Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cựu Bộ trưởng Y tế tham ô tiền quỹ cho đại dịch Ebola

Thứ bảy, 21/09/2019 - 06:36

(Thanh tra)- Cựu Bộ trưởng Y tế của Congo Oly Ilunga vừa bị buộc tội rút ruột tiền quỹ được phân bổ cho đất nước nhằm đối phó với dịch bệnh chết người Ebola, hãng AFP đưa tin.

Cựu Bộ trưởng Y tế Congo Oly Ilunga. Ảnh: FABRICE COFFRINI/AFP/Getty Images

Cựu Bộ trưởng Y tế, 59 tuổi, đã bị buộc tội ăn cắp 4,3 triệu USD công quỹ dành để giải quyết đại dịch Ebola - căn bệnh đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng kể từ tháng 8/2018. Ebola được biết đến là loại virus rất dễ lây lan, gây tiêu chảy cấp, nôn mửa và sốt xuất huyết. Nó lây lan qua các chất dịch cơ thể và giết chết hơn một nửa số người mắc phải.
 
“Theo phán quyết của quan tòa, Oly Ilunga bị buộc tội tham ô. Là một cựu Bộ trưởng, ông không bị giam giữ”, Guy Kabyea, luật sư của ông Ilunga cho AFP biết và nói thêm rằng, thân chủ của ông hiện đang bị quản thúc tại gia.
 
Ông Oly Ilunga bị bắt để thẩm vấn hôm 14/9, trong bối cảnh có nhiều nghi ngờ ông đang lên kế hoạch trốn khỏi đất nước qua nước láng giềng nhằm tránh các thủ tục tố tụng. Trước đó, cựu Bộ trưởng bị cấm rời khỏi Cộng hòa Congo một số ngày sau lần thẩm vấn đầu tiên vào cuối tháng 8.
 
“Thật không may, cảnh sát đã nhận được thông tin về sự vắng mặt của ông ta với mục đích tiếp cận Congo-Brazzaville”, một phát ngôn viên của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia cho biết.
 
Luật sư của ông Ilunga đã bác bỏ những cáo buộc tham ô, nói rằng, các tài khoản chứng minh, tiền quỹ được sử dụng “dành riêng” để đối phó đại dịch Ebola.
 
Năm ngoái, các nhà tài trợ nước ngoài đã trao hơn 150 triệu USD cho Quỹ đối phó với Ebola, trong khi Liên hợp quốc nói rằng, cần hàng trăm triệu USD nữa mới có thể giúp quét sạch dịch bệnh này.
 
Ông Ilunga là một bác sỹ y khoa gốc Bỉ, Bộ trưởng Bộ Y tế Cộng hòa Dân chủ Congo từ năm 2016 - 2019. Ông phụ trách giám sát việc xử lý ổ dịch Ebola trong gần 1 năm.
 
Ngày 22/7/2019, Bộ trưởng Y tế Congo Oly Ilunga đã từ chức sau khi Tổng thống nước này, ông Felix Tshisekedi, thay thế vị trí lãnh đạo chiến dịch toàn quốc chống dịch Ebola. Văn phòng Tổng thống Felix Tshisekedi trước đó tuyên bố sẽ giao nhiệm vụ giám sát chiến dịch này cho một đội ngũ khác, có trách nhiệm báo cáo trực tiếp lên Tổng thống.
 
Ông Ilunga đã bị thay thế vị trí giám sát sau khi công khai chỉ trích các kế hoạch của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để giới thiệu một loại vắc xin Ebola mới. Lý do mà ông Ilunga đưa ra là lo ngại những rủi ro của việc đưa ra một phương pháp điều trị chưa được biết đến vào trong cộng đồng người dân Congo - nơi đang mất lòng tin nghiêm trọng vào cuộc chiến chống đại dịch Ebola.
 
Hơn 170.000 người đã được tiêm một loại vắc xin phòng virus Ebola do hãng Dược phẩm khổng lồ Merck của Đức sản xuất kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch.
 
Nhưng trong khi vắc xin Merck được thử nghiệm (chưa được cấp phép), thì sản phẩm thay thế được đưa ra (do WHO hậu thuẫn) là thuốc Johnson & Johnson vẫn đang trong giai đoạn điều tra nghiên cứu thử nghiệm.
 
Dịch Ebola hiện nay là đợt bùng phát nguy hiểm thứ 2 trong lịch sử, sau khi hơn 11.000 người đã bị cướp đi tính mạng ở Guinea, Sierra Leone và Liberia trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2016.
 
Ngày 17/7/2019, trong cuộc họp tại Geneva (Thụy Sĩ), WHO tuyên bố đại dịch Ebola đang diễn ra tại Congo là "trường hợp y tế khẩn cấp toàn cầu", gây nguy hiểm cho các quốc gia và đòi hỏi nỗ lực phối hợp quốc tế.
 
Tuyên bố được đưa ra sau khi Ebola lây lan sang thành phố Goma - một thành phố tập trung gần 2 triệu dân gần biên giới Rwanda, nơi có sân bay quốc tế. Đây là lần thứ 5 WHO tuyên bố trường hợp y tế khẩn cấp. Ngoài 2 trường hợp đối với Ebola, các trường hợp khẩn cấp khác bao gồm sự xuất hiện của virus Zika ở châu Mỹ, đại dịch cúm lợn và bại liệt.
 
Một số chuyên gia đánh giá, dịch Ebola ngày càng trở nên tồi tệ, bất chấp những tiến bộ bao gồm việc sử dụng vắc xin rộng rãi. Tại Congo, hàng chục phiến quân đang hoạt động khiến công tác cứu người bệnh gặp khó khăn. Bên cạnh đó, virus Ebola đang tấn công vùng biên giới, nơi trước kia chưa từng bị dịch bệnh ảnh hưởng. Người dân không tin tưởng, thậm chí tấn công y bác sĩ và bỏ trốn khỏi cơ sở y tế.

Hoài Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm