Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ I: Làng... vô phúc?

Thứ sáu, 22/03/2013 - 06:30

(Thanh tra)- Ấy là làng Hoàng Mai, trên 1.000 năm tuổi, nay thuộc phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Làng có bề dày văn hóa, lịch sử trong những năm dựng nước, chống giặc ngoại xâm phương Bắc đến các năm chống Pháp, đuổi Mỹ và xây dựng đất nước. Nay, TP Hà Nội quy hoạch dự án (D.A) đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) lên nghĩa địa duy nhất của làng, gây bức xúc trong nhân dân. Người dân cần chấp hành mệnh lệnh hay TP cần thay đổi quy hoạch để an lòng dân?

Dưới nấm mồ này là hương hồn của cả một trung đội dân quân, thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: Bắc Hà

Đó là những tâm sự chân thành của các cụ cao niên làng Hoàng Mai với chúng tôi khi trình bày về D.A này. Niềm trăn trở lớn nhất của các cụ đã ở tuổi xế chiều không gì ngoài việc giữ cho được cái nghĩa địa Ao Đường để giữ cho Tổ tiên được yên giấc. Bởi lẽ, nghĩa địa Ao Đường là nơi an nghỉ duy nhất của làng Hoàng Mai sau 9 lần địa phương này buộc phải chạy mả từ các nghĩa địa khác vì nhiều D.A giải phóng mặt bằng xây dựng nhà máy, khu đô thị. Điều đặc biệt hơn nữa, đây là nơi duy nhất ôm trong mình hàng ngàn linh cốt người làng Hoàng Mai suốt nghìn năm nay. Trong đó có mộ tổ họ Vũ Đăng Sĩ Tá Lang (mà hậu duệ là bà Vũ Thị Ngọc Tín - vợ của Thành hoàng làng Hoàng Mai; cụ Trần Hương Hãng, em ruột của Thượng tướng Trần Khát Chân) từ đời nhà Trần, cách đây gần 800 năm; mộ của Cao tổ Lê triều - Phù Nam Hùng Dũng Đại tướng quân gia phong Đại vương, tên tục là Nguyễn Quý Công từ thời hậu Lê, cách đây khoảng 500 năm. Nơi đây cũng là nơi an nghỉ của cả tổ Đảng Tam Mai cùng một trung đội dân quân chiến đấu đến người cuối cùng, tiêu diệt hơn 100 tên lính Pháp. Các liệt sỹ này bị Pháp chất rơm đốt, sau đó được nhân dân góp nhặt tro cốt chôn vào một mộ mang tên hai ông Kỷ - Tuất...

Cụ Nguyễn Xuân Thi, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Hoàng Văn Thụ (thời kỳ 1985 - 1987, nay là phường Hoàng Văn Thụ) cho biết: Hoàng Mai khởi đầu là My Động, là địa danh của một vùng có đông dân cư ở ngoại ô phía Nam Thành Đại La, trước khi vua Lý Công Uẩn định đô, đổi tên là Thành Thăng Long. Năm 1399, Hồ Quý Ly mưu toan cướp ngôi nhà Trần, ép vua dời đô vào Thanh Hoá, anh em Thượng tướng Trần Khát Chân đã đưa gia binh gia tướng ấp Cổ Mai (trong đó Hoàng Mai là làng to nhất ấp) vào Thanh Hoá để bảo vệ vua Trần... Sau này, nhà Hồ đã cho người về tận Hoàng Mai truy sát gia tộc cụ Trần Hương Hãng.

Sóng gió là thế, Hoàng Mai có bao đổi thay cùng lịch sử dân tộc nhưng lòng yêu nước và ý thức dân tộc thì vẫn vẹn nguyên cho đến ngày nay. Thời kháng chiến chống Pháp, giặc Pháp đặt đồn bốt bao quanh, nhưng chỉ riêng Hoàng Mai là chúng không lập được bốt. Đây cũng là nơi đường giao liên an toàn để quân ta đưa bộ đội vào nội đô.

Sau khi giành được độc lập, xây dựng miền Bắc XHCN và cho đến nay, người làng Hoàng Mai vẫn vui vẻ chuyển mộ từ 9 nghĩa địa của làng dồn về Ao Đường để giành đất phát triển Thủ đô: Xây dựng Cty Thi công cơ giới (nay là Liên hiệp các Xí nghiệp Lắp máy); Xí nghiệp Bột Hoàng Mai; Xí nghiệp May Thăng Long; Xí nghiệp Cơ khí Hợp tác xã Tự Cường; Xí nghiệp Tinh dầu cùng các khu tái định cư đường Đại Cồ Việt, Trương Định, tập thể Mai Động và gần đây là Khu đô thị Đền Lừ...

Vào những năm 1970, nghĩa địa Ao Đường có diện tích khoảng 2ha. Khi TP quy hoạch Khu đô thị Đền Lừ 1, Ao Đường mất khoảng 8.000m2. Đến năm 2008, tiếp tục có mặt Khu đô thị Đền Lừ 3 và đường 2,5m mở rộng (là đường nội bộ của Khu đô thị Đền Lừ 2), nghĩa địa Ao Đường mới "nóng bỏng" như bây giờ.

Khi Nhà nước triển khai D.A mở rộng đường 2,5, trước khi chạy qua Ao Đường sẽ cắt mất một phần đầu trên ngoài thì bỗng dưng dừng lại. Theo cụ Hoàng Đình Tiến, nguyên Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ (thời kỳ 1982 - 1992) thì tại sao con đường mở rộng này lại dừng trước khi chạm vào khu nghĩa địa thì không biết, nhưng chắc chắn rằng không phải do người dân chống đối vì xâm phạm vào Ao Đường.

Thời điểm này cũng là lúc người dân biết đến D.A đấu giá QSDĐ tại phường Hoàng Văn Thụ sẽ lấy hết nghĩa địa Ao Đường (được công khai lần đầu tiên tới dân vào buổi họp ngày 14/10/2009). Người làng Hoàng Mai đã tự bầu ra cho mình Ban Đại diện và ngày 11/11/2009 đã chủ động gặp lãnh đạo Quận uỷ, UBND quận Hoàng Mai đề nghị chỉ đạo cắm mốc cho D.A mở rộng đường 2,5m để nhân dân biết, chủ động di chuyển mồ mả. Bên cạnh đó, cũng thống thiết đề nghị xin được Nhà nước cho giữ lại nghĩa địa Ao Đường. Điều mà các cụ Ban Đại diện tiếp thu được trong cuộc gặp này là, những kiến nghị trên thuộc thẩm quyền của TP. Trước khi về, các cụ cũng không quên đề đạt được gặp lãnh đạo TP.

Đầu tháng 12/2009, khi thấy có cán bộ xuống khu nghĩa địa cắm tiêu đường 2,5 mở rộng, dân làng đã chủ động di dời các ngôi mộ nằm trong phạm vi tuyến cắm vào phía trong. Người làm trước thì gặp may, người làm sau mới đưa được tiểu lên bờ, chuẩn bị chuyển xuống huyệt thì diễn ra cuộc cưỡng chế với lực lượng hàng trăm người ngăn cản, đập phá mộ huyệt vào ngày 18/12/2009. Bỗng chốc, cả chục ngôi mộ xây sẵn chờ tiểu trở thành đống gạch. Thậm chí, lực lượng này còn đập luôn 3 ngôi mộ cũ đã nằm đây hàng chục năm rồi khi con cháu đang sang sửa (mộ các cụ Bùi Thị Mão, Ngô Trọng Còm và Doãn Thị Kính). Lý do của cuộc cản trở, đập phá này được ông Nguyễn Tiết Cương, Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ, thông báo là: Vì các hộ xây dựng mồ mả mà không có phép.

Cụ Vũ Đình Dậu, Trưởng Ban Đại diện làng Hoàng Mai nói với chúng tôi trong nước mắt: Người Hoàng Mai chúng tôi yêu nước, một mực theo Đảng và luôn tuân theo quy định của pháp luật. Vì sự nghiệp phát triển của đất nước, của Thủ đô, chúng tôi sẵn sàng bỏ 9 nghĩa địa, ôm linh cốt tổ tiên để về Ao Đường. Nhưng giờ đây, người làng chúng tôi có nguy cơ mất mộ thật rồi vì qua bao lần di chuyển, tiểu chồng tiểu, nhiều ngôi không còn nhớ. Chỉ biết rằng, còn Ao Đường là còn Tổ tiên, chứ chuyển đi rồi, biết tiểu của ai mà nhận. Người xưa thường rủa kẻ để mất mộ là đồ vô phúc. Chẳng lẽ làng tôi... vô phúc thật rồi!

           Bắc Hà


Kỳ II: Những con số biết nói

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

Hậu Giang: Qua thanh tra phát hiện sai phạm hơn 2,6 tỷ đồng

(Thanh tra) - Năm 2024, công tác thanh tra trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát. Các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai thực hiện theo quy định, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

Thu Huyền

21:00 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm