Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kiềm chế CPI ở mức khoảng 7%

Chủ nhật, 03/11/2013 - 06:49

(Thanh tra) - Theo dự báo của Chính phủ trong 3 tháng cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể tăng cao hơn tốc độ tăng những tháng đầu năm. Tuy nhiên, dự báo CPI tháng 12/2013 so cùng kỳ sẽ được kiềm chế ở mức tăng khoảng 7% so kế hoạch là khoảng 8%...

Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thống kê, CPI cả nước tháng 9/2013 tăng 1,06% so với tháng 8/2013. Mặc dù, CPI tháng 9/2013 tăng cao hơn 0,83% CPI tháng 8/2013, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng cùng kỳ tháng 9/2012 là 2,20%. Ngoài 2 nhóm hàng có CPI giảm là Giao thông (giảm 0,24%) và Bưu chính viễn thông (giảm 0,01%), CPI tháng 9/2013 tăng tại 9/11 nhóm hàng cấp I; trong đó, nhóm Giáo dục có mức tăng cao nhất là 9,38% (riêng dịch vụ giáo dục tăng 10,66%); nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,33%, Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,91%, Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,65%, các nhóm còn lại tăng từ 0,04% - 0,29%. 

9 tháng đầu năm 2013, CPI tháng 9/2013 tăng 4,63% so với tháng 12/2012, so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ các năm từ năm 2007 đến nay, đây vẫn là mức tăng thấp nhất, trừ mức tăng tháng 9/2009. So với tháng 12 của năm trước, CPI 9 tháng các năm 2010 - 2012 dao động trong khoảng 6,02% đến 16,63%. Trong đó, chỉ số giá tăng cao ở các nhóm: Thuốc và dịch vụ y tế (tăng 18,67%), Giáo dục (tăng 10,98%); các nhóm còn lại tăng từ 2,18 - 4,87%. Nhóm duy nhất có chỉ số giá giảm là Bưu chính viễn thông giảm 0,51%. 

So với tháng 9/2012, CPI tháng 9/2013 tăng 6,30%. Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2013 tăng 6,83% so cùng kỳ.

Theo nhận định của Chính phủ, bên cạnh tác động của các chính sách chủ động kiềm chế lạm phát, có được kết quả này còn do ảnh hưởng của các yếu tố khác như: Nguồn cung dồi dào cả đối với hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu, trong khi tổng cầu và sức mua vẫn còn yếu.

Dự báo, kinh tế thế giới năm 2013 đã có một số dấu hiệu khả quan, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, tình hình kinh tế thế giới nhìn chung chưa có nhiều cải thiện rõ nét tác động đến kinh tế, xã hội trong nước. Các tổ chức quốc tế (IMF, WB, WTO...) đều hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2013 trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu thấp hơn so với đầu năm.

Kinh tế trong nước 9 tháng đầu năm 2013, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; mặt bằng lãi suất huy động giảm 2 - 3%, lãi suất cho vay giảm 3 - 5% so với đầu năm; nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng được thực hiện, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước (Quý III là 5,54%, Quý II là 5%, Quý I là 4,76%)... 

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa thực sự vững chắc; lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng; sản xuất kinh doanh mặc dù đã có chuyển biến tích cực nhưng tốc độ vẫn chậm; nợ xấu tuy giảm nhưng còn cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Tiêu thụ hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do giá giảm, sức mua giảm, chính sách bảo hộ thương mại của một số thị trường lớn... 

Những tháng cuối năm 2013, mặt bằng giá thị trường có thể chịu tác động của các yếu tố: Giá một số hàng hoá trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cùng với nhu cầu nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất cuối năm có thể tăng, tác động lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước. 

Bên cạnh đó, theo quy luật, trong các tháng cuối năm thường có nhiều yếu tố tạo sức ép tăng tổng phương tiện thanh toán như đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư XDCB từ nguồn vốn ngân sách tập trung, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA; các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, dự trữ chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Dương Lịch và Tết Giáp Ngọ; các biện pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, bảo đảm đạt mục tiêu cả năm là 12%; các giải pháp khuyến khích đầu tư toàn xã hội, các chính sách miễn, giảm, gia hạn, hoàn thuế tiếp tục được thực hiện; sức mua có khả năng thanh toán của các tầng lớp dân cư tăng trong những tháng cuối năm, nhất là thời điểm giáp Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ 2014; tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên vật nuôi chưa được khống chế hoàn toàn... tạo sức ép đẩy mặt bằng giá tăng.

Tuy nhiên, cung cầu hàng hoá trong nước vẫn cơ bản ổn định; giá một số hàng hóa thiết yếu có xu hướng ổn định hoặc giảm như lúa, gạo, đường, thức ăn chăn nuôi, xi măng, LPG... cùng với việc các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường, giá cả; Chương trình bình ổn thị trường tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, và một số địa phương tiếp tục được triển khai thực hiện... sẽ là yếu tố quan trọng góp phần bình ổn mặt bằng giá trong tháng 10/2013. 

Theo Chính phủ, trong 3 tháng cuối năm, CPI có thể tăng cao hơn so với tốc độ tăng của những tháng đầu năm do tác động bởi một số yếu tố như: Tăng giá năng lượng điện, than, xăng dầu; giá dịch vụ y tế, giáo dục; ảnh hưởng của thiên tai... Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng cầu vẫn còn yếu, năng lực sản xuất khá dồi dào, các chỉ số tăng trưởng tín dụng ở mức thấp... dự báo, CPI tháng 12/2013 so với cùng kỳ năm trước sẽ được kiềm chế ở mức tăng khoảng 7%, so kế hoạch đề ra là khoảng 8%.


N.L

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm