Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lực lượng nổi dậy tại Libya đề xuất ngừng bắn

Thứ tư, 23/03/2011 - 17:07

Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya, ông Abdel Elah Al Khatib vừa cho biết, lực lượng nổi dậy ở Libya muốn nhanh chóng ngừng bắn với các lực lượng chính phủ.

Phát ngôn viên lực lượng vũ trang Libya Milad Fokehi tuyên bố lệnh ngừng bắn mới trong chiến dịch chống lực lượng nổi dậy nước này. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ông Khatib đưa ra thông báo trên sau khi có cuộc gặp đầu tiên với thủ lĩnh lực lượng nổi dậy Mustafa Abdel Jalil và các thành viên Hội đồng dân tộc của phe này ở Tobruk, miền Đông Libya, để "lắng nghe quan điểm và ý kiến của họ."

Theo ông Khatib, tại cuộc gặp, ông đã nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về "một giải pháp đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của nhân dân Libya để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay."

Tuần trước, ông Khatib cũng đã gặp gỡ các quan chức cấp cao trong chính quyền Libya tại Tripoli.

Phát biểu tại Paris cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho biết, chiến dịch quân sự tại Libya có thể chấm dứt "bất cứ khi nào" nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi tuân thủ nghị quyết của Liên hợp quốc, chấp nhận ngừng bắn.

Phát biểu trước Quốc hội Pháp, ông SJuppe cũng đề xuất Pháp đóng vai trò chủ đạo trong việc tổ chức tiến trình hòa bình tại Libya. Trong khi đó, tư lệnh chiến trường các lực lượng Mỹ ở Libya, ông Samuel J.Locklear III cho biết, Mỹ và liên quân dự định đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng trên bộ của ông Gaddafi "trong những ngày giờ tới."

Tại Tripoli, người ta tiếp tục nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn, trong đó có những tiếng súng phòng không, trong đêm thứ tư kể từ khi liên quân phương Tây bắt đầu không kích Libya.

Một người phát ngôn Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ cho biết, liên quân đã bắn 20 quả tên lửa Tomahawk vào các căn cứ phòng không và các mục tiêu khác ở Libya trong đêm 22/3. Trong khi đó, lực lượng trung thành với ông Gaddafi và phe nổi dậy đã đụng độ tại Yafran, Tây Nam Tripoli làm ít nhất chín người thiệt mạng.

Nhà lãnh đạo Gaddafi ngày 22/3 đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước Libya lần đầu tiên trong một tuần qua. Phát biểu từ dinh thự ở Tripoli, ông tuyên bố "Libya sẵn sàng cho kháng chiến trường kỳ và sẽ chiến thắng."

Liên quan đến chiến dịch của liên quân, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 22/3 đã bày tỏ quan ngại trước tình trạng sử dụng vũ lực "bừa bãi" của các lực lượng nước ngoài ở Libya.

Thông báo của Điện Kremlin nêu rõ: "Tổng thống Medvedev đã bày tỏ quan ngại về cách thức liên quân thực thi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt vùng cấm bay, cũng như việc sử dụng vũ lực bừa bãi của không quân sẽ gây thương vong cho dân thường."

Tổng thống Medvedev cũng tái khẳng định Nga không có kế hoạch tham gia chiến dịch quân sự ở Libya. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đang thực hiện chuyến công du Algeri cảnh báo, chiến dịch quân sự do phương Tây cầm đầu ở Libya có thể kích động chủ nghĩa khủng bố quốc tế, đồng thời kêu gọi các lực lượng này tôn trọng luật pháp quốc tế.

Trong một diễn biến khác, sau vài ngày thảo luận gay gắt, các đại sứ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí sử dụng sức mạnh hải-không quân để thực thi lệnh cấm vận vũ khí trên biển đối với Libya; tán thành các kế hoạch tác chiến về thiết lập vùng cấm bay tại Libya; nhưng vẫn bất đồng về cơ cấu chỉ huy của NATO trong chiến dịch can thiệp quân sự vào quốc gia Bắc Phi này.

Theo Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, các lực lượng của tổ chức này sẽ giám sát, cập nhật tình tình và nếu cần thiết sẽ chặn giữ các tàu biển bị tình nghi vận chuyển trái phép vũ khí và lính đánh thuê đến Libya.

Sĩ quan chỉ huy tác chiến hàng đầu của NATO, Đô đốc James Stavridis sẽ điều hành các tàu biển và máy bay đóng tại miền Trung Địa Trung Hải để thực thi lệnh cấm vận này.

Hà Lan cam kết cung cấp sáu máy bay tiêm kích F-16, khoảng 200 binh lính, một tàu rà phá mìn dưới biển và một máy bay tiếp nhiên liệu. Romania sẽ điều một tàu chiến với thủy thủ đoàn gồm hơn 200 người đến Địa Trung Hải tham gia kế hoạch này. Đức tuyên bố các tàu chiến của nước này đang đóng ở Địa Trung Hải sẽ không tham gia thực thi lệnh cấm vận vũ khí của NATO.

Về kế hoạch thiết lập vùng cấm bay tại Libya theo sự ủy thác của Liên hợp quốc, ông Rasmussen cho biết, NATO đã hoàn tất các kế hoạch liên quan để tổ chức này có thể đóng góp theo cách thức rõ ràng cho nỗ lực quốc tế bảo vệ dân thường Libya. Tuy nhiên, nguồn tin ngoại giao từ NATO cho biết, sẽ phải mất vài ngày tổ chức này mới quyết định được sẽ tham gia hay chỉ huy các hoạt động liên quan kế hoạch này.

Cho đến thời điểm này, Mỹ vẫn muốn trao quyền chỉ huy sứ mệnh thiết lập vùng cấm bay ở Libya cho NATO càng sớm càng tốt. Quốc hội Tây Ban Nha đã thông qua đề xuất của chính phủ nước này về thực thi quyết định thiết lập vùng cấm bay ở Libya. Theo đó, Madrid sẽ đóng góp 500 binh sĩ, bốn máy bay F-18, một máy bay tiếp nhiên liệu Boeing 707, một tàu ngầm, một tàu khu trục và một máy bay do thám trên biển.

Từng phản đối trao chiếc gậy chỉ huy kế hoạch này cho NATO, thay vào đó Pháp kêu gọi thành lập ủy ban chính trị đặc biệt bao gồm ngoại trưởng các nước tham gia liên quân quốc tế để giám sát kế hoạch thiết lập vùng cấm bay với sự tham gia của các nước thuộc Liên đoàn Arập.

Canada tuyên bố các lực lượng của họ sẽ "không đi xa hơn" sứ mệnh bảo vệ dân thường được qui định trong Nghị quyết 1973 của Liên hợp quốc về Libya.

Không chỉ gây chia rẽ trong nội bộ NATO, chiến dịch quân sự của phương Tây ở Libya đang gây bất hòa giữa Mỹ và Nga trong bối cảnh hai quốc gia này mới tái khởi động các quan hệ từng bị "đóng băng" một thời gian dài.

Tại cuộc gặp ngày 22/3 với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang ở thăm Nga, ông Robert Gates, Tổng thống nước chủ nhà Dmitry Medvedev cho rằng, liên quân "đang sử dụng vũ lực bừa bãi" ở Libya. Ông Medvedev cũng bày tỏ lo ngại cách thức thực hiện nghị quyết của Liên hợp quốc về thiết lập vùng cấm bay ở Libya và nguy cơ thương vong trong dân thường.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov cáo buộc chiến dịch ném bom mấy ngày qua của liên quân ở Libya làm nhiều dân thường thiệt mạng. Đáp lại, ông Gates bác bỏ những chỉ trích của Mátxcơva, nhưng dự đoán chiến dịch không kích có thể giảm dần trong vài ngày tới./.


(TTXVN)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm