Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoài Phương
Thứ năm, 13/04/2023 - 06:36
(Thanh tra)- Các nhà chức trách Indonesia tuyên bố sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm cấp cao để điều tra một trong những vụ bê bối tham nhũng lớn nhất ở nước này liên quan hàng chục tỷ USD trong các giao dịch được cho là đáng ngờ suốt 14 năm qua tại Bộ Tài chính.
Mohammad Mahfud MD, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia, đồng thời là người đứng đầu Ủy ban Phòng chống rửa tiền quốc gia, trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của ông ở Jakarta, ngày 26/12/2019. Ảnh: Ajeng Dinar Ulfiana/Reuters
Động thái này diễn ra trong bối cảnh dư luận bất bình về sự phô trương giàu có và lối sống xa hoa của một số quan chức thuế, tài chính - những người có thu nhập "khủng" bị phanh phui sau vụ việc liên quan đến con trai của một quan chức thuế cấp cao.
Sự việc đã khiến công chúng đặt ra câu hỏi, làm thế nào các công chức có thể mua xe hơi sang trọng, quần áo hàng hiệu và các chuyến du lịch nước ngoài với mức lương khiêm tốn?
Theo ông Mohammad Mahfud MD, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia, các giao dịch đáng ngờ của Bộ Tài chính được tiết lộ vào tháng trước liên quan đến trốn thuế, rửa tiền và buôn lậu, bao gồm 13 tỷ USD (194,4 nghìn tỷ rupiah) có dính líu đến hoạt động buôn lậu vàng.
“Ủy ban Phòng chống rửa tiền quốc gia sẽ sớm thành lập một lực lượng đặc nhiệm chung để giám sát và theo dõi tất cả báo cáo phân tích và báo cáo kiểm toán với tổng giá trị hơn 349 nghìn tỷ rupiah (23,3 tỷ USD)”, ông Mahfud nói với các phóng viên ngày 10/4.
Ông cho biết, lực lượng đặc nhiệm sẽ bao gồm Trung tâm Phân tích và Báo cáo giao dịch tài chính (PPATK) - cơ quan chống rửa tiền của Indonesia, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Tiêu thụ đặc biệt, Cơ quan Điều tra hình sự của Cảnh sát, Văn phòng Tổng Chưởng lý, Cơ quan Dịch vụ Tài chính, Cơ quan Tình báo Quốc gia và Bộ Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh.
Lực lượng hoạt động trên nguyên tắc chuyên nghiệp, minh bạch và có trách nhiệm.
Lực lượng đặc nhiệm sẽ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ thông qua việc xây dựng các giả thuyết, thu thập thông tin liên quan, trong đó ưu tiên phân tích làm rõ các báo cáo tài chính có tổng giá trị vượt quá 189.000 tỷ rupiah (12,6 tỷ USD).
Ông Mahfud cho biết, PPATK đã đưa ra 300 báo cáo phân tích và kiểm toán về các giao dịch với tổng giá trị hơn 349 nghìn tỷ rupiah kể từ năm 2009.
Trong số các giao dịch đó, 260,5 nghìn tỷ rupiah (17,4 tỷ USD) liên quan đến các công ty có quan hệ với cơ quan hải quan, trong khi 53,8 nghìn tỷ rupiah (3,6 tỷ USD) liên quan đến công chức và các bên khác, Thứ trưởng Bộ Tài chính Suahasil Nazara cho biết vào cuối tháng trước.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati, người được ghi nhận về những nỗ lực cải cách hệ thống thuế, tăng thu ngân sách và cải thiện quản lý tài khóa, cũng tuyên bố sẽ điều tra các giao dịch đáng ngờ.
Trong khi đó, một nhà phân tích cho biết, cần thiết có một cơ quan phi chính phủ tiến hành điều tra các giao dịch.
Ông Tauhid Ahmad, thuộc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (INDEF), lập luận rằng một cơ quan độc lập có thể đưa ra quan điểm độc lập.
“Họ [cơ quan độc lập] không nên rò rỉ kết quả cho đến khi chúng có thể được tiết lộ cho công chúng. Họ nên được lựa chọn để hòa giải những xung đột giữa các cơ quan Chính phủ”, Tauhid, Giám đốc Điều hành INDEF có trụ sở tại Jakarta, nói với Hãng tin Benar News.
“Nếu đó là vấn đề mang tính hệ thống, thì hệ thống giám sát nội bộ phải được cải tổ. Còn nếu đó là vấn đề về hành vi của cá nhân, các cá nhân phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt tương xứng với hành vi sai trái”, theo ông Tauhid.
Đáng lưu ý, việc phát hiện ra các giao dịch đáng ngờ lặp đi lặp lại trong các cơ quan của Bộ Tài chính sẽ làm ảnh hưởng đến việc tuân thủ thuế và gây ra thiệt hại kinh tế lớn. Doanh thu nhà nước sẽ giảm và niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ suy yếu, ông Tauhid nói.
Hoạt động buôn lậu vàng
Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia Mahfud ngày 10/4 đã không cung cấp nhiều chi tiết về quá trình điều tra hoặc thời hạn của cuộc điều tra, nhưng cho biết lực lượng đặc nhiệm sẽ ưu tiên các báo cáo kiểm toán có giá trị cao nhất, bắt đầu với báo cáo về 13 tỷ USD có liên quan đến một lượng vàng nhập khẩu bị cáo buộc có sai phạm.
Trong một phiên điều trần với ủy ban của Quốc hội vào tháng trước, ông Mahfud cho biết, 15 công ty bị nghi ngờ buôn lậu vàng miếng và không trả phí nhập khẩu hoặc thuế thu nhập, bị cáo buộc thông đồng với các quan chức hải quan.
Các tài liệu nhập khẩu cho thấy, vàng miếng thô đã được đưa vào, nhưng nó được phát hiện là vàng tinh chế. Điều đó có nghĩa là các nhà nhập khẩu đã tránh được phí 5% và thuế thu nhập 2,5%.
Ông Mahfud cho biết, PPATK đã phát hiện dấu hiệu rửa tiền từ năm 2017 và đã báo cáo lên Bộ Tài chính. Tuy nhiên, các báo cáo không bao giờ đến được với Bộ trưởng.
Tiếp đó, năm 2020, PPATK gửi một lá thư khác nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
Bộ Tài chính đã phải chịu áp lực dư luận sau một vụ bê bối gần đây liên quan đến việc con trai của một công chức thuế phơi bày lối sống xa hoa, phô trương ô tô và xe máy đắt tiền trên mạng xã hội.
Công chức Rafael Alun Trisambodo, đã bị Bộ trưởng Tài chính sa thải khỏi vị trí lãnh đạo cấp cao tại Cơ quan Thuế South Jakarta và từ đó bị cơ quan chống tham nhũng điều tra vì nghi ngờ nhận hối lộ.
Con trai của Rafael, Mario Dandy Satrio (20 tuổi) - người thường xuyên đăng tải những hình ảnh và video cho thấy cuộc sống giàu có với các xế hộp hạng sang, được cho là do cha của anh ta chi trả - đang chờ xét xử về tội hành hung một cậu bé 15 tuổi.
Tổng thống Joko Widodo tháng trước cho biết, ông thấu hiểu sự thất vọng của công chúng. Chính phủ Indonesia đã ra lệnh kỷ luật nghiêm khắc những công chức phô trương sự giàu có ở một đất nước có mức lương tối thiểu dưới 400 USD/tháng.
Trong bối cảnh dư luận đang dành sự quan tâm đặc biệt về những vụ bê bối này, Tổng thống Indonesia đã thúc giục Quốc hội xúc tiến việc thảo luận về một dự luật cho phép Chính phủ tịch thu tài sản liên quan đến các tội phạm như tham nhũng và rửa tiền.
Dự luật đã được cơ quan hành pháp đệ trình lên Hạ viện vào năm 2020 nhưng chưa được các nhà lập pháp tranh luận.
Indonesia xếp thứ 110 trong số 180 quốc gia về chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI).
Đất nước này đã nhiều năm phải vật lộn với nạn tham nhũng khi các quan chức Chính phủ thường bị cáo buộc đòi hối lộ để đẩy nhanh dự án và phê duyệt giấy phép.
Tổng thống Jokowi đã cam kết chống tham nhũng và cải thiện quản trị như một phần trong chương trình nghị sự của ông nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh