Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 18/10/2024 - 12:41
(Thanh tra) - Đồng bào dân tộc Nùng tại xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ còn lưu giữ, bảo tồn nhiều phong tục, tập quán, tín ngưỡng mang những nét riêng, những bản sắc văn hoá truyền thống đặc sắc góp phần bảo tồn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trở thành tiềm năng lớn thu hút du khách trong và ngoài nước.
“Nghi lễ Hét khoăn” - Lễ mừng sinh nhật của người Nùng. Ảnh: Internet
Xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ không chỉ được biết đến là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, mà còn là vùng đất lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nổi tiếng, những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các tộc người thiểu số gồm 10 dân tộc anh em sinh sống: Dao, Tày, Cao Lan, Mường, Hoa, Paco, Nùng, Sán dìu, Sán Chỉ, Kinh.
Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện có một số dự án về du lịch đã và đang được triển khai thực hiện, nổi bật là Dự án đầu tư xây dựng công trình “Bảo tồn làng văn hoá truyền thống dân tộc Nùng xóm Tân Đô, xã Hoà Bình, huyện Đồng Hỷ” do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, kinh phí trên 10,6 tỷ đồng.
Các hạng mục tiêu biểu là: Xây nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng; bảo tồn, tôn tạo Đình Tân Đô, bảo tồn mẫu nhà truyền thống và một số hạng mục khác. Đường dẫn vào “bản nhà sàn” đi qua những vườn chè xanh mướt mải và cánh đồng ngô bạt ngàn. Xa xa, những nếp nhà sàn lấp ló giữa những màu xanh cây cối bình yên đến lạ.
Theo ông Lê Ngọc Linh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, việc lựa chọn bảo tồn Làng truyền thống dân tộc Nùng xóm Tân Đô, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên phù hợp với mục tiêu, nguyên tắc của Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719; góp phần khơi dậy, hình thành trên địa bàn các dân tộc thiểu số một mô hình khai thác, phát huy tiềm năng từ văn hoá truyền thống tiêu biểu của dân tộc, từ đó nhân rộng, phát triển để xây dựng các làng văn hoá - du lịch, điểm văn hoá du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại làng, bản ở các vùng dân tộc thiểu số.
Đến với xóm Tân Đô, huyện Đồng Hỷ du khách có cơ hội hoà mình vào những lễ hội truyền thống vô cùng phong phú và độc đáo. Nổi bật là lễ hội Đình Tân Đô - lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng, được tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng (Âm lịch). Lễ hội được nhân dân địa phương tổ chức để cảm tạ công lao của các vị thần: Cao Sơn Quý Minh Đại Vương, Đức Ông Tổng Đốc Đô Đốc Đại Thần, Đức ông Linh Vân Kỷ Sỹ đại thần…
Đồng thời đây là dịp để mọi thế hệ người trong vùng đến gặp gỡ, trao đổi, thăm viếng, tìm hiểu với nhau… kết thúc một năm lao động vất vả cực nhọc, bao nhiêu trắc trở của mỗi người, mỗi gia đình đều khép lại, mở ra một năm mới phát tài, ăn nên, làm ra và biết bao nhiêu điều may mắn hạnh phúc đang chờ ở năm mới bình an, phát triển.
“Nghi lễ Hét khoăn” - Lễ mừng sinh nhật của người Nùng thuộc loại hình tập quán xã hội, được người Nùng ở xóm Tân Đô xã Hòa Bình bảo tồn và duy trì từ nhiều đời nay được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Nghi lễ là tập quán lâu đời của người Nùng, không chỉ mang lại niềm vui cho người cao tuổi, mà còn là bài học đạo đức cho thế hệ trẻ về lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ. Đối với người Nùng, đây chính là món quà quý giá nhất của con cháu dành cho ông bà, cha mẹ mình, thể hiện sự kính trọng, hiếu nghĩa của họ với các bậc sinh thành.
Nghi lễ Cấp sắc là di sản phi vật thể tiêu biểu đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Với người Nùng nơi đây, chỉ có những người làm nghề thày cúng mới được Cấp sắc, trước khi được Cấp sắc, người được cấp sắc phải đảm bảo rất nhiều yêu cầu, nhiều tiêu chuẩn khác nhau, phải có đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, khiêm tốn, sống hòa nhã với mọi người.
Lễ cấp sắc thực chất là một cuộc đại diễn xướng bởi nó tập trung khá nhiều hình thức nghệ thuật biểu diễn như hát, khí cụ, sân khấu nhập đồng, trò diễn; sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố trên đã tạo nên sức hấp dẫn của Lễ cấp sắc của người Nùng nói chung cũng như tại xã Hòa Bình nói riêng.
Bên cạnh đó, kho tàng văn hóa nghệ thuật của đồng bào Nùng tương đối phong phú và độc đáo, trong đó phải kể tới những làn điệu dân ca Nùng, làn điệu ru, làn điệu đồng dao, làn điệu then, mo, sliên, tào…, đặc biệt là sli, lượn và cỏ lảu.
Có thể thấy, dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo tồn làng văn hoá truyền thống dân tộc Nùng xóm Tân Đô, xã Hoà Bình, huyện Đồng Hỷ với tiêu chí bảo tồn, tôn tạo một không gian đậm chất truyền thống địa phương, lưu giữ và phát triển những giá trị văn hóa dân tộc hứa hẹn sẽ mang đến một điểm đến văn hoá du lịch đặc sắc cho du khách, từ đó phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Võ Nhai không chỉ là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, mà còn là nơi lưu giữ được nhiều nét văn hóa của đồng bào các dân tộc. Vùng đất này cũng được thiên nhiên ưu đãi ban tặng với nhiều dãy núi đá vôi tạo nên những thắng cảnh tuyệt đẹp. Nổi bật trong đó là thác Mưa Rơi.
(Thanh tra) - Muốn trải nghiệm một địa điểm du lịch mới mẻ, rời xa những xô bồ trong cuộc sống, tìm một chốn bình yên thì trại ngựa Bá Vân, Thái Nguyên sẽ là điểm dừng chân mà du khách không nên bỏ lỡ.
Trần Quý
Kim Thành
Vũ Linh
Hương Giang
Lê Phương
Trần Quý
Hải Viên
Phương Hiếu
Trần Quý
Minh Nghĩa - Đình Thanh
Uyên Uyên
Nam Dũng