Có biểu hiện hợp thức hóa cho vi phạm…

Theo tài liệu, tại khu vực ven Quốc lộ 4B, trên địa bàn xã Tiên Lãng (đoạn từ giáp thị trấn Tiên Yên đến cảng Mũi Chùa) hiện có 11 cá nhân được cho thuê đất sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ (trong đó, có 2 cá nhân đã chuyển nhượng và đăng ký SDĐ là tổ chức).

Tiến hành kiểm tra, xác minh, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh khẳng định, huyện Tiên Yên còn để xảy ra tình trạng cho thuê đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ của Quốc lộ 4B. Đáng nói, đã điều chỉnh diện tích thuê đất, kết thúc sớm thời hạn thuê để gia hạn thuê với mục đích tránh thẩm quyền cho thuê, gia hạn thời gian thuê đất.

Đồng thời, cấp giấy phép xây dựng không đúng mục đích SDĐ; cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa không đúng người và mục đích SDĐ; người SDĐ không sử dụng mà để các doanh nghiệp SDĐ, lấn chiếm đất, không xin cấp phép xây dựng khi thi công công trình, không thực hiện thủ tục về bảo vệ môi trường...

Cụ thể, đối với 10 cá nhân, tổ chức được thuê đất, đang SDĐ (trừ ông Phạm Văn Rực, thôn Thủy Cơ, xã Tiên Lãng), kết luận thanh tra chỉ rõ, cơ quan quản lý Nhà nước huyện Tiên Yên cho thuê đất không căn cứ vào quy hoạch SDĐ thời kỳ 2002 - 2010; quy hoạch SDĐ đến năm 2020 và quy hoạch 3 loại rừng phê duyệt năm 2007 (diện tích cho thuê đều được quy hoạch là đất rừng sản xuất) đối với 9 cá nhân, tổ chức…

Đặc biệt, đối chiếu với: Quy hoạch 3 loại rừng phê duyệt năm 2018; quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm đô thị Tiên Lãng phê duyệt năm 2019; quy hoạch SDĐ thời kỳ 2021 - 2030 thấy, việc cập nhật hiện trạng SDĐ cho thuê vào quy hoạch SDĐ thời kỳ 2011 - 2020 và 2021 - 2030 có biểu hiện hợp thức hóa cho vi phạm khi thực hiện cho thuê đất.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý Nhà nước huyện Tiên Yên đã cấp giấy chứng nhận ghi mục đích SDĐ không đúng loại đất được quy định đối với 10 cá nhân, tổ chức; cho 1 cá nhân thuê đất có một phần diện tích nằm trong hành lang an toàn đường bộ của Quốc lộ 4B.

Cho phép kết thúc sớm thời hạn thuê đất khi chưa đến hạn và điều chỉnh tăng diện tích cho thuê đất đối với 2 cá nhân; điều chỉnh giảm diện tích cho thuê xuống dưới 0,5ha đối với 3 cá nhân, có biểu hiện tránh việc xin ý kiến chấp thuận của UBND tỉnh theo quy định; 1 cá nhân được thuê đất có diện tích lớn hơn 0,5ha nhưng không có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh.

Không chỉ vậy, còn cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng (không có thủ tục thu hồi do tự nguyện trả lại đất); gia hạn thuê đất khi không có hồ sơ thuê đất lần đầu; cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp trái quy hoạch SDĐ đối với 2 cá nhân; cho thuê đất để sử dụng vào mục đích sơ chế gỗ, chế biến dăm gỗ không phù hợp quy hoạch với 3 cá nhân.

Đáng nói, các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai của huyện Tiên Yên qua kiểm tra, nắm tình hình đã biết thực trạng SDĐ, tuy nhiên, vẫn tiếp nhận hồ sơ, cho phép được gia hạn thuê đất; không ngăn chặn kịp thời và xử lý vi phạm về quản lý, SDĐ theo quy.

Đối với người SDĐ, kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, có 9 cá nhân được thuê đất không trực tiếp SDĐ kể từ khi được thuê đất mà để cho các doanh nghiệp SDĐ, thuộc hành vi bị nghiêm cấm theo quy định.

Các cá nhân thuê đất không phát sinh hoạt động kinh tế, không phát sinh thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp kể từ khi được thuê đất đến nay; 8 cá nhân, tổ chức lấn đất hành lang an toàn đường bộ của Quốc lộ 4B; 4 cá nhân, tổ chức chiếm đất do Nhà nước quản lý với tổng diện tích 32.747m2.

Ngoài ra, có 6 cá nhân, tổ chức SDĐ làm bến thủy nội địa không đúng với mục đích SDĐ được thuê, thuộc hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Khoản 3 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013.

Vi phạm quy định bảo vệ môi trường, giao thông đường thủy

Đối với công tác quản lý hoạt động xây dựng, bảo vệ môi trường và quản lý giao thông đường thủy, kết luận thanh tra cũng cho biết, cơ quan quản lý Nhà nước đã cấp giấy phép xây dựng công trình không đúng với mục đích thuê đất đối với 1 cá nhân, tổ chức; cấp giấy phép xây dựng khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công đối với công trình cấp III cho 3 cá nhân; 3 tổ chức, cá nhân thi công công trình, hạng mục công trình khi không có giấy phép xây dựng…

Có 3 cá nhân, tổ chức không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; đặc biệt, là các trường hợp đang có hoạt động trạm trộn bê tông thương phẩm.

8 cá nhân, tổ chức không lập hồ sơ xin chấp thuận xây dựng bến thủy nội địa trước khi triển khai xây dựng công trình theo quy định. Trong đó, có 8 doanh nghiệp, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa khi không có văn bản chấp thuận chủ trương xây dựng bến thủy nội địa; cấp giấy phép cho 6 doanh nghiệp không đúng người SDĐ và mục đích SDĐ ghi trên giấy chứng nhận được cấp.

Riêng đối với trường hợp ông Phạm Văn Rực được thuê đất tại thôn Thủy Cơ, xã Tiên Lãng, kết luận thanh tra cho biết, các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai huyện Tiên Yên đã cho thuê đất không phù hợp với quy hoạch SDĐ thời kỳ 2002 - 2010 và quy hoạch 3 loại rừng; thuộc trường hợp phải thu hồi giấy chứng nhận do không đủ điều kiện cấp. Tuy nhiên, khi phê duyệt quy hoạch SDĐ thời kỳ 2011 - 2020 và thời kỳ 2021 - 2030 và quy hoạch 3 loại rừng năm 2018 đã cập nhật mục đích SDĐ theo dự án của ông Phạm Văn Rực.

Cùng với đó, trình tự, thủ tục chấp thuận, cho phép dự án được thực hiện chưa đúng quy định, thẩm quyền theo quy định; không có biện pháp xử lý kịp thời đối với dự án chậm tiến độ.

Cá nhân ông Phạm Văn Rực chậm triển khai thực hiện dự án (cho thuê đất từ tháng 11/2013), tại thời điểm thanh tra dự án vẫn chưa hoàn thành; tổ chức thi công xây dựng công trình khi chưa có giấy phép xây dựng; xây dựng một phần đoạn tuyến kè ngoài ranh giới diện tích đất thuê; việc SDĐ có thể làm ảnh hưởng đến môi trường khi xả, thoát nước thải trong quá trình xây dựng và hoàn thành dự án khi đưa vào khai thác, sử dụng.

Bài 3: Nhiều tổ chức Đảng và đảng viên bị xử lý kỷ luật

Trọng Tài