Theo dõi Báo Thanh tra trên
Trọng Tài
Thứ sáu, 18/11/2022 - 06:36
(Thanh tra)- Tiến hành thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý đối với 31 dự án (D.A) hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 (Đề án 196) giai đoạn 2016 - 2020 của UBND huyện Tiên Yên, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện nhiều tồn tại, vi phạm.
Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh đề nghị UBND huyện Tiên Yên chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan. Ảnh: Trọng Tài
“Mập mờ” trong biên bản nghiệm thu con giống hỗ trợ
Tiên Yên là huyện miền núi, ven biển nằm ở trung tâm khu vực miền Đông của tỉnh Quảng Ninh. Tổng diện tích tự nhiên 651,7km2, gồm 11 đơn vị hành chính; dân số trên 52.000 người, trong đó, thành phần dân tộc thiểu số chiếm 52,14% dân số. Năm 2021, huyện còn 69 hộ nghèo (46 hộ là người dân tộc thiểu số), 187 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 61,3 triệu đồng/người/năm.
Theo Quyết định 582 ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Tiên Yên có 1 xã và 20 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Năm 2019, địa phương đã hoàn thành Chương trình 135 và đạt chuẩn nông thôn mới (về trước lộ trình theo kế hoạch của tỉnh 1 năm).
Báo cáo của UBND huyện Tiên Yên cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020, huyện có 7 xã, nay là 6 xã (do sáp nhập) được thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 (Đề án 196). Huyện đã triển khai thực hiện 31 D.A hỗ trợ với 720 hộ dân được thụ hưởng. Tổng kinh phí được phê duyệt hơn 15,4 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước gần 7,2 tỷ đồng, hộ dân đối ứng gần 8,3 tỷ đồng; kinh phí quản lý hơn 233 triệu đồng.
Tiến hành thanh tra, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh nhận định, việc triển khai, thực hiện Chương trình 135 (Đề án 196) trên địa bàn huyện Tiên Yên cơ bản đảm bảo kế hoạch đề ra. UBND huyện đã tăng cường phân cấp, trao quyền, phát huy tối đa vai trò chủ động của các địa phương trong thực hiện đề án; công tác giám sát, kiểm tra, hướng dẫn đi vào nề nếp; cộng đồng và người dân đã đồng thuận, chủ động tham gia thực hiện; các xã, thôn đặc biệt khó khăn đã có chuyển biến tích cực về tiêu chí, điều kiện để hoàn thành Chương trình 135…
Bên cạnh đó, UBND các xã được giao làm chủ đầu tư D.A đã lựa chọn đối tượng hỗ trợ đảm bảo tiêu chí, công khai, minh bạch, dân chủ; triển khai thực hiện các D.A hỗ trợ đúng quy trình, quy định; tập huấn kỹ thuật; triển khai giao con giống cho các hộ dân thực hiện mô hình; thực hiện giải ngân nguồn vốn khi đã hoàn thành khối lượng công việc của D.A; cấp đúng, đủ cho đối tượng thụ hưởng; các D.A sau khi triển khai có kiểm tra, giám sát; một số D.A sau hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế và đạt hiệu quả…
Tuy nhiên, đoàn thanh tra cũng chỉ rõ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện D.A của cấp ủy, chính quyền một số xã và các phòng chuyên môn có liên quan có lúc chưa quyết liệt; các D.A sau hỗ trợ có tỷ lệ duy trì phát triển sản xuất thấp (đạt 52%). Việc theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả của các D.A sau khi hỗ trợ của xã, thôn chưa được quan tâm đúng mức; nhiều hộ gia đình nhận hỗ trợ, nhưng chưa duy trì thời gian phát triển sản xuất theo cam kết.
Công tác quản lý, lưu giữ hồ sơ còn tồn tại, hạn chế. Hồ sơ chưa lập danh mục bàn giao đưa vào lưu trữ; một số văn bản lưu trữ chưa đầy đủ chữ ký thành phần tham gia; chưa đóng dấu; đơn đề nghị hỗ trợ không ghi ngày, tháng. Đặc biệt, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, quản lý D.A trước, trong và sau khi triển khai không được lưu trữ trong hồ sơ.
Không chỉ vậy, UBND các xã lựa chọn, chỉ định cá nhân thu gom, cung cấp con giống hỗ trợ phát triển sản xuất (năm 2016, 2017) cho một số D.A thiếu giấy chứng nhận vệ sinh thú y của cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định. Biên bản nghiệm thu con giống hỗ trợ có nội dung chung chung; không rõ ràng, cụ thể con giống hỗ trợ, không định lượng cụ thể nội dung hỗ trợ và đánh giá không đầy đủ phần đối ứng của hộ dân theo D.A được phê duyệt.
Điển hình, tại xã Hà Lâu, đơn đề nghị, cam kết hỗ trợ phát triển sản xuất của 43 hộ dân đề nghị hỗ trợ năm 2016 là 100 con gà/hộ, khi triển khai có sự điều chỉnh (lên 200 con gà/hộ), tuy nhiên, UBND xã không hướng dẫn, phổ biến đến các hộ dân viết đơn đề nghị hỗ trợ bổ sung thêm. Đơn đăng ký đề nghị hỗ trợ năm 2017 của xã Hà Lâu không ghi ngày, tháng đăng ký.
Hay như tại xã Phong Dụ, UBND huyện Tiên Yên đã phê duyệt triển khai thực hiện D.A hỗ trợ mở rộng lần 2 đối với 5 hộ dân của xã (năm 2017), nhưng hồ sơ D.A hỗ trợ không thể hiện việc mở rộng mô hình phát triển sản xuất… Cùng với đó, UBND xã Hà Lâu (năm 2016), xã Đại Dực (năm 2016, 2017) phê duyệt quyết toán không đúng quy định.
Đề nghị kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan
31 D.A hỗ trợ phát triển sản xuất được huyện Tiên Yên triển khai thực hiện từ năm 2016 - 2020, đến nay, chưa phê duyệt quyết toán vốn, điều này chưa đảm bảo quy định tại Thông tư số 15 ngày 15/2/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
Công tác hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá và thẩm định hồ sơ hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, phòng, ban thuộc huyện chưa sâu sát. Do vậy, việc lập hồ sơ triển khai và thanh quyết toán còn sai sót.
Cùng với đó, việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện duy trì mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo thời gian cam kết còn hạn chế, không có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng các hộ dân bán con giống khi chưa đủ thời gian chăn nuôi theo cam kết; công tác đào tạo, tập huấn được cơ quan chuyên môn quan tâm, tuy nhiên, các hộ được hỗ trợ áp dụng, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi chưa hiệu quả.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh, nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, vi phạm trên là do một số cấp ủy, chính quyền cấp xã chưa thật sự quan tâm và quyết liệt trong triển khai thực hiện các D.A; trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ làm công tác giảm nghèo còn hạn chế; việc tuyên truyền, phổ biến chính sách cho người dân chưa hiệu quả.
Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chưa sâu sát; sự phối kết hợp giữa các cơ quan, phòng, ban chuyên môn cấp huyện và các xã chưa chặt chẽ, thường xuyên. Các hộ dân thụ hưởng chính sách đa số là người nghèo, cận nghèo với tư duy manh mún, nhỏ lẻ, tự bằng lòng với hiện tại, không có ý thức vươn lên thoát nghèo; một số hộ dân còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào cơ chế, chính sách, chưa tích cực tham gia D.A…
Trước những tồn tại, vi phạm được kết luận thanh tra chỉ ra, cùng với một số kiến nghị để nâng cao hiệu quả các D.A hỗ trợ phát triển sản xuất, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị UBND huyện Tiên Yên chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan và phải có báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản gửi về Ban Dân tộc tỉnh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thanh tra huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam vừa công bố công khai kết luận thanh tra đột xuất việc thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với người thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư và công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo tại các xã, thị trấn từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/8/2024.
Lâm Ánh
21:37 22/11/2024(Thanh tra) - Qua công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và 3 công ty con, Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện nhiều khoản đầu tư tài chính tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ, mất vốn, đồng thời kiến nghị nộp ngân sách gần 12 tỷ đồng.
Trần Quý
21:00 21/11/2024Cảnh Nhật
19:21 21/11/2024Thu Huyền
20:19 20/11/2024Lâm Ánh
09:00 20/11/2024Cảnh Nhật
08:30 20/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương