Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 21/11/2016 - 10:55
(Thanh tra)- Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ra quyết định cách chức Bộ trưởng Kinh tế Alexei Uliukaiev, chỉ vài giờ sau khi Tòa án Tối cao TP Moscow triệu tập ông Alexei Uliukaiev ra tòa vì những cáo buộc tham nhũng, hối lộ liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Rosneft.
Cựu Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Uliukaiev. Ảnh: AFP
Đây là lần đầu tiên kể từ khi ông Putin lên nắm quyền (từ năm 2000), một quan chức cấp Bộ trưởng trong Chính phủ bị cách chức, bị triệu tập ra tòa vì cáo buộc tham nhũng.
Trước lệnh triệu tập của tòa án, ông Alexei Uliukaiev khẳng định sẽ hợp tác với các điều tra viên trong mọi điều kiện có thể nhằm sớm "rửa sạch vết nhơ cho bản thân". Cùng với đó, các luật sư của ông Alexei Uliukaiev cho biết, thân chủ của họ không có hành vi sai phạm nào, rằng quyết định triệu tập của tòa án có thể là chiến lược hạ bệ do các đối thủ cạnh tranh chính trị với ông Alexei Uliukaiev tạo dựng lên.
Sau khi bị triệu tập, theo quyết định của Tòa án Tối cao TP Moscow, ông Uliukaiev sẽ bị tạm giam tại gia từ nay cho đến ngày 15/1/2017 để phục vụ cho cuộc điều tra. Trong thời gian bị tạm giam tại gia, bất chấp khuyến cáo của các luật sư rằng ông Alexei Uliukaiev đang bị một số vấn đề về sức khỏe, tòa án vẫn quyết định cấm không được phép bước chân ra khỏi nhà, kể cả trong trường hợp đi dạo quanh khu nhà. Cùng với đó, ông Alexei Uliukaiev cũng bị cấm tiếp xúc với mọi cá nhân, tổ chức bên ngoài, không được sử dụng điện thoại cũng như không được đón tiếp bất kỳ ai trong nhà, ngoại trừ người thân trong gia đình (chỉ bao gồm vợ và các con).
Theo thông tin từ Tòa án Tối cao Moscow, cựu Bộ trưởng Kinh tế Alexei Uliukaiev bị cáo buộc đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình (đứng đầu một trong những bộ quan trọng nhất trong Chính phủ Nga), "ép" Tập đoàn Dầu khí Rosneft phải hối lộ mình với tổng số tiền 2 triệu USD.
Các điều tra viên cho biết đã có ít nhất 2 nhân chứng (chưa được tiết lộ danh tính) và rất nhiều bằng chứng tố cáo hành vi sai phạm nghiêm trọng của ông Alexei Uliukaiev, trong đó có nhiều băng ghi âm, ghi hình xác định rõ hành vi đòi hối lộ của cựu Bộ trưởng Kinh tế Nga.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, lạm dụng chức vụ của mình, ông Alexei Uliukaiev đã ép ban lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Rosneft (Chính phủ Nga nắm giữ 50% vốn) phải chi 2 triệu USD để đổi lấy sự "ủng hộ" trong việc mua lại cổ phần của Công ty Dầu khí Bachneft (100% vốn của Chính phủ Nga). Thậm chí, ông Alexei Uliukaiev còn đe dọa, nếu không chi 2 triệu USD, sẽ sử dụng quyền lực để "phá đám" không chỉ đối với thương vụ mua lại Bachneft, mà còn đối với mọi hoạt động khác của Tập đoàn Dầu khí Rosneft.
Không chịu nổi sự "đe dọa" của Bộ trưởng Kinh tế, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Rosneft đã tố cáo hành vi đòi hối lộ tới các cơ quan chức năng.
Ông Alexei Uliukaiev, khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế Nga (tháng 6/2013), đã khẳng định sẽ làm hết sức mình để cải tổ lại nền kinh tế Nga, vốn đang bị đình trệ. Sau hơn 3 năm "loay hoay" không giúp được nền kinh tế Nga thoát khỏi đình trệ, đến tháng 10/2016, ông Alexei Uliukaiev đề xuất bán một nửa phần vốn của Công ty Bachneft (100% vốn sở hữu của Chính phủ) cho Tập đoàn Rosneft để lấy ngân sách vực dậy nền kinh tế đang bị lung lay bởi sự sụt giảm liên tiếp của giá dầu. Sau khi được Điện Kremlin phê chuẩn, Bộ trưởng Kinh tế Nga đã triển khai ngay thương vụ mua bán này với tổng số tiền thu về cho ngân sách khoảng 5 tỷ USD.
Tuy nhiên, sau khi thương vụ này hoàn thành, nhiều người hoài nghi ông Uliukaiev, một bộ trưởng không có mấy uy tín trong Chính phủ, lại có thể dễ dàng đề xuất và được chấp thuận cho một thương vụ liên quan đến một công ty thuộc hàng "máu mặt" trong nền kinh tế Nga. Không những thế, việc ông Uliukaiev "cả gan" đòi hối lộ đối với Rosneft, nhiều người lại càng không tin. "Có mà điên mới đi đe dọa Tập đoàn Rosneft. Ai cũng biết, Igor Setchine - Chủ tịch Tập đoàn Rosneft là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất nước Nga. 2 triệu USD với Igor Setchine là số tiền nhỏ, nhưng đe dọa, ép buộc ông ta phải chi ra số tiền nhỏ này lại là một chuyện rất lớn", Alexandre Chokhine - Chủ tịch Liên minh Các nhà thầu và công nghiệp Nga khẳng định.
Tháng 6/2016, Nikita Belykh - Thống đốc Vùng Kirov (miền Trung nước Nga), bị bắt quả tang nhận hối lộ 400 nghìn euro từ một doanh nhân, tại một nhà hàng ở TP Moscow.
Trước đó, tháng 3/2015, Thống đốc Vùng Sakhaline (vùng Viễn Đông của Nga) Alexandre Khorochavine, bị bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng. Khám xét nhà riêng và phong tỏa tài sản, cơ quan điều tra thu giữ được rất nhiều tiền mặt và hàng chục căn nhà, xe hơi hạng sang cũng như đồ trang sức quý giá, đắt tiền.
Đến tháng 9/2015, Thống đốc Vùng Komi (vùng Bắc Cực của Nga) Viatcheslav Gaïzer bị bắt giữ vì cáo buộc trốn thuế và rửa tiền.
Không riêng các quan chức chính quyền, ngay cả quan chức quân đội cũng "dính chàm". Tháng 5/2015, Evguenia Vassilieva, cựu nữ tướng trong Bộ Quốc phòng Nga, bị tuyên phạt 5 năm tù giam vì biển thủ, làm thất thoát của ngân sách quốc phòng 328 triệu ruble (khoảng 5 triệu USD). Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng ngồi tù, Evguenia Vassilieva đã được đặc xá trả tự do.
Tháng 8/2015, cựu Tổng Tư lệnh Lục quân Nga Vladimir Tchirkine đã bị kết án 5 năm tù giam vì tội nhận hối lộ 1 triệu ruble (khoảng 15.500 USD) từ một sĩ quan để giúp có được suất nhà công vụ.
Vài vụ tham nhũng bị phát hiện, xử lý nói trên không thể làm người dân Nga bất ngờ bằng vụ một quan chức đứng đầu cơ quan chống tham nhũng lại có hành vi tham nhũng. Đó là trường hợp của cựu quyền Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thuộc Bộ Nội vụ bị cảnh sát bắt giữ hồi giữa tháng 9 vừa qua vì cáo buộc tham nhũng và lạm dụng chức quyền. Khám xét nhà riêng, cơ quan điều tra phát hiện kho tiền mặt khổng lồ (gồm nhiều loại tiền tệ khác nhau) với tổng giá trị ước tính 120 triệu USD. Số tiền này được cất giữ không phải trong những két sắt mà trong những thùng giấy bìa cứng và trong những chiếc cặp nhựa thông thường.
Nhật Minh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ông Benjamin Netanyahu là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội trong lịch sử nước này.
Ngọc Anh
10:45 11/12/2024Bích Tuệ
15:10 10/12/2024Ngọc Anh
11:56 10/12/2024Ngọc Anh
12:58 05/12/2024Đức Anh
14:42 04/12/2024Trung Hà
T.Thanh
Thái Hải
PV
Lâm Ánh
Thanh Giang
P. B
Thu Huyền
Nguyễn Điểm
Nam Dũng
Trần Quý
Chính Bình