Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hôm nay, HĐBA Liên Hiệp Quốc họp về Libya

Thứ năm, 24/03/2011 - 11:17

Hôm nay (24-3), Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp để thảo luận tình hình Libya và xem xét các hành động quân sự của các nước có phù hợp với những gì nghị quyết 1973 cho phép không.

Than khóc bên huyệt một người của quân nổi dậy vừa bị quân chính phủ Libya bắn chết - Ảnh: Reuters

Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bác bỏ đề nghị triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Libya để dừng “hành động gây hấn quân sự” của liên quân theo cách mô tả của chính quyền Libya.

Trước cuộc họp này, trong nội bộ liên quân, trong dư luận các nước Ả Rập và thế giới đã xuất hiện nhiều câu hỏi.

NATO sẽ “cầm trịch” cuộc can thiệp?

Ngày 23-3, Mỹ, Anh và Pháp đã đi đến thỏa thuận NATO có thể nắm giữ “một vai trò chủ chốt” trong cuộc can thiệp ở Libya. Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron, đã thống nhất quyền điều hành chiến tranh sẽ được trao cho một tổ chức riêng do liên quân lập ra bao gồm NATO cùng sự tham gia của các quốc gia Ả Rập như Qatar và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, tức các nước không thuộc khối NATO.

Tuy nhiên, các quan điểm chính trị sẽ do thành viên của liên quân đưa ra chứ không phải NATO. Ông Sarkozy cho rằng phân định rõ như vậy để cho thấy NATO sẽ không phụ trách hoàn toàn như thời chiến dịch ném bom các mục tiêu ở Serbia trong chiến dịch Kosovo năm 1999.


Các cơ quan cứu trợ của LHQ cho biết hàng hóa thiết yếu và thực phẩm đang dần cạn kiệt ở Libya. Giá lương thực như bánh mì và lúa mạch ở Libya đã tăng hơn gấp đôi, và thiếu thốn thuốc men cũng như các mặt hàng cơ bản đang diễn ra ở phía đông Libya. Cao ủy tị nạn LHQ (UNHCR) thông báo ngày càng khó hỗ trợ nhân đạo cho hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa khi cuộc chiến diễn ra. UNHCR dự kiến gửi hàng cứu trợ theo đoàn xe của Chương trình lương thực LHQ (WFP) tới Benghazi. Người phát ngôn WFP Emilia Casella cho biết cơ quan này đã chuyển hơn 1.500 tấn lương thực tới miền đông Libya và đưa thêm hơn 6.000 tấn lương thực để sẵn sàng phòng trường hợp khẩn cấp.
Trước đó, Pháp tỏ ra quyết tâm giành lại sự tín nhiệm của thế giới Hồi giáo và sự linh hoạt trong tác chiến, nên muốn hạn chế vai trò của NATO. Bộ trưởng ngoại giao Pháp Alain Juppé nhấn mạnh: “Đối với chúng tôi, chiến dịch này do liên quân chỉ huy. Bởi vậy, không là một chiến dịch của NATO, thậm chí nó có thể dựa vào những phương tiện quân sự cùng sự can dự của NATO đi nữa”.

Pháp đã tỏ ra có phần nhân nhượng sau khi Anh và Mỹ đều thống nhất liên quân sẽ nắm quyền kiểm soát chính trị, còn NATO chỉ có quyền kiểm soát quân sự.

Đến nay, NATO đã nhất trí sử dụng sức mạnh hải quân - không quân để thực thi lệnh cấm vận vũ khí trên biển đối với Libya.

Mục tiêu thật sự của cuộc can thiệp ở Libya?


Được thông qua ngày 10-3, nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nêu rõ “sử dụng mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ dân thường, cũng như thiết lập vùng cấm bay.

“Cho đến nay, không một trực thăng hay máy bay chiến đấu nào của Libya bay lên hay rục rịch bay lên” - Bộ trưởng quốc phòng Pháp Gérard Longuet tuyên bố, như muốn nói rằng chiến dịch quân sự ở Libya đã chấm dứt trên thực tế.

Thế nhưng, ông không hề đề cập những dư luận trong thế giới Ả Rập, ở châu Âu và thế giới phản đối các cuộc không kích hay những tuyên bố “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” về mục tiêu thật sự của các cuộc can thiệp. Ngay như Thủ tướng Bỉ Yves Leterme còn cho rằng “cần phải đuổi cổ ông Gaddafi khỏi quyền lực” trong khi liên quân cứ lặp đi lặp lại rằng Pháp “sẽ thực hiện đầy đủ và chỉ thực hiện nghị quyết 1973 mà thôi”.

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates đang ở thăm Nga, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho rằng liên quân “đang sử dụng vũ lực bừa bãi” ở Libya. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo rằng chiến dịch quân sự do phương Tây cầm đầu ở Libya có thể kích động chủ nghĩa khủng bố quốc tế, kêu gọi các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế.

Cuộc chiến Libya sẽ kéo dài bao lâu?

Cho tới nay, chưa nước nào trong liên quân có thể trả lời câu hỏi này.

“Điều chúng tôi muốn là một cuộc can thiệp chóng vánh. Mỹ rất quan tâm đến điều này và chúng tôi cũng thế - Bộ trưởng ngoại giao Pháp Alain Juppé nhấn mạnh - Chiến dịch có thể kết thúc bất cứ lúc nào. Chỉ cần các lực lượng của ông Gaddafi rút hết về doanh trại”. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates nhấn mạnh: “Cho đến khi chúng tôi có thể phá hủy các hệ thống phòng không của Libya”.

“Một sợi dây thì dài bao nhiêu? Chúng tôi không biết sẽ diễn tiến trong bao lâu” - Bộ trưởng các lực lượng vũ trang Anh Nick Harvey trả lời vòng vo. Các bộ trưởng Anh đang ngày càng phải đối mặt với áp lực lớn trong việc đưa ra giới hạn thời gian cụ thể cho sự can thiệp đó, cũng như lối thoát cuối cùng sẽ như thế nào. Một bộ trưởng Anh thừa nhận việc can thiệp vào Libya của liên quân có thể kết thúc trong bế tắc.

Tờ Daily Telegraph tính toán để duy trì vùng cấm bay như hiện nay, Anh tốn khoảng 3,2 triệu USD/ngày. Theo tính toán của giới phân tích quân sự, vùng cấm bay áp đặt ở Libya có thể tiêu tốn hơn 1 tỉ USD nếu chiến dịch của liên quân kéo dài hơn hai tháng.

Chỉ huy Không lực Anh, Phó thống chế Greg Bagwell ngày 23-3 cho biết Không lực Libya không còn khả năng tồn tại như một lực lượng chiến đấu nữa. Liên quân đã đưa hơn 300 máy bay đến Libya những ngày qua, bắn 162 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào các mục tiêu. Các nhân chứng cho biết trong ngày 23-3, liên quân tiếp tục các đợt tấn công mới gần thành phố miền tây Misrata.

Ông Gaddafi đang tìm đường tị nạn?

Từ hầm trú ẩn ở Tripoli, ông Gaddafi khẳng định ông đã sẵn sàng chiến đấu và lực lượng liên quân là “đáng vứt vào thùng rác” (?!). Trong bài phát biểu được truyền trên tivi, ông tuyên bố: “Trong ngắn hạn, chúng ta sẽ thắng họ. Về lâu dài, chúng ta cũng sẽ chiến thắng”.

Có tin ông Gaddafi đang tìm đường tị nạn. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho Đài ABC News biết là đến nay vẫn chưa rõ ông Gaddafi có thật sự quan tâm tới việc đi tị nạn hay không, nhưng các quan chức Mỹ biết có những người “được cho là đại diện cho ông Gaddafi” đang tìm kiếm khả năng đưa ông đi tị nạn.

Lực lượng nổi dậy tại Libya dưới sự lãnh đạo của Hội đồng dân tộc đóng căn cứ tại miền đông đất nước đã chỉ định ông Mahmoud Jabril làm người đứng đầu chính phủ lâm thời và chọn các bộ trưởng. Ông Jabril là nhà cải cách có thời tham gia dự án thiết lập một nhà nước dân chủ ở Libya, từng làm chủ nhiệm một ủy ban xử lý khủng hoảng phụ trách các vấn đề đối ngoại và quân sự.

TTO

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm