Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cảnh báo hình thức tội phạm công nghệ mới: Mời rút tiền qua thẻ tín dụng

Trà Vân

Thứ ba, 18/01/2022 - 20:00

(Thanh tra)- Lợi dụng nhu cầu mua sắm tiêu dùng nâng cao vào cuối năm, nhiều kẻ gian sử dụng chiêu trò giả danh cán bộ ngân hàng để lấy cắp thông tin bảo mật thẻ, tài khoản như mật khẩu và mã số OTP, từ đó chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Một trong những hình thức mới nhất là gọi điện giả danh cán bộ nhân viên ngân hàng mời rút tiền qua thẻ tín dụng, chuyển đổi trả góp.

Muôn mánh lừa đảo

Cuối tháng 10/2021, chị Đỗ Thị Thu H. mở thẻ tín dụng tại ngân hàng V. tại Hà Nội, hạn mức hơn 40 triệu đồng. Điều đáng nói là chỉ vài giờ sau khi nhận được tin nhắn kích hoạt thẻ, chị H. liên tục nhận được các cuộc gọi từ số lạ, tự xưng là nhân viên của ngân hàng để mời chào rút tiền mặt qua thẻ với lãi suất 0%. “Mỗi cuộc gọi là một số điện thoại khác nhau. Có ngày tôi nhận được đến 7 - 8 cuộc gọi và tin nhắn” –  chị H. cho hay. Tương tự, anh Đỗ Đức T. cũng nhận được rất nhiều tin nhắn và mời chào rút tiền mặt từ thẻ tín dụng có nội dung: “Thẻ tín dụng của quý khách được phép ứng tiền mặt không mất phí và hỗ trợ chuyên trả góp. Cần tư vấn call/zalo cho Mai”...

Theo chia sẻ của những khách hàng như chị H., anh T., các đối tượng trên thường yêu cầu khách hàng chụp căn cước công dân và thẻ tín dụng 2 mặt với cam kết “được hỗ trợ rút 90% hạn mức thẻ, sau đó sẽ hỗ trợ chuyển sang tài khoản chủ thẻ để chi tiêu”. Đối tượng, thậm chí, còn thể hiện “sự chuyên nghiệp” khi yêu cầu khách hàng che mã số CCV (mã số xác minh trên thẻ tín dụng) khi chụp ảnh thẻ tín dụng, đồng thời thông báo khách hàng sẽ nhận được một mã hợp đồng gửi đến số điện thoại (thực tế đây là mã số OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng). Nếu khách hàng cung cấp mã số này, kẻ gian sẽ chiếm đoạt tiền qua các giao dịch thanh toán mua sắm online, ví điện tử…

Các cuộc gọi này khiến nhiều khách hàng bức xúc, và đổ lỗi cho ngân hàng làm lộ dữ liệu khách hàng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo cuối năm 2021 từ Bộ Công thương, đây là một thủ đoạn tinh vi của những kẻ tội phạm lừa đảo công nghệ (phisher). Đối tượng này lấy lòng tin của khách hàng do cung cấp được thông tin như hạn mức thẻ tín dụng, số tài khoản, CMND/CCCD mà chúng đánh cắp được thông qua lừa đảo công nghệ. Nếu khách hàng đồng ý sử dụng dịch vụ và cung cấp mật khẩu, mã số OTP, chúng sẽ chiếm đoạt tiền của khách hàng trong tài khoản ngân hàng/ thẻ tín dụng.

Thông điệp từ Bộ Công thương nhấn mạnh, thời điểm cận Tết Nguyên đán là lúc các đối tượng lừa đảo phần mềm độc hại hoạt động mạnh, do đó, người dùng phải thực sự cảnh giác và không cung cấp mật khẩu và mã số OTP nhận được từ ngân hàng cho bất kỳ ai. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng có công văn số 7611/NHNN-TT gửi các ngân hàng thương mại, khuyến cáo về hàng loạt thủ đoạn lừa đảo được tội phạm công nghệ cao áp dụng, nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Khuyến nghị từ ngân hàng

Ngân hàng Techcombank thường xuyên khuyến nghị khách hàng cần cảnh giác trước tình trạng lừa đảo công nghệ cao. Ngân hàng khẳng định: Không cung cấp các dịch vụ chào mời rút tiền mặt từ thẻ tín dụng; không hợp tác với bất kỳ tổ chức tài chính, tín dụng nào chuyển đổi hạn mức tín dụng sang rút tiền mặt trả góp. Ngân hàng cũng không yêu cầu khách hàng phải cung cấp bất cứ thông tin nào liên quan đến số thẻ tín dụng, mật khẩu tài khoản, mã số OTP thông qua điện thoại hay SMS như một số khách hàng đã nhận được. Bên cạnh đó, Techcombank cũng cho biết: Tất cả các giao dịch thẻ thực hiện qua POS [Point of Sale - điểm phân phối hàng hoá bán lẻ] nhưng không phát sinh mua bán hàng hóa dịch vụ [đồng nghĩa rút tiền mặt] là loại hình giao dịch “khống” theo quy định của Ngân hàng nhà nước. Đây là giao dịch bất hợp pháp nên khách hàng cần hết sức cảnh giác.

Khách hàng được khuyến nghị nên gọi điện đến ngân hàng nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường trong giao dịch, sử dụng thẻ và tài khoản. Đối với khách hàng đã cung cấp thông tin thẻ cho kẻ lừa đảo, rủi ro hơn là bị mất tiền, ngân hàng sẽ lập tức hỗ trợ thay đổi mật khẩu truy cập tài khoản/các thủ tục cấp đổi thẻ tín dụng mới theo quy định, đồng thời hướng dẫn khách hàng các thủ tục trình báo cơ quan công an. “Chúng tôi rất mong khách hàng nên chủ động trình báo ra cơ quan công an. Ngân hàng sẵn sàng phối hợp cung cấp thông tin đến cơ quan chức năng để điều tra làm rõ” – đại diện Techcombank nhấn mạnh.

Để bảo vệ cho chính mình, các khách hàng nên lưu ý:

- Luôn xác thực trực tiếp với người đề nghị thực hiện giao dịch, khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, nạp tiền qua các nền tảng mạng xã hội, tin nhắn;

- Nâng cao cảnh giác, không cung cấp mật khẩu tài khoản, thông tin xác thực giao dịch (các loại tin nhắn OTP hoặc Smart OTP) cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng… để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân tài khoản/thẻ và sử dụng trái phép; đồng thời không chia sẻ các thông tin này lên mạng xã hội;

- Thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet banking, Mobile banking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này;

- Tuyệt đối không để lộ thông tin số thẻ, ngày hết hạn và số CVV/CVC (thường ở mặt sau) của thẻ tín dụng cho bất kỳ ai. Nếu nghi ngờ lộ thông tin, khách hàng cần lập tức liên hệ ngân hàng để đóng thẻ, và phát hành thẻ mới. Khách hàng cũng không tự nhập các thông tin này vào các đường link lạ được gửi đến email/số điện thoại/zalo/facebook… của mình, để tránh bị kẻ gian lợi dụng tiêu dùng qua thẻ.

Box

Thực trạng giả mạo nhân viên ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng qua thẻ tín dụng là vấn nạn không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. Forbes dẫn số liệu, năm 2020, Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) đã nhận được hơn 2,1 triệu phàn nàn về tình trạng tội phạm công nghệ cao mạo danh cán bộ ngân hàng để lấy cắp thông tin nhạy cảm như số tài khoản ngân hàng và mật khẩu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

PC Thái Bình nỗ lực làm tốt công tác quản lý vận hành đối với TBA 110 kV thuộc tài sản khách hàng

PC Thái Bình nỗ lực làm tốt công tác quản lý vận hành đối với TBA 110 kV thuộc tài sản khách hàng

(Thanh tra) - Trạm biến áp 110kV Amon Nitrat E11.12 là TBA trực thuộc nhà máy Amon Nitrat - Công ty Hóa chất mỏ Thái Bình được Công ty Điện lực Thái Bình (PC Thái Bình) thực hiện thuê bao quản lý vận hành. Trạm được khởi công xây dựng từ ngày 27 tháng 7 năm 2022 và được đóng điện đưa vào vận hành từ ngày 25/02/2023.

Theo EVNNPC

21:09 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm