Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cao Bằng: Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu

Trung Hà

Thứ sáu, 18/10/2024 - 12:42

(Thanh tra) - Tỉnh Cao Bằng sẽ xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có nhiều người vi phạm nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của lực lượng thực thi công vụ hoặc xử lý không nghiêm minh.

Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Cao Bằng kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: Vũ Tiệp

Để thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý CBCCVC, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn và không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm, ngày 15/10/2024, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Kế hoạch số 2767/KH-UBND.

Bản kế hoạch có các nội dung đáng chú ý, như sau: UBND tỉnh Cao Bằng quán triệt toàn thể CBCCVC trong tỉnh phải gương mẫu trong chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông nói chung và xử lý kỷ luật nghiêm đối với CBCCVC vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm nơi riêng theo đúng quy định.

Trong đó, tập trung xác định việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu của cán bộ trong chấp hành pháp luật về giao thông có ý nghĩa rất quan trọng để định hình lại thói quen chấp hành pháp luật, trước hết là pháp luật giao thông, cũng như các quy định khác của pháp luật trong toàn xã hội.

Tuyệt đối không vì thành tích của cơ quan, đơn vị, địa phương mà xem nhẹ việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông. Nghiêm túc rà soát, đánh giá thực trạng CBCCVC, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng thời gian vừa qua. Từ đó đề ra các giải pháp chấn chỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn trong thời gian tiếp theo.

Phổ biến kế hoạch và bổ sung các nội dung Chỉ thị số 35/CT- TTg vào chương trình công tác chính trị tư tưởng, kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật hằng năm, trong đó chú trọng tuyên truyền về quy định của pháp luật, các mức xử phạt với cảnh báo về nguy cơ tai nạn giao thông do vi phạm quy định về nồng độ cồn phù hợp với đặc điểm cơ quan, đơn vị, môi trường công tác, thực trạng đội ngũ CBCCVC và tập quán địa phương.

Cảnh báo về ảnh hưởng của việc sử dụng đồ uống có cồn đến khả năng điều khiển phương tiện, khả năng điều khiển hành vi khi làm việc với lực lượng thi hành công vụ.

Cảnh báo về trách nhiệm hành chính hoặc hình sự trong việc giao phương tiện cho người mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn điều khiển, gây tai nạn giao thông.

Qua đó, tạo nhận thức đúng đắn cho CBCCVC, chiến sĩ lực lượng vũ trang và hình thành ý thức, thói quen “đã uống rượu, bìa không lái xe”, không để Nhân dân phản ánh về tác phong, văn hóa, ứng xử thiếu chuẩn mực do ảnh hưởng của rượu, bia. 

Khi có thông báo của cơ quan chức năng về việc CBCCVC thuộc phạm vi quản lý vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm, cơ quan quản lý cán bộ căn cứ quy định của pháp luật về kỷ luật CBCCVC và quy định riêng của cơ quan, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý nghiêm theo quy định.

Việc xử lý phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, nghiêm minh, chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nghiêm cấm việc bao che, giấu giếm khuyết điểm cho CBCCVC vi phạm.

Định kỳ hằng năm trao đối kết quả xử lý kỷ luật với cơ quan gửi thông báo vi phạm để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, sẽ xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng CBCCVC có nhiều người vi phạm nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của lực lượng thực thi công vụ hoặc xử lý không nghiêm minh, chưa kịp thời CBCCVC có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm