Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ II: Người chết, chuyện chưa hết

Thứ ba, 05/07/2011 - 15:04

(Thanh tra)- Tiêu diệt Osama bin Laden là một thành công đáng kể của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ phận Báo chí của Tổng thống Nga Dmitri Medvedev, cuộc đấu tranh chung chống lại tội ác này chỉ có thể thành công với sự nỗ lực của tất cả các nước.

Việc tiêu diệt trùm khủng bố Biladen đang tiềm ẩn dấy lên làn sóng trả thù từ những kẻ khủng bố

>> Kỳ I: Cái chết của Bin Laden

Với Nga, một trong những nước đầu tiên đối mặt với al-Qaeda, với nguy cơ khủng bố toàn cầu và đã phải chịu nhiều tổn thất bởi tội ác này thì “tất cả những tên khủng bố nhất định sẽ phải đền tội”. Các đại diện cơ quan đặc nhiệm Nga gọi việc tiêu diệt bin Laden là một sự kiện quan trọng, minh chứng về sự trừng phạt tất yếu những tên khủng bố gây nên tội ác ghê tởm chống lại nhân loại. “Nếu người Mỹ không bao giờ tha thứ cho các sự kiện xảy ra vào năm 2001, thì ở Nga cũng không bao giờ quên Budyonnovsk, Pervomaiskoye, Beslan, các vụ khủng bố ở Moscow”, Đài Tiếng nói nước Nga nhấn mạnh.

Cuộc chiến chống khủng bố quốc tế chưa toàn thắng

Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga Alexander Konovalov cảnh báo: “Tổ chức khủng bố sẽ không thiếu người chỉ huy. Al-Qaeda và các cấu trúc khủng bố khác không có một chỉ huy chung, một bộ tổng tham mưu chung. Chính vì vậy, bin Laden bị tiêu diệt không có nghĩa là cuộc chiến chống khủng bố quốc tế đã thắng lợi. Đây mới chỉ là chiến thắng trong một trận đánh lớn mà thôi”.

Cùng quan điểm, ông Vitaly Shlykov, một cựu sĩ quan tình báo quân sự, hiện là thành viên của Hội đồng Chính sách Quốc phòng và Đối ngoại Nga cũng nêu rõ: “Đây không phải là chiến thắng khải hoàn trước chủ nghĩa khủng bố, đây là một bàn thắng trong cuộc đấu tranh này”. Theo ông Vitaly Shlykov và nhiều chuyên gia, không loại trừ khả năng những đệ tử của Osama bin Laden sẽ tìm cách trả thù cho thủ lĩnh của mình. “Thường sau một bàn thắng mang tính bước ngoặt như vậy sẽ bùng phát làn sóng khủng bố, với kỳ vọng chứng tỏ nó vẫn đang sống sót. Vì vậy, người Mỹ rất đúng và các nước khác cũng cần phải có biện pháp đề phòng. Có thể phát sinh những hành động trả thù từ bọn khủng bố. Chúng không thể chấp nhận quá dễ dàng sự thất bại”.

Về phần mình, ông Mikhail Margelov, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga cho rằng, một thủ lĩnh mới của al-Qaeda sẽ sớm xuất hiện. Nhận định của chính trị gia này càng có cơ sở khi mà nhân vật thứ 2 trong danh sách của al-Qaeda là Ayman al-Zawahiri vẫn còn sống. Chưa kể, sau cái chết của Osama bin Laden, Anwar al-Awlaki, kẻ được Washington coi là “trùm khủng bố số 1” đã thoát chết sau các cuộc tấn công của Mỹ tại Yemen.

Tuy nhiên, ông Mikhail Starshinov, Ủy viên Ủy ban An ninh Viện Duma Quốc gia Nga cũng bày tỏ lạc quan rằng “nếu hàng ngũ khủng bố càng thưa thớt những nhân vật điều phối, những kẻ reo rắc tư tưởng thì mối đe dọa của chúng đối với xã hội sẽ càng ít hơn”.

Thủ lĩnh mới của al-Qaeda dọa trả thù


Phân tích sâu về hệ quả cái chết của bin Laden đối với mạng lưới al-Qaeda, về sự sống còn gắn chặt với khả năng quản lý việc thừa kế người lãnh đạo quá cố, Le Monde cho rằng, mạng lưới này có thể bị xé nhỏ và phân tán thành nhiều mảnh. Ngoại trừ đại bản doanh ở vùng bộ tộc của Pakistan, mạng lưới al-Qaeda còn có Aqmi ở Bắc Phi; Aqap hoạt động ở Yemen và Saudi Arabia; Aqdfl ở vùng Lưỡng Hà (Iraq, Iran). Lãnh đạo các nhánh này đều có thể tranh giành quyền thừa kế bin Laden. Có điều, họ sẽ khó chấp nhận sự lãnh đạo của một người đến từ một vùng khác. Ngay cả nhân vật được nhắc đến nhiều nhất là “chiến lược gia” Ayman al-Zawahiri cũng khó trở thành người thay thế vì là người Ai Cập (nên không chắc sẽ được những người Yemen và Saudi Arabia lắng nghe). Điều đáng ngại nhất, theo Le Monde, là nguy cơ một nhân vật muốn chứng tỏ tài năng, uy quyền qua hành động cụ thể là tổ chức một vụ khủng bố ngoạn mục.

Trao đổi với Le Figaro, cựu nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Ali Soufan cho rằng, trong nhóm thân cận và thuộc hạ của Bin Laden, không ai có tài thu hút, tập hợp như cố thủ lĩnh của al-Qaeda. Bin Laden là chất keo gắn liền các tổ chức khác nhau. Trước mắt, al-Qaeda sẽ lợi dụng cái chết này để thu hút thành viên mới, nhưng phong trào thánh chiến nhìn chung sẽ không còn như trước. Al-Qaeda sẽ không nguy hiểm như trước vì kiểu thánh chiến như al-Qeada từng chủ trương đã trở nên lỗi thời, trước những sự kiện như phong trào mùa Xuân Arabia. Người Arabia đã thấy, họ không cần phải đấu tranh chống kẻ thù xa xôi là Mỹ để lật đổ chính quyền của họ như bin Laden đã rao giảng trước đây. Cho nên thánh chiến sẽ suy giảm.

Cựu nhân viên FBI Ali Soufan giải thích, trong ngắn hạn, al-Qaeda sẽ huy động lực lượng để trả thù cho bin Laden. Tuy nhiên, mạng lưới khủng bố không còn khả năng thực hiện những vụ tấn công ngoạn mục như trước, vì nếu không thì họ đã làm rồi, chứ không phải chờ đến sau cái chết của bin Laden. Đáng ngại là, hoạt động của những nhóm của người bản xứ, bên trong từng quốc gia, mọc lên tại chỗ.

Theo các chuyên gia, hiện nay al-Qaeda không phải là một tổ chức thống nhất mà là một cơ cấu mang tính chất mạng lưới gồm những chi nhánh như: Al-Qaeda khu vực Al Maghrib Hồi giáo, al-Qaeda bán đảo Arabia... Ngay như trong phe đối lập Libya cũng có mấy nhóm al-Qaeda. Điều đáng nói là, dù các chi nhánh này hành động độc lập, nhưng vẫn theo một hệ tư tưởng thống nhất.

Dưới góc nhìn của mình, nhà báo Tony Karon của Tạp chí Time nhận định: Ảnh hưởng của Osama bin Laden không lớn như người ta nghĩ. Do vậy, cái chết của ông này cũng không có nhiều ý nghĩa, ngoại trừ việc giải tỏa sự uất ức của người Mỹ sau vụ tấn công ngày 11/9/2001. Theo ông Tony Karon, chính sự hiện diện của binh lính Mỹ tại Saudi Arabia và sự ủng hộ của Mỹ đối với quốc gia này và Israel bên cạnh cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan là những lý do chính khiến al-Qaeda tồn tại. Tony Karon nhấn mạnh: Tất cả những lý do này vẫn còn và người dân trong thế giới Arabia vẫn có quan điểm thiếu thiện cảm đối với Mỹ. Chính vì thế, cái chết của Osama bin Laden không đồng nghĩa với cái chết của al-Qaeda.

Xin nói thêm, trong 2 - 3 năm gần đây, Osama bin Laden không giải quyết vấn đề quan trọng nào mà chỉ là biểu tượng, là người cầm cờ của lực lượng cực đoan. Hiện nay, dù lá cờ bị rơi xuống, nhưng các nhóm khủng bố vẫn tiếp tục hoạt động. Còn bin Laden được coi là nhân vật “tử vì đạo”. Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng, hoạt động khủng bố sẽ tiếp diễn ở Cận Đông, ở Trung Đông, ở Bắc Phi và nhiều khu vực khác trên thế giới. Xem ra, việc tiêu diệt một nhân vật nào đó không thể giải quyết tất cả vấn đề. Vẫn chưa xóa bỏ nguồn gốc kinh tế - xã hội và chính trị của chủ nghĩa khủng bố. Và vì thế, cái chết của Osama bin Laden không phải là dấu chấm hết vấn nạn khủng bố.

Diễn biến mới nhất, ngày 16/6/2011, Ayman al-Zawahiri đã được bầu làm thủ lĩnh mới của al-Qaeda. Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen đã tuyên bố Mỹ sẽ tìm cách truy sát thủ lĩnh mới của al-Qaeda như từng làm với người tiền nhiệm là Osama bin Laden. Trước đó, vào trung tuần tháng 5/2011 vừa qua, al-Qaeda đã chỉ định Saif al-Adel làm thủ lĩnh tạm quyền trong một nỗ lực ổn định cộng đồng Hồi giáo cực đoan vốn đang hỗn loạn sau cái chết của Osama bin Laden. Theo báo chí phương Tây, Saif al-Adel là bí danh của cựu Đại tá Ai Cập Muhamad Ibrahim Makkawi, người đã rời Ai Cập đến Afghanistan để cùng các chiến binh Mujahideen chống lại quân đội Liên Xô trong những năm 1980. Saif al-Adel từng là Trưởng Bộ phận An ninh của Osama bin Laden. Saif al-Adel bị Chính phủ Ai Cập tố cáo âm mưu lật đổ Chính phủ vào năm 1987 và dính líu đến các vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở châu Phi năm 1998. Saif al-Adel còn huấn luyện các chiến binh Sudan giết chết 18 công dân Mỹ ở Mogadishu năm 1993, cũng như tổ chức một loạt vụ khủng bố tại Saudi Arabia từ tháng 5/2003.

Ngay sau khi tạm quyền lãnh đạo, thủ lĩnh mới của al-Qaeda đã kêu gọi các phần tử al-Qaeda “nghiền nát những kẻ ngoại đạo” ở Anh và Mỹ để trả thù cho bin Laden.

Yemen đang trở thành nơi trú ẩn cho phe vũ trang

Ở khía cạnh khác, các cơ quan an ninh của Anh và Mỹ đã bày tỏ quan ngại về việc Yemen đang trở thành nơi trú ẩn cho phe vũ trang, theo sau các vụ diệt trừ al-Qaeda ở Afghanistan và Pakistan.

Yemen hiện được coi là căn cứ cho al-Qaeda ở bán đảo Arabia cũng như là địa bàn hoạt động của Anwar al-Awlaki, giáo sĩ Hồi giáo cực đoan sinh ra ở Mỹ. Ông này có quan hệ với người bị tình nghi âm mưu đánh bom Detroit Umar Farouk Abdulmutallab.

Dù Chính phủ Yemen đã ký hòa ước với lực lượng vũ trang Shia Houthi ở miền Bắc để tập trung vào cuộc chiến chống al-Qaeda và các lực lượng vũ trang khác ở miền Nam, tuy nhiên, kết quả đạt được không nhiều. Quân đội Yemen từng tiến hành cuộc tấn công vào tỉnh Shabwa xa xôi, nhưng chiến dịch đó đã không tìm được các thành viên của al-Qaeda ở bán đảo Arabia như mục tiêu.

Tại Yemen, một chi nhánh của al-Qaeda từng mở cuộc tấn công tự sát nhằm vào tàu chiến USS Cole gần cảng Aden, giết chết 17 thủy thủ Mỹ.

Được biết, hồi tháng 10 năm ngoái, thủ lĩnh nhóm al-Qaeda ở bán đảo Arabia Qasim al-Rimi đã lên tiếng đe dọa lật đổ Tổng thống Yemen Ali Abdallah Saleh. Trong băng ghi âm, Qasim al-Rimi nhấn mạnh việc Tổng thống Saleh sẽ bị loại bỏ khỏi chức vụ vì ông đã mất rất nhiều lãnh thổ và quân đội. Thủ lĩnh nhóm al-Qaeda ở bán đảo Arabia cũng cáo buộc Tổng thống Yemen là “tay sai của Mỹ”.

Chi nhánh al-Qaeda ở bán đảo Arabia
Theo BBC, nhánh al-Qaeda ở bán đảo Arabia được thành lập hồi tháng 1/2009 trên cơ sở sáp nhập 2 nhánh khu vực của mạng lưới vũ trang Hồi giáo quốc tế ở Yemen và Saudi Arabia.

Tổ chức này nhanh chóng nổi tiếng với các vụ tấn công trực diện nhưng bất định, được cố vấn chống khủng bố của Nhà Trắng John Brennan mô tả là “nhánh hoạt động tích cực nhất” trong mạng lưới al-Qaeda bên ngoài Afghanistan và Pakistan.

Tổ chức này do 2 thành viên cấp thấp của al-Qaeda lập ra. Đây là những kẻ đã trốn thoát từ 1 nhà tù ở Yemen hồi năm 2006. Một trong 2 người này tên là Nasser Abdul Karim al-Wuhayshi từng là cố vấn riêng cho lãnh đạo Osama bin Laden của al-Qaeda ở Afghanistan.

Hồi tháng 9/2008, lực lượng này đã tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Thủ đô Sanaa của Yemen bằng xe bom và đạn cối.

Trong hoạt động đầu tiên bên ngoài Yemen vào tháng 8/2009, một thành viên của nhóm đã tìm cách ám sát Thứ trưởng Công an của Saudi Arabia bằng chất nổ PETN quấn quanh người. Tuy nhiên, Hoàng thân Mohammed bin Nayef đã thoát chết. (PETN là tên viết tắt của một loại chất nổ dẻo có độ công phá mạnh. Tên hóa học của nó là Pentaerythritol Tetranitrate, là 1 thành phần của Semtex. Chất này không màu, không mùi và không dễ phát hiện. Hoạt tính khá ổn định và chủ yếu được dùng làm chất nổ mạnh. Người ta cũng dùng chất này trong y tế để làm động mạch chữa chứng bệnh đau ngực angina pectoris).

Chưa hết, hồi tháng 11/2010, Aqap, nhánh của al-Qaeda tại bán đảo Arabia lên tiếng xác nhận đã gửi 2 quả bom qua đường hàng không hướng đến Mỹ hôm 29/10. Tổ chức này cũng nhận trách nhiệm làm rớt máy bay chở hàng (thuộc hãng UPS) của Mỹ tại Dubai đầu tháng 9/2010, khiến 2 phi công thiệt mạng.

Aqap cũng cảnh báo sẽ tiếp tục nhắm đến các mục tiêu của Mỹ và đồng minh.



Kỳ III: Trường hợp Taliban

Trọng Thành - Thanh Phương (Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm