không trực tiếp liên quan đến tham nhũng vì lợi ích tài chính cá nhân của bà, nhưng lại bị cáo buộc rất nhiều thứ - từ thiếu năng lực đến kiêu ngạo.

Bà Rousseff đối mặt với sự luận tội liên quan tới các cáo buộc đã thay đổi các số liệu thâm hụt ngân sách Chính phủ trước chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2014. Tuy nhiên, bà kịch liệt bác bỏ các cáo buộc.

Đây là lần thứ hai Brazil luận tội một Tổng thống từ khi khôi phục nền dân chủ trong những năm 1980. Những người ủng hộ bà Rousseff cho rằng, các đối thủ của bà bị “điều khiển” bởi nhiều lý do, từ sự nhỏ nhen chính trị đến nỗ lực tiến hành "cuộc đảo chính mềm". Và so với mức độ tham nhũng đã thấm sâu vào tầng lớp chính trị Brazil, cáo buộc tội “sử dụng tài chính” này có vẻ như quá nhỏ…

Một trong số các đối thủ dễ nhận thấy nhất là cấp phó của bà - ông Michel Temer - người có thể sẽ tiếp quản vị trí Tổng thống nếu bà Rousseff bị luận tội.

Tuy nhiên, bản thân Phó Tổng thống Temer cũng bị cáo buộc liên quan đến kế hoạch mua bán ethanol trái phép. Tuần trước, một thẩm phán Tòa án Tối cao Brazil tuyên bố, ông Temer cũng phải đứng trước quá trình luận tội khi bị cáo buộc có liên quan tới các hành vi lừa dối tài chính mà bà Rousseff đang đối mặt.

Đáng nói là, thay vì đứng ngoài sự ồn ào chính trị, đầu tuần này, Phó Tổng thống Temer bỗng “vô ý” để lộ ra một đoạn ghi âm bài phát biểu tập dượt mà ông dự kiến sẽ đọc nếu nữ Tổng thống bị luận tội. Trong đoạn băng, ông Temer dường như đã chấp nhận thay thế bà Rousseff để trở thành Tổng thống. Ông cũng kêu gọi một Chính phủ đoàn kết dân tộc…

Ngay lập tức, bà Rousseff gọi đoạn băng trên là bằng chứng về âm mưu đảo chính. “Mặt nạ của những kẻ âm mưu đã rơi rồi”, bà nói.

Một cuộc điều tra gần đây cho thấy, khoảng 60% người dân Brazil nghi ngờ ông Temer giống như họ đã nghi ngờ bà Rousseff, theo Hãng Bloomberg. Như thế, kịch bản nào cho Brazil để nước này thoát khỏi bức tranh màu xám vẫn đang là một câu hỏi chưa có lời đáp.

Nền kinh tế Brazil đang hỗn loạn. Lạm phát lên tới 2 con số, đồng tiền mất giá, GDP giảm 3,8% trong năm 2015, thêm vào đó là cuộc khủng hoảng mang tên “Zika” làm 17 người chết, khiến người dân Brazil trở nên quá chán ngán.

Trong khi đó, sức ảnh hưởng của vụ bê bối tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Brazil Petrobras vẫn tiếp tục mở rộng phạm vi.

Mới đây nhất, ngày 12/4, cựu Thượng nghị sĩ Gim Argello đã bị bắt giữ do vướng vào cáo buộc nhận hối lộ trong đường dây tham nhũng quy mô lớn tại Petrobras. Theo cơ quan công tố, ông Argello đã nhận từ lãnh đạo 2 công ty xây dựng UTC Engenharia SA và OAS SA các khoản tiền lần lượt là 1,44 triệu USD và 100.519 USD. Đổi lại, những nhân vật lãnh đạo này sẽ không bị yêu cầu ra điều trần tại một ủy ban của Quốc hội Brazil hồi năm 2014.

Hoài Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm