Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Anh dự báo những hậu quả của “cơn địa chấn Brexit cứng”

Chủ nhật, 18/08/2019 - 16:55

Những dự báo do Văn phòng Nội các Anh biên soạn đưa ra những hậu quả có khả năng nhất mà “cơn địa chấn Brexit không thỏa thuận” gây ra.

Ảnh minh họa: BBC

Nước Anh sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men nếu rời Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận, gây nhiễu loạn hoạt động tại các cửa khẩu và đứng trước nguy cơ phải tái thiết lập đường biên giới cứng với Cộng hòa Ireland. Đây là một phần nội dung trong tài liệu dự báo của Văn phòng nội các Anh về những hậu quả mà “cơn địa chấn Brexit cứng” có thể gây ra, trong bối cảnh nước Anh vẫn đang bị “giằng xé” trước rất nhiều kịch bản.

Thời báo của Anh cho biết, những dự báo do Văn phòng Nội các Anh biên soạn đưa ra những hậu quả có khả năng nhất mà “cơn địa chấn Brexit không thỏa thuận” gây ra, thay vì nhắc tới “những kịch bản tồi tệ nhất” như trước đây. Theo đó, việc Anh rời Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận sẽ gây nhiễu loạn hoạt động tại các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu giữa Anh và Pháp, nơi 85% xe ô tô chở hàng nhập khẩu của nước này đi qua.

Sự gián đoạn tại các cửa khẩu có khả năng kéo dài tới 3 tháng trước khi lưu lượng giao thông được cải thiện. Nguyên nhân sâu sa của vấn đề bắt nguồn từ chính điều khoản biên giới cứng giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland. Các kế hoạch hiện thời của Chính phủ  nhằm ngăn chặn hoạt động kiểm tra hải quan sẽ không có tác dụng. 

Đây có thể xem là hồ sơ hiếm hoi cung cấp đánh giá toàn diện nhất về sự sẵn sàng của nước Anh nhằm ngăn chặn các nguy cơ đối với cơ sở hạ tầng quốc gia trong trường hợp rời EU mà không có thỏa thuận. Chính phủ Anh đang phải đối mặt với rất nhiều sức ép, từ cả bên trong và bên ngoài. Đó là nguy cơ một cuộc khủng hoảng hiến pháp và cuộc đối đầu không khoan nhượng với Liên minh châu Âu

Thủ tướng Boris Johnson đã nhiều lần tuyên bố sẽ rời khối vào ngày 31/10 tới dù có đạt thỏa thuận hay không, trừ khi khối  này đồng ý đàm phán lại thỏa thuận chia tay. Sau hơn 3 năm Brexit bao trùm mọi vấn đề của EU, khối này kiên quyết từ chối mở lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận chia tay, trong đó có điều khoản chốt chặn cuối cùng nhằm ngăn chặn nguy cơ phải tái thiết lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.

Thủ tướng Boris Johnson tuần tới sẽ gặp các nhà lãnh đạo Pháp và Đức để khẳng định lập trường của nước này rằng, Nghị viện Anh sẽ không thể ngăn chặn được Brexit và một thỏa thuận mới phải đạt được nếu Anh muốn tránh phải rời EU mà không có thỏa thuận: 

“Châu Âu tới nay vẫn kiên quyết không thỏa hiệp mặc dù thỏa thuận chia tay đã bị Nghị viện Anh 3 lần bác bỏ. Và vì vậy, tình trạng này càng kéo dài thì càng có nhiều khả năng chúng ta phải buộc phải rời EU mà không có thỏa thuận. Đây không phải là điều tôi muốn và hướng tới. Song chúng ta cũng cần những người bạn châu Âu của mình phải thỏa hiệp”, Thủ tướng Boris Johnson nói.

Thủ tướng Anh đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng ở trong nước khi thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn hồi tuần này đã công khai thể hiện ý định “lật đổ” Thủ tướng Boris Johnson và đang tập hợp sự ủng hộ của các đảng phái ở trong nước. Mục tiêu là trì hoãn Brexit và ngăn chặn Brexit không thỏa thuận. Tuy nhiên hiện chưa rõ các nhà lập pháp có thể thống nhất được việc sử dụng quyền lực Nghị viện để ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận hay không. Nếu xảy ra thì đây sẽ là sự kiện lần đầu tiên tại Anh kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Những người phản đối “Brexit cứng” cho rằng, điều này nếu xảy ra sẽ là một thảm họa đối với những gì từng được ca ngợi là một trong những nền dân chủ ổn định nhất của phương Tây. Một cuộc chia tay không có trật tự sẽ làm tổn thương sự tăng trưởng toàn cầu, gây hỗn loạn thị trường tài chính và làm suy yếu vị trí của London là một trung tâm tài chính ưu việt của thế giới. Trong khi đó những người ủng hộ thì nói rằng có thể có sự gián đoạn ngắn hạn do kịch bản Brexit không thỏa thuận, song nền kinh tế sẽ phát triển mạnh nếu được giải thoát khỏi điều mà họ cho là một thử nghiệm hội nhập thất bại khiến EU bị tụt hậu so với Trung Quốc và Mỹ./.

Theo Thu Hoài/VOV.VN

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm