Tham nhũng làm trầm trọng thêm các tác động của phân biệt đối xử. Mối quan hệ giữa tham nhũng và phân biệt đối xử sẽ là nội dung nghiên cứu điều tra của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) trong thời gian tới.

Những ngày qua, báo chí trong nước và truyền thông thế giới tràn ngập thông tin về vụ cảnh sát đè cổ gây chết người da đen tên George Floyd ở Mỹ. TI cũng đã kịch liệt lên án nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ, là nguyên nhân chính dẫn tới sự phẫn nộ và những cuộc biểu tình trên khắp đất nước này trong suốt gần 2 tuần qua.

Bất chấp bị cảnh sát tấn công, phun hơi cay, bị bắt giữ trong khi đại dịch chết người Covid-19 vẫn rình rập, người Mỹ ở các thành phố lớn liên tục xuống đường tuần hành, yêu cầu chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc, sự tàn bạo của cảnh sát.

Thảm kịch của George Floyd cũng truyền cảm hứng cho nhiều cuộc tuần hành ở các thành phố khác trên thế giới - nơi hàng nghìn người phản đối sự bất bình đẳng về chủng tộc và sự lạm dụng quyền lực của cảnh sát.

Tại Đức, cảnh sát cho biết khoảng 20.000 người tham gia biểu tình ở các thành phố Frankfurt và Cologne. Hàng chục nghìn người cũng tuần hành tại Pháp, trong khi tại Tunisia nhiều người hô vang khẩu hiệu “chúng tôi muốn công lý, chúng tôi muốn thở”.

Tại Seoul (Hàn Quốc), nhiều người mặc đồ đen, đeo khẩu trang đen và cầm biểu ngữ với nội dung ủng hộ phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc. Nhiều người tại Hồng Kông, chủ yếu là sinh viên quốc tế, hôm 7/6 tập trung dưới mưa trước Lãnh sự quán Mỹ để biểu tình và giơ cao hình ảnh của nạn nhân Floyd cùng biểu ngữ “người da đen đáng sống”.

TI trích dẫn số liệu nghiên cứu cho thấy, ở Mỹ, người da đen có khả năng bị cảnh sát giết chết cao gấp 3 lần so với người Mỹ da trắng.

Trong tổng số vụ cảnh sát giết người giai đoạn từ năm 2013 - 2019, 99% vụ sỹ quan cảnh sát có liên quan không bị buộc tội.

Báo cáo Phong vũ biểu tham nhũng tại Mỹ năm 2017 của TI cũng cho thấy, gần 1/3 số người Mỹ da đen cho rằng, cảnh sát rất tham nhũng, trong khi con số này tính trên tổng dân số (cả người da đen và da trắng) là 1/5.

Theo TI, tham nhũng làm trầm trọng thêm các tác động của phân biệt đối xử. Tuy nhiên, trên thực tế, mối quan hệ giữa 2 hiện tượng vẫn còn được đánh giá thấp. "Đây sẽ là điều chúng tôi dự định điều tra kỹ lưỡng trong những tháng tới", TI cho biết.

Cũng theo TI, vấn đề lạm dụng quyền lực trong cảnh sát diễn ra dưới nhiều hình thức và không phải chỉ xảy ra ở Mỹ.

Tại Nigeria, vấn đề cấp thiết hiện nay là cần cải cách công cụ hỗ trợ người dân báo cáo các hành vi lạm dụng của cơ quan thực thi pháp luật. Chỉ trong 2 tuần đầu tiên của lệnh phong tỏa do virus corona ở Nigeria, số vụ tử hình ngoại tụng (không ra xét xử trước tòa) nhiều hơn số ca tử vong bởi Covid-19.

Trên khắp châu Phi, người dân nghĩ rằng, cảnh sát là tổ chức tham nhũng nhất ở đất nước họ. Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu - khu vực châu Phi năm 2019 của TI cho thấy, 47% người châu Phi tin rằng, hầu hết hoặc tất cả cảnh sát đều tham nhũng; 28% cho biết, họ đã trả tiền hối lộ cho cảnh sát trong thời gian 1 năm trước.

Cảnh sát cũng là lực lượng được cho rằng có tỷ lệ nhận hối lộ cao nhất trong cuộc điều tra của TI tại khu vực Mỹ Latin và vùng Caribbean cũng như khu vực Trung Đông và Bắc Phi, với lần lượt  24 và 22% người dân cho biết đã chi hối lộ cho một nhân viên thực thi pháp luật trong 1 năm qua.

Làm sao để người dân không phải lo sợ cho cuộc sống hoặc sinh kế của mình khi gặp một sỹ quan cảnh sát? Theo TI, cần những thay đổi cơ bản mang tính hệ thống, bao gồm cải cách chống tham nhũng, nhằm ngăn chặn sự lạm dụng của cảnh sát. Các nhà lãnh đạo quốc gia cần thể hiện ý chí chính trị để ưu tiên những cải cách giúp mang lại công lý thực sự cho các nạn nhân của cảnh sát tham nhũng và buộc họ phải chịu trách nhiệm.

Hoài Phương