Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ II: Bê bối tình dục chấn động nước Pháp

Thứ sáu, 27/01/2012 - 07:15

(Thanh tra) - Dù đã được xóa bỏ cáo trạng xâm hại tình dục người phục vụ buồng tại khách sạn ở New York, Mỹ, song cựu Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn cũng đã bị mất cơ hội trở thành ứng cử viên của Đảng Xã hội trong cuộc tranh cử Tổng thống Pháp vào đầu năm 2012 này.

Vợ chồng ông Strauss-Kahn và luật sư Benjamin Brafman (phải) rời Tòa án Tối cao bang Manhattan hôm 23/8.

>> Kỳ I: Thủ tướng với cáo buộc mua dâm vị thành niên

Cơn sốt trong giới truyền thông quốc tế bắt đầu hôm 14/5/2011, khi bà Nafissatou Diallo, một phụ nữ nhập cư gốc Phi, là người phục vụ buồng tại khách sạn Sofitel, thành phố New York, kể với cảnh sát rằng, ông Strauss-Kahn đứng trước mặt bà trong tình trạng không mặc quần áo khi bà vào dọn dẹp phòng. Theo bà Nafissatou Diallo, ông Strauss-Kahn đã đuổi theo và ép bà phải quan hệ tình dục bằng miệng.

Vị Tổng Giám đốc IMF quyền uy, 62 tuổi, bị bắt vào cùng ngày khi đã yên vị trên chiếc máy bay của Hãng Air France tại Sân bay John F Kennedy ở New York chỉ vài phút trước khi máy bay cất cánh để bay tới Paris (Pháp). Vụ bắt giữ được tiến hành theo lệnh của Sở Cảnh sát New York (NYPD). Ngay sau đó, ông Strauss-Kahn đã bị cảnh sát New York thẩm vấn. Cảnh sát cho biết, lãnh đạo IMF hợp tác đầy đủ với cuộc điều tra của họ.

Để rồi, một trong những động thái tiếp theo của ông Strauss-Kahn là phải từ chức lãnh đạo IMF - một trong những định chế tài chính - ngân hàng lớn nhất thế giới và bị quản chế tại gia.

Các nhà chức trách ở New York khi đó nói rằng, đã tìm thấy những bằng chứng về DNA cho thấy có quan hệ tình dục. Và như vậy, lời khai của bà Nafissatou Diallo là đáng tin.

Tuy nhiên, ông Strauss-Kahn đã kịch liệt phủ nhận cáo buộc này.

Bà Nafissatou Diallo


Nay thì khác, bà Nafissatou Diallo hiện đang kiện ông Strauss-Kahn trong một vụ tố tụng dân sự. Vụ kiện hình sự bị bãi bỏ hồi tháng 8/2011, sau khi các công tố viên khẳng định bà Nafissatou Diallo không đủ chứng cứ để tiếp tục theo đuổi cáo buộc.

Trong một lá đơn dài 17 trang nộp lên Tòa án Dân sự Bronx tại New York, luật sư của bà Nafissatou Diallo nói ông Strauss-Kahn “cố ý xâm hại tình dục một cách tàn nhẫn và dùng bạo lực với bà Nafissatou Diallo. Trong quá trình đó đã làm nhục, xâm phạm và cướp đi của bà Nafissatou Diallo phẩm giá của một người phụ nữ”. Đơn kiện còn nói rằng, ông Strauss-Kahn đã gây ra vết bầm tím ở âm đạo, làm bà Nafissatou Diallo bị thương ở vai, xé quần lót của bà, dùng bạo lực tóm gáy bà.

Đóng ở một khu phố nghèo tại New York, nơi bà Nafissatou Diallo sinh sống, Tòa án Bronx có tiếng là bênh vực nạn nhân trong các vụ việc kiểu này. Và, theo Luật Tố tụng Dân sự, người nữ phục vụ phòng gốc Guinea này có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại bằng tiền. Khoản tiền có thể lên đến hàng triệu USD.

Trả lời phỏng vấn trên kênh TV1 của Pháp, cựu lãnh đạo IMF nói: “Những gì đã xảy ra không chỉ là một quan hệ thiếu đứng đắn mà còn là một lỗi lầm”. Ông còn “vô cùng tiếc về những gì đã xảy ra”.

Như đề cập ở trên, bằng chứng DNA cho thấy, đã diễn ra trao đổi tình dục giữa hai người trong khách sạn. Tuy nhiên, các luật sư của ông Strauss-Kahn trước sau đều nhấn mạnh: Bất cứ sự quan hệ tình dục nào giữa hai bên đều là đồng thuận.

Ngay cả các công tố viên cũng không thể xác định được việc có chuyện cưỡng bức hay không.

Sau khi vụ bê bối của ông Strauss-Kahn diễn ra chưa đầy 2 tuần, đến lượt Bộ trưởng Bộ Các vấn đề công cộng kiêm Thị trưởng Draveil, phía Nam Thủ đô Paris Georges Tron, 53 tuổi, bị hai người phụ nữ 34 và 36 tuổi cáo buộc đã có những hành vi lạm dụng, cưỡng bức, xâm hại tình dục.

Bộ trưởng Georges Tron là thành viên Đảng cầm quyền UMP của Tổng thống Sarkozy.

Và, cũng giống như những người bị cáo buộc khác, phản ứng đầu tiên của ông Georges Tron là phủ nhận đồng thời dọa kiện hai cựu nhân viên này vì tội vu khống. Bộ trưởng Bộ Các vấn đề công cộng cho biết, cáo buộc này có thể bắt nguồn từ việc ông đã sa thải họ ra khỏi Tòa thị chính Draveil.

Được biết, ngày 29/5/2011, ông Georges Tron đã phải từ chức, trước áp lực của Đảng cầm quyền UMP, trong bối cảnh các đảng phái chính trị tại Pháp đang chuẩn bị vận động tranh cử Tổng thống. Thủ tướng Pháp François Fillon chấp nhận đơn từ chức và hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của ông George Tron vì lợi ích chung.

Trước đó, trong một buổi điều trần trước Tòa án Liên bang New York, các công tố viên nói với thẩm phán rằng, bà Nafissatou Diallo đã “không thành thật trong nhiều vấn đề cả lớn lẫn nhỏ”.

Tại phiên điều trần, các công tố viên đã trình bày chi tiết vụ án mà họ thu thập được chống lại ông Strauss-Kahnm và các tình tiết nghi ngờ được nhanh chóng phát hiện. “Các bằng chứng trên thân thể, khoa học và các bằng chứng khác cho thấy, bị cáo đã có quan hệ tình dục vội vã với nguyên đơn. Tuy nhiên, chỉ những điều này không đủ chứng cứ cáo buộc của nguyên đơn về quan hệ ép buộc và không đồng thuận”, các công tố viên chỉ rõ.

Thêm vào đó, “bằng chứng thu thập lại trong quá trình điều tra hậu truy tố của chúng tôi đã làm giảm đi rất nhiều mức độ tin cậy của bà Nafissatou Diallo trong vai trò nhân chứng”.

Thông tin được tiết lộ sau đó cho thấy, bà Nafissatou Diallo đã bị thu âm khi bàn về vụ việc với một người bạn đang ở tù. Tù nhân này là tội phạm ma túy và là một trong những mối quan hệ đáng ngờ của người nữ phục vụ buồng. Cuộc nói chuyện có vẻ đề cập đến tài sản của ông Strauss-Kahn - điều mà những người ủng hộ ông nói là “động lực tài chính của bà Nafissatou Diallo trong việc theo đuổi vụ án”.

Chưa kể, bà Nafissatou Diallo đã không thành thật trong những kê khai về thuế. Theo New York Times, chỉ trong vòng 2 năm, tài khoản ngân hàng của bà Nafissatou Diallo đã nhận được nhiều khoản tiền, lên đến 100.000 USD, không chỉ từ tù nhân nói trên, mà còn từ nhiều nguồn bí ẩn khác từ Arizona, Georgia, New York và Pennsylvania. Đương sự cho biết là không hề biết gì về các nguồn này hoặc khai do vị hôn phu hay bạn bè của bà gửi.

Thêm vào đó, nghi ngờ về nhân thân của bà Nafissatou Diallo cũng nổi lên. Theo lời kể của một người biết rõ về nữ phục vụ buồng, bà là một tín đồ Hồi giáo, bị góa bụa sớm. Hồi năm 2002, khi tìm đến nước Mỹ để thử vận may, bà đến ở nhà chị gái tại khu Bronx. Người mẹ làm việc vất vả trong khu phố để lo cho con gái 15 tuổi, sau đó được nhận vào làm tại khách sạn Sofitel.

Thế nhưng, trên hồ sơ xin tị nạn, bà Nafissatou Diallo ghi lý do đến Mỹ để tránh việc con gái bị cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục, theo hủ tục tại châu Phi. Hay như việc đề cập tới vụ cưỡng dâm tập thể mà bà là nạn nhân hồi còn ở Guinea.

Văn phòng Công tố New York cho biết: Trong quá trình điều tra, nguyên cáo đã nhiều lần nói dối về nhiều chuyện khác nhau, như về tiểu sử, hoàn cảnh sống hiện tại hay về các mối quan hệ xã hội. Chính vì thế, các công tố viên cho rằng, nếu họ đã không thể tin vào câu chuyện của người phục vụ buồng thì họ cũng “không thể yêu cầu các vị thẩm phán phải tin”.

Ngoài “lình xình” liên quan đến người phục vụ buồng, ông Strauss-Kahn còn phải đối diện với cáo buộc từ nhà báo kiêm nhà văn Pháp Tristane Banon, người cho rằng cựu Tổng Giám đốc IMF đã tìm cách cưỡng hiếp bà hồi năm 2003 trong lần phỏng vấn.

Bà Tristane Banon đã viết 3 quyển tiểu thuyết tự thuật. Trong quyển tựa đề Trapéziste, xuất bản năm 2006, qua nhân vật Marie-Madeleine, nhà văn này đã kể lại vụ bị ông Strauss-Kahn mưu toan hãm hiếp lúc đến phỏng vấn cũng như việc đã chống trả như thế nào.

Tất nhiên, ngay lập tức ông Strauss-Kahn đã lên tiếng bác bỏ và cho biết sẽ kiện vì tội vu khống. Không chỉ gọi cáo buộc của bà Tristane Banon là ảo tưởng, ông Strauss-Kahn còn khẳng định mình không hề sử dụng bạo lực.

Tờ Libération dẫn lời giới thân cận của ông Strauss-Kahn cho rằng, hành động của bà Tristane Banon bị giật dây vì nhiều người tự hỏi tại sao nhà văn 32 tuổi này chờ đến bây giờ mới kiện, khi vụ án tại New York đang trong xu hướng lắng dịu.

Giải thích cho hành động của mình, bà Tristane Banon nói rằng, đã mệt mỏi, một mình chịu đựng mọi thứ, không ai lắng nghe dù nhiều lần cố nêu lên sự vụ. Và, giờ đây bà muốn “công lý lắng nghe”.

Được biết, ông Strauss-Kahn từng tranh cử chức lãnh đạo Đảng Xã hội Pháp năm 2006 nhưng thua đối thủ Segolene Royale.

Năm 2007, ông được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc IMF.

Ông Strauss-Kahn được đánh giá cao vì đã chèo lái IMF qua thời gian khó khăn, trong đó có cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua.

Nhiều năm qua, thói trăng hoa của ông không còn là chuyện bí mật đối với giới báo chí Pháp. Có điều, hầu như không ai nói đến trên mặt báo, với lý do không muốn đụng chạm đến đời tư của các chính trị gia. Nhưng, ngay cả khi đã sang Washington làm việc, tại một quốc gia rất kỵ những vụ bê bối tình dục như Mỹ, ông Strauss-Kahn vẫn “ngựa quen đường cũ”. Vào năm 2008, ông bị ban lãnh đạo IMF điều tra về quan hệ với một nữ nhân viên cấp dưới - chuyên gia kinh tế người Hungary. Ban lãnh đạo IMF khi đó kết luận: Hành động của ông cho thấy sai sót nghiêm trọng về đánh giá, nhưng mối quan hệ này là cả hai đồng tình.

Bình luận về vụ việc của ông Strauss-Kahn, nhà báo Hugh Schofield của BBC News tại Paris viết: Chúng ta hãy tưởng tượng về một cựu Bộ trưởng có sức lôi cuốn mạnh mẽ, một ngôi sao của đảng của ông ta, một trí thức, một người thông minh, nhưng đó cũng là một người đàn ông quan tâm nồng nhiệt về tình dục.

Chúng ta hãy tưởng tượng rằng, trong con đường sự nghiệp, ông ta được biết đến như một người biết sử dụng cả vị thế chính trị và sức mạnh thể chất của mình để có thể đưa được phụ nữ lên giường.

Bạn bè từng cảnh báo về các hành vi có thể lên mức quấy rối, nếu không muốn nói là lạm dụng, thế nhưng ông ta vẫn tiếp tục.

Kỳ III: 7 năm tù cho cựu Tổng thống hiếp dâm


Bích Lan - Huy Hoàng (Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm