(Thanh tra)- Ngày 21/5/2013, Hội đồng Các biện pháp an toàn thông tin, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Tổng Thư ký Nội các Esihide Sugi, nhân vật thứ hai trong Chính phủ Nhật Bản, đã thông qua quyết định thành lập đơn vị đặc biệt về an ninh mạng trong thành phần lực lượng vũ trang.
>> Kỳ II: Ngăn chặn chiến tranh mạng
>> Kỳ I: Mỹ vạch mặt tin tặc Trung Quốc
Đơn vị mới, theo kế hoạch, sẽ đi vào hoạt động trong tháng 6, trước hết có nhiệm vụ ngăn chặn hoạt động đột nhập và phá hoại các hệ thống máy tính quốc gia và quân đội. Trao đổi với Đài Tiếng nói nước Nga, ông Oleg Demidov, chuyên gia của Trung tâm PIR cho biết: “Nhật Bản đang đối mặt trước sự gia tăng hoạt động tin tặc được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Các công ty liên quan tới hợp đồng quốc phòng và cơ khí hạng nặng như Mitsubishi Heavy Industries, Kawasaki Heavy Industries đã trở thành nạn nhân của hacker trong năm 2011. Ngoài ra, Tokyo ghi nhận loạt vụ đột nhập tài nguyên và phá khóa tài khoản cơ quan Chính phủ, cơ quan hành pháp và lập pháp. Nhật Bản có mục tiêu và đối tượng cần bảo vệ, mặc dù chưa lần nào họ xác định được nguồn gốc mối đe dọa”.
Thông tin Nhật Bản lập lực lượng mạng được công bố vào thời điểm lặp lại các vụ tin tặc tấn công mạng máy tính chính phủ và các công ty tư nhân Mỹ càng khiến dư luận quan tâm. Báo New York Times đã đưa tin về điều này dẫn nguồn Mandiant, một hãng chuyên về an ninh mạng. Mandiant không nêu tên các nạn nhân, nhưng hé lộ rằng, trong đó có một số tổ chức và công ty từng bị tấn công trước đây. Nguồn gốc được nêu là xuất phát từ một đơn vị quân sự bí mật của Trung Quốc. Theo cơ quan tình báo Mỹ, trụ sở của các gián điệp mạng được đặt trên tầng 12 một tòa nhà thuộc ngoại vi Thượng Hải. Chính từ đây, trong suốt thời gian làm việc, nhóm đã đánh cắp dữ liệu của hơn 140 doanh nghiệp, bao gồm cả các công ty Mỹ.
Hàn Quốc thì cáo buộc Trung Quốc là điểm xuất phát các vụ tấn công máy chủ của 3 kênh truyền hình hàng đầu và 4 ngân hàng. Hoạt động của những cơ sở này đã bị tê liệt trong một thời gian, hệ thống giao dịch tài chính bị rối loạn. Hàn Quốc đã xác định được địa chỉ IP từ Trung Quốc tham gia cuộc tấn công, vẫn theo Đài Tiếng nói nước Nga.
Tất nhiên, Trung Quốc bác bỏ mọi cáo buộc “vô căn cứ và không chuyên nghiệp”. Đến lượt mình, họ gọi Mỹ là nguồn gốc nghiêm trọng cho an ninh mạng, là gián điệp mạng lớn nhất. Theo Bắc Kinh, chỉ riêng năm ngoái, Hoa Kỳ đã tiến hành hàng chục nghìn vụ tấn công thông tin vào máy chủ các tổ chức Nhà nước và tư nhân ở Trung Quốc. Ít nhất 30.000 website của Trung Quốc đã bị bẻ khóa, chỉ trong năm 2012.
Ở diễn biến liên quan, hôm 6/5/2015, trong báo cáo của mình, Bộ Quốc phòng Mỹ lên tiếng cáo buộc Trung Quốc sử dụng rộng rãi các phương tiện hoạt động gián điệp trong không gian mạng để thu thập thông tin về chính sách đối ngoại của và kế hoạch chiến tranh của Washington.
Không chỉ cáo buộc Trung Quốc đã sử dụng gián điệp công nghiệp để ăn cắp bí mật công nghệ quân sự nhằm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu vũ khí, bản báo cáo của Lầu Năm Góc còn cho rằng, một phần ngân sách quân sự của Trung Quốc được chi cho mục đích gián điệp kinh tế.
Cáo buộc này của Lầu Năm Góc được coi là đã xua tan hy vọng về sự hòa hoãn giữa Washington và Bắc Kinh trong lĩnh vực chiến tranh mạng. Bởi vì, vào tháng 4 năm nay, trong chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, hai bên đã thỏa thuận không công khai cáo buộc lẫn nhau về hoạt động gián điệp trong không gian mạng.
Trước nữa, vào trung tuần tháng 3, trong cuộc trả lời phỏng vấn của Kênh Truyền hình ABC, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố, nguy cơ đe dọa an ninh mạng của đất nước đang gia tăng. Các cuộc tấn công mạng khiến Mỹ tổn thất nhiều tỷ USD, mất bí mật thương mại và suy giảm khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ. Chưa hết, cơ quan tình báo Mỹ cho rằng, các vụ tấn công của tin tặc trên mạng máy tính gây ra nguy cơ đe dọa an ninh nghiêm trọng hơn so với chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Theo lời ông Barack Obama, một số mối đe dọa được tài trợ từ nước ngoài. Tổng thống Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân theo tiêu chuẩn quốc tế trong không gian mạng.
Còn theo ông Thomas Donilon, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ, an ninh mạng là một vấn đề nghiêm trọng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. “Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ lo ngại về các vụ trộm cắp thông tin và công nghệ bí mật thông qua sự xâm nhập phi pháp từ phía Trung Quốc” - Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nói.
Cũng vào trung tuần tháng 3, trong tuyên bố của mình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Washington trong cuộc chiến chống tội phạm mạng. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, không gian mạng đòi hỏi những nguyên tắc và sự hợp tác thay vì chiến tranh mạng. Bà Hoa Xuân Oánh cũng nói rằng, Trung Quốc kiên quyết phản đối các cuộc tấn công không gian mạng, đồng thời là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất từ những hoạt động này. Và, chính quyền Trung Quốc thực hiện truy tố các tin tặc theo quy định pháp luật hình sự của đất nước.
Bắc Kinh phản đối cuộc đối đầu trong không gian mạng, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố hôm 9/3/2013 tại Bắc Kinh, đồng thời kêu gọi hợp tác quốc tế trong mạng lưới toàn cầu và không biến nó thành một công cụ can thiệp chính trị vào công việc của các nước khác.
Theo ông Dương Khiết Trì, Internet ngày nay đòi hỏi phải có những quy định chi phối hợp tác. Trước việc gần đây Hoa Kỳ và các nước phương Tây tố cáo tin tặc Trung Quốc tấn công mạng các cơ quan và các công ty Hoa Kỳ, ông Dương Khiết Trì kêu gọi các bên ngăn chặn những lời buộc tội và tấn công vô trách nhiệm và thực hiện các bước cụ thể để thúc đẩy hợp tác và cùng nhau bảo vệ hòa bình và an ninh trong không gian mạng. Bộ trưởng Ngoại giao Dương Khiết Trì cho biết thêm, chính phủ Trung Quốc đã quyết định đưa ra luật chống tin tặc.
Khi xem không gian mạng như địa bàn độc quyền mới của họ, nước Mỹ sẽ tiếp tục nêu ra những cáo buộc mới chống lại các đối thủ chính trị tiềm năng trong các cuộc tấn công ảo và cố gắng ràng buộc áp đặt luật chơi riêng có lợi cho mình - Đài Tiếng nói nước Nga. |
“Sự đối đầu đã đạt đến cấp độ mới. Cả hai bên không cảm thấy thoải mái, không thể bảo vệ lợi ích chiến lược của mình. Chắc là, Trung Quốc đã cảm thấy tiềm năng trả đũa của Washington bởi vì Hoa Kỳ bắt đầu ứng phó tích cực hơn với các cuộc tấn công của tin tặc Trung Quốc. Còn Hoa Kỳ thì chịu thiệt hại lớn do các tin tặc. Theo quan điểm của họ, Trung Quốc chịu trách nhiệm về điều đó và Washington sẵn sàng tuyên bố chính thức về nguy cơ này. Mặc dù không có bằng chứng xác đáng về việc Bắc Kinh tham gia các cuộc tấn công không gian mạng” - chuyên gia Oleg Demidov nhận định.
Nay, Lầu Năm Góc đã vi phạm thỏa thuận đó. Báo cáo của Lầu Năm Góc cho thấy, các thỏa thuận trước đây đã không thực hiện được. Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều đã lập ra các cấu trúc đặc biệt theo định hướng tiến hành chiến tranh mạng. Họ không chỉ chuẩn bị bảo vệ không gian mạng của mình mà còn “tấn công phòng vệ” đối phương. Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều mong muốn hòa bình trong không gian ảo, nhưng cả hai bên đều đang tích cực chuẩn bị cho chiến tranh mạng.
“Trong thế giới ngày nay, nơi mà mọi thứ được kết nối với nhau, Lầu Năm Góc nói riêng, nước Mỹ nói chung, sẽ rất khó khăn khi đấu tranh chống sự bành trướng của Trung Quốc trong hoạt động tình báo công nghiệp. Nhiều nhà khoa học, nghiên cứu sinh và sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp ở Mỹ sẽ trở về với nhiều bí mật mà họ thu thập được. Và, mặc dù Mỹ có chương trình nhà nước chống gián điệp công nghiệp, nhưng nhiều khi chương trình đó có thể thất bại”, Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng Nga Igor Korotchenko cảnh báo.
Về phía mình, Nga không chỉ 1 lần nêu ra Liên hợp quốc vấn đề hoạch định và áp dụng trong cộng đồng thế giới những quy tắc chung cho hành xử và hoạt động trong mạng điện tử toàn cầu, trong đó có những phương hướng chống lại mối đe dọa tấn công mạng. Thế nhưng, Hoa Kỳ phản bác ý tưởng này. Theo quan điểm của giáo sư Elena Ponomareva, thái độ đó là hiện tượng hoàn toàn đúng qui luật. “Người Mỹ không muốn hạn chế bản thân bằng các hiệp định quốc tế có thể cản trở họ sử dụng biện pháp bảo vệ nào đó và có thể là cả biện pháp tấn công nữa. Việc miễn cưỡng ký vào thỏa thuận quốc tế minh chứng về chuyện quốc gia này sẵn sàng lợi dụng mọi nguồn lực và khả năng sẵn có để đẩy mạnh chính lợi ích của riêng mình. Trong trường hợp đó, họ hành xử bất chấp mọi qui tắc cạnh tranh, họ đề ra những quy tắc mà chính họ sẽ không tuân thủ. Kết quả là, họ luôn chọn lấy những gì tiện lợi hơn cả”, Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời giáo sư Elena Ponomareva.
Cũng liên quan đến hoạt động tin tặc, ngày 22/5/2013, Ủy ban Sở hữu Trí tuệ Mỹ, một tổ chức không thuộc chính phủ, đứng đầu là ông Dennis Blair, cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, nguyên Tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương và Jon Huntsman, nguyên Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ, đã công bố báo cáo sau 11 tháng điều tra chỉ rõ: Trung Quốc và một số nước khác đánh cắp trên quy mô lớn các phần mềm tin học và nhiều sản phẩm khác do Hoa Kỳ phát triển, gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ hơn 300 tỷ USD hàng năm. Trong đó, Trung Quốc là thủ phạm đánh cắp bản quyền đứng đầu thế giới.
Ông Jon Huntsman cho biết: “Hiện nay, chúng tôi tin rằng, mức độ đánh cắp bản quyền trí tuệ của Hoa Kỳ trên thế giới là chưa từng có”. Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ khẳng định: Hoa Kỳ có thể có thêm được 2,1 triệu chỗ làm nếu các tiêu chuẩn bảo vệ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài được tăng cường đến mức tối đa. Số tiền hơn 300 tỷ USD ước tính bị mất hàng năm tương đương với tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang châu Á năm 2012.
Đồng Chủ tịch Ủy ban Sở hữu Trí tuệ Mỹ Dennis Blair thì nhấn mạnh rằng, luật pháp Hoa Kỳ hiện nay không còn phù hợp với sự phát triển công nghệ hiện tại và quan điểm phòng vệ thuần túy có thể sẽ trở nên ngày càng tốn kém và ít hiệu quả hơn. Hiện tại, tin tặc nắm toàn bộ lợi thế và tình hình này không thể tiếp tục được nữa - cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, nguyên Tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương.
Trên cơ sở những điều tra của mình, Ủy ban Sở hữu Trí tuệ Mỹ khuyến cáo chính giới Hoa Kỳ đề ra một loạt biện pháp thích đáng như: Thẩm tra việc bảo vệ sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Mỹ, giảm bớt các đầu tư từ Trung Quốc hay thay đổi luật để cho phép tấn công tin học nhằm vào các cơ sở tin tặc ở nước ngoài nhằm lấy lại thông tin hay làm tê liệt máy tính của các hacker... Ngoài ra, báo cáo của Ủy ban Sở hữu Trí tuệ Mỹ cũng đề xuất một số thay đổi về phương diện tổ chức, đặc biệt là yêu cầu Cố vấn An ninh Quốc gia của tổng thống đảm trách vai trò điều phối các phản ứng của Hoa Kỳ chống lại nạn ăn cắp bản quyền.
Được biết, trước đó, hôm 20/2/2013, Nhà Trắng đã công bố Chiến lược làm giảm các vụ đánh cắp bí mật thương mại Mỹ, trong đó khẳng định: Chúng ta sẽ tiếp tục hành động một cách mạnh mẽ để chống lại các vụ đánh cắp bí mật công nghiệp có thể được sử dụng bởi các doanh nghiệp nước ngoài hoặc các nước khác nhằm có được lợi thế công nghiệp. (Trong số các công ty Mỹ là nạn nhân có các tập đoàn xe hơi Ford và General Motors, công ty hóa chất DuPont và Dow Chemical, công ty điện tử Motorola…).
Theo Washington, việc đánh cắp các bí mật công nghiệp đe dọa các công ty Mỹ, phá hoại an ninh quốc gia và đe dọa an ninh kinh tế Hoa Kỳ. Do vậy, chính quyền của tổng thống Barack Obama cảnh báo là sẽ phối hợp với các nước để gây áp lực ngoại giao mạnh mẽ, nhằm làm giảm các vụ đánh cắp.
Tin vịt khiến thị trường chứng khoán Mỹ mất gần 200 tỷ USD |
Hôm 23/4/2013, tin tặc đã đột nhập tài khoản của Hãng Thông tấn AP trên Twitter loan tin xảy ra vụ nổ trong Nhà Trắng khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama bị thương. Dù AP đã bác bỏ tin này chỉ ba phút sau khi nó được công bố trên blog, nhưng khoảng thời gian ngắn ngủi đó đủ làm chao đảo thị trường chứng khoán Mỹ. Giao dịch trên thị trường chứng khoán đang bắt đầu cuộc mua bán tối đa các chứng khoán lớn, đã giảm giá trị vốn thị trường xuống gần 200 tỷ USD. Theo Hãng Thông tấn ITAR-TASS, Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cũng nhận được email của AP cảnh báo tài khoản Twitter bị phá khóa. Hãng Thông tấn AP cho biết, vụ tấn công này xảy ra sau nhiều mưu toan thâm nhập vào mạng tin học của hãng. AP cũng thông báo đã phối hợp với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tiến hành điều tra vụ việc. Hiện tại, Tổ chức “Quân đội điện tử Syria” (SEA) đã lên tiếng nhận là tác giả vụ tin tặc này. Theo AFP, trong thời gian gần đây, nhiều hãng thông tấn lớn trên thế giới là nạn nhân tin tặc của tổ chức này, trong đó có AFP, Sky News Arabia, Al-Jazeera Mobile và tài khoản Twitter của một số chương trình trọng điểm của Hãng Truyền hình CBS. |
Hà Trang - Nguyễn Thành (Tổng hợp)