Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều sự kiện hưởng ứng Ngày Quốc tế Chống tham nhũng

Thứ bảy, 08/12/2018 - 06:34

(Thanh tra)- Hưởng ứng Ngày Quốc tế Chống tham nhũng (9/12), khắp nơi trên thế giới đã tổ chức các sự kiện với các quy mô khác nhau với cùng mục đích: Nâng cao nhận thức của công chúng về tham nhũng, hối lộ và các vấn đề có liên quan; vinh danh những người chống tham nhũng trong cộng đồng và Chính phủ của họ.

Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo (phải ảnh) trong Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Chống tham nhũng ở Nam Jakarta ngày 3/12/2018. Ảnh: The Jakarta Post

Indonesia: Tập trung cải cách nội bộ các đảng chính trị

Là một phần của lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Chống tham nhũng, Ủy ban Chống tham nhũng Indonesia (KPK) đang tập trung xây dựng kế hoạch cải cách nội bộ trong các đảng chính trị, khu vực được coi là "gót chân A-sin" của cuộc chiến chống tham nhũng.

Chính khách và thành viên của đảng chính trị là nhóm dính líu đến các vụ tham nhũng nhiều hơn cả. Theo thống kê của KPK, từ năm 2007 đến tháng 9 năm nay, có ít nhất 229 chính trị gia trong các cơ quan lập pháp bị truy tố bởi các tổ chức chống tham nhũng.

Ý tưởng cải cách nội bộ các đảng chính trị đã được nhen nhóm từ thời ông Antasari Azhar là Chủ tịch KPK (năm 2007 - 2009). Chủ tịch KPK hiện tại là Agus Rahardjo cho biết, nội dung này tiếp tục được đặc biệt quan tâm ở nhiệm kỳ của ông để nâng cao điểm Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI).

Ngày 4/12, trong khai mạc kỷ niệm Ngày Quốc tế Chống tham nhũng, lãnh đạo KPK nhấn mạnh, điểm CPI của Indonesia 2 năm vừa qua đều ở mức 37/100 điểm. “Chúng ta nhận mức điểm khá thấp về nội dung chính trị và dân chủ. Các đảng phái chính trị đóng vai trò quyết định đối với cả 2 vấn đề này. Bởi vậy, chúng tôi yêu cầu các cam kết từ các đảng phái chính trị về thực thi tính liêm chính chính trị trong các tổ chức tương ứng của họ", ông Agus nói.

Đây không phải lần đầu tiên các đảng phái chính trị được xem là điểm yếu của cuộc chiến chống tham nhũng của Indonesia. Trước đó, một cuộc khảo sát của Tổ chức Minh bạch Quốc tế Indonesia (TII) thực hiện năm 2017 đã chỉ ra, Hạ viện là cơ quan được người dân Indonesia đánh giá tham nhũng nhiều nhất, tiếp đến là khối các cơ quan Chính phủ và các Hội đồng khu vực.

Trên cơ sở kết quả khảo sát, TII đã kêu gọi các đảng chính trị cải cách và thay đổi cách hoạt động của Hạ viện và các Hội đồng khu vực.

“Thành công của phong trào chống tham nhũng không phải đo bằng số người bị truy tố tham nhũng, mà bằng số lượng người phạm tội tham nhũng thấp", Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo nói trong bài phát biểu khai mạc Lễ Kỷ niệm.

KPK cho biết, gói cải cách, với tên gọi “Hệ thống Liêm chính Đảng Chính trị”, sẽ tập trung vào một số vấn đề của các đảng gồm: Đạo đức, quy trình dân chủ nội bộ đảng, kết nạp và quỹ đảng.

Theo đó, KPK đã làm việc trên nền hệ thống này từ năm ngoái, khi cơ quan này tới làm việc với các đảng chính trị khác nhau để vận động về nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải trình và minh bạch tài chính của các đảng.

Nam Phi: Kêu gọi doanh nghiệp đánh giá các biện pháp chống gian lận

Các sự cố gian lận đang gia tăng ở Nam Phi. Theo thống kê của Cơ quan Dịch vụ Chống gian lận nước này, số vụ gian lận đã tăng lên 56% trong năm 2017.

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Chống tham nhũng 9/12/2018, ông Keeran Madhav, Giám đốc Pháp lý tại Tập đoàn Kiểm toán, kế toán và tư vấn toàn cầu Mazars, cho rằng, các doanh nghiệp nên dành thời gian để đánh giá cơ chế chống gian lận và kiểm soát mạnh mẽ tại chỗ. Một trong những lý do khiến số vụ gian lận gia tăng là do các biện pháp kiểm soát chống gian lận tại doanh nghiệp chưa đủ mạnh và thiếu chủ động.

Số vụ gian lận đang có dấu hiệu gia tăng tại Nam Phi. Ảnh: IOL

“Chủ động ở đây có nghĩa, các công ty cần có các biện pháp tại chỗ để phát hiện gian lận trước khi có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo rõ ràng nào. Các biện pháp có thể kể đến gồm: Tiến hành kiểm tra đột xuất, thiết lập đường dây nóng tố cáo lừa đảo, tiến hành đánh giá rủi ro gian lận và giám sát dữ liệu một cách chủ động...", ông Keeran Madhav nói.

Cũng theo ông Madhav, một số công cụ quan trọng cần có mặt trong mọi cơ quan, tổ chức bao gồm: Một quy tắc ứng xử rõ ràng, chính sách chống gian lận mạnh mẽ và giám sát dữ liệu chủ động.

Trung tâm Tố giác Quốc gia hỗ trợ các nỗ lực chống tham nhũng toàn cầu

Chủ nhật sắp tới (9/12), Liên hợp quốc và các tổ chức chống tham nhũng trên toàn thế giới sẽ kỷ niệm Ngày Quốc tế Chống tham nhũng. Chiến dịch toàn cầu "Liên minh chống tham nhũng" (United Against Corruption) tập trung vào nêu rõ sự ảnh hưởng của tham nhũng tác động đến các quốc gia giàu và nghèo là như nhau và vấn nạn này phải được giải quyết thông qua một cách tiếp cận quốc tế thống nhất.

Trung tâm Tố giác Quốc gia (National Whistleblower Center), đặt tại Washington, D.C. (Mỹ), là tổ chức phi Chính phủ (NGO) hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật tố giác với hơn 30 năm hoạt động để bảo vệ và khuyến khích những người tố giác. NWC đã thường xuyên làm việc với các nhà hoạt động chống tham nhũng và các quan chức chính phủ trên toàn thế giới để giúp xây dựng các chương trình chống tham nhũng hiệu quả.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Chống tham nhũng 2018, Giám đốc Điều hành NWC, ông Stephen M. Kohn, đã có bài phát biểu tại Hội nghị Quốc tế Thường niên về Liêm chính, tổ chức ngày 6/12 tại Lima, Peru. Ông nhấn mạnh "Xu hướng trong chống tham nhũng: Giá trị của người tố giác", sẽ giúp phanh phui các vụ gian lận trong hợp đồng công, nêu rõ trách nhiệm của chính phủ và doanh nghiệp.

“Luật khen thưởng người tố giác là bước đệm cho thành công của phong trào chống tham nhũng”, ông Kohn nói.

Một sự kiện quan trọng khác trong không khí Ngày Quốc tế Chống tham nhũng là lễ kỷ niệm Ngày Tố giác (Whistleblower Day) đầu tiên của Hàn Quốc, theo kế hoạch sẽ tổ chức trùng ngày 9/12. Sự kiện này do Ủy ban Chống tham nhũng và Dân quyền (ACRC) của Hàn Quốc tổ chức, sẽ công nhận tầm quan trọng của những người tố giác trong các nỗ lực chống tham nhũng.

“Người tố giác đại diện cho công cụ chống lừa đảo và chống tham nhũng mạnh mẽ nhất trên hành tinh", ông M. Kohn nói và nhấn mạnh, các nỗ lực chống tham nhũng dựa vào những người có thông tin và dũng cảm đưa thông tin đó đến với các cơ quan thực thi pháp luật thích hợp. Việc bảo vệ và khuyến khích những người tố giác là cốt lõi của mọi chiến dịch chống tham nhũng.

Ghana: Chống tham nhũng - liều thuốc chữa bách bệnh để vượt qua sự viện trợ

Tại khai mạc Tuần lễ Chống tham nhũng và Minh bạch (ACT) tại Thủ đô Accra, Giáo sư George Gyan-Baffour, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Ghana cảnh báo, mong muốn phát triển của Ghana không phụ thuộc vào viện trợ sẽ bị đe dọa nếu cuộc chiến chống tham nhũng bị thất bại.

Ông Gyan-Baffour cũng đề cập, những nỗ lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng như đã đề ra trong chương trình phối hợp các chính sách phát triển kinh tế - xã hội (2017 - 2024) cũng bị ảnh hưởng bởi tệ tham nhũng.

Tuần lễ ACT diễn ra từ ngày 3/12, với các hoạt động trọng tâm vào ngày 9/12 và kết thúc hôm 12/12 với một diễn đàn doanh nghiệp do Sáng kiến Liêm chính Ghana (GII) và Quỹ Doanh nghiệp Tư nhân tổ chức.

Chủ đề của lễ kỷ niệm năm nay tại Ghana là: "Chiến thắng trong cuộc chiến chống tham nhũng: Liều thuốc chữa bách bệnh cho Ghana vượt qua sự viện trợ".

Hungary: Kêu gọi sự tham gia của công dân

Tại Thủ đô Budapest, Tổ chức Minh bạch Quốc tế Hungary vừa công bố một sự kiện quy mô lớn nhân Ngày Quốc tế Chống tham nhũng.

"Bạn sẽ sử dụng tiền của EU như thế nào?" là chủ đề cuộc thi ảnh của TI tại Hungary. Ảnh: Budapest Business Journal

Chương trình kỷ niệm bao gồm: Hội thảo về thâm hụt tài chính dân chủ và sự tham gia của công dân ở Hungary với tên gọi: "Cho công dân hay bởi công dân?" và lễ trao giải cho cuộc thi ảnh của TI có chủ đề: "Bạn sẽ sử dụng tiền của EU như thế nào?".

Hoài Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm