Theo Kết luận số 9076 ngày 20/12/2023 của Bộ Công thương, trong phạm vi kiểm tra theo Quyết định số 2313/QĐ-BCT, trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do VEAM cung cấp cho thấy, trong thời kỳ kiểm tra, bộ phận đại diện vốn Nhà nước tại VEAM đã thực hiện chức trách, nhiệm vụ Bộ Công thương giao tại đơn vị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kết quả kiểm tra cho thấy, công tác quản lý, điều hành của người đứng đầu đơn vị tại VEAM còn có một số tồn tại, hạn chế.

Đối với việc thực hiện pháp luật về thanh tra, kiểm tra, trong giai đoạn từ ngày 1/1/2021 đến ngày 30/6/2023, VEAM chưa thực hiện chức năng thanh tra nhân dân theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định số 159/2016/NĐ-CP, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo VEAM giai đoạn 2021 - 2023.

Công đoàn VEAM giai đoạn 2021 - 2023 có trách nhiệm trong công tác chủ trì thực hiện quy trình bầu Ban Thanh tra nhân dân và tham mưu cho Ban lãnh đạo VEAM trong việc thực hiện chức năng thanh tra nhân dân tại đơn vị.

Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra nội bộ tại VEAM giai đoạn 2021 - 2023 chưa bao quát đầy đủ một số công tác khác tại đơn vị (công tác nhân sự, công tác văn thư lưu trữ...).

Theo báo cáo của VEAM, do Công ty VEAM Korea có trụ sở và hoạt động kinh doanh tại Daegu, Hàn Quốc nên việc thực hiện giám sát tài chính trực tiếp đối với đơn vị này chưa thực hiện được.

Tại thời điểm kiểm tra, thiếu hồ sơ, tài liệu giám sát tài chính năm 2019 đối với MATEXIM. Đến thời điểm hiện tại, VEAM còn chưa thực hiện được đầy đủ một số kiến nghị của Bộ Công thương tại Kết luận thanh tra số 3202/KL-BCT.

Về việc thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tại thời điểm kiểm tra, hồ sơ lưu trữ thiếu tài liệu giải quyết đơn tố cáo ngày 8/11/2019 của ông Lê Thế H. - nguyên Phó Trưởng Ban Pháp chế VEAM. Thanh tra Bộ Công thương xác định trách nhiệm thuộc về Tổng Giám đốc VEAM năm 2019 và bộ phận được phân công, xử lý đơn nêu trên.

Kết luận kiểm tra cũng chỉ rõ, tại thời điểm kiểm tra, VEAM chưa ban hành văn bản đôn đốc Công ty CP Vật tư và Thiết bị báo cáo kết quả giải quyết đơn kiến nghị của bà Đỗ Thị Hơn - nguyên Trưởng phòng Tài chính Kế toán tại chi nhánh của công ty.

Qua công tác kiểm tra định kỳ, Bộ Công thương tiếp tục đôn đốc, giám sát VEAM trong việc chấp hành quy định của pháp luật và thực hiện kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền.

Bộ Công thương yêu cầu bộ phận đại diện vốn Nhà nước tại VEAM chấn chỉnh hoạt động dân chủ tại cơ sở, có ý kiến với Hội đồng Quản trị VEAM về việc thực hiện quy trình tổ chức và hoạt dộng của Ban Thanh tra nhân dân theo quy định của Luật Thực hiện Dân chủ tại cơ sở.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện công tác giám sát tài chính và kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật, quy chế của Bộ Công Thương và Điều lệ, quy chế của VEAM; thực hiện giám sát tài chính trực tiếp, chặt chẽ đối với hoạt động của VKAM Korea để đánh giá rủi ro tài chính và có biện pháp giải quyết, bảo toàn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Rà soát, kiểm tra hồ sơ giải quyết đơn thư và lưu trữ theo quy định. Đồng thời, đôn đốc việc xử lý đơn thư tại đơn vị thành viên theo quy định của pháp luật và quy định, quy chế của VEAM; xây dựng Chương trình cụ thể thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị theo quy định; tiếp tục thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của pháp luật và quy chế quản lý người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp của Bộ Công thương.

Căn cứ quy định của pháp luật và Điều lệ của VEAM, Bộ Công thương yêu cầu bộ phận đại diện vốn nhà nước tại VEAM có ý kiến với Hội đồng Quản trị về những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành đã được Bộ Công thương kết luận, đồng thời có biện pháp khắc phục, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật và bảo toàn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

 

Lê Phương