Tham nhũng làm xói mòn lòng tin của người dân đối với khu vực công vốn được cho là hành động vì lợi ích của người dân. Tham nhũng cũng gây lãng phí những khoản thuế đã được phân bổ cho các dự án phát triển quan trọng về cơ sở hạ tầng, giáo dục, tiến bộ kinh tế và các hoạt động cho thanh - thiếu niên thông qua giáo dục, cơ hội kinh doanh khởi nghiệp, cũng như cung cấp các dịch vụ cơ bản cho cộng đồng địa phương.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tài chính châu Phi diễn ra ở London (Anh) năm 2019, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết, tham nhũng đã gây thiệt hại cho Nam Phi lên tới hàng nghìn tỷ Rupi - một số tiền đáng kinh ngạc, lẽ ra có thể tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trẻ tuổi trên cả nước.

Những bất thường bị cáo buộc gần đây và sự độc quyền trong việc trao thầu mua sắm thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) ứng phó với COVID-19 có chung một mẫu số: Tham nhũng. Những hành vi phạm tội này cũng đã đặt ra những tiền lệ không mong muốn. Nó đánh cắp khát vọng của những người trẻ tuổi muốn dấn thân vào kinh doanh, khởi nghiệp hay lãnh đạo tư tưởng, khi những kẻ tham nhũng làm giàu cho bản thân thông qua các quy trình đấu thầu đầy thiếu sót và những bất thường khác.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, Nam Phi vẫn thiếu dữ liệu rõ ràng về mức độ và bản chất của tội danh tham nhũng, vì các vụ án tham nhũng thường được đặt trong danh mục tội phạm thương mại. WB cho rằng, sự gia tăng những trường hợp bị cảnh sát điều tra có thể làm giảm nhận thức về sự miễn trừng phạt với các hành vi tham nhũng.

Nam Phi hiện đang phải đối mặt với cùng lúc nhiều thách thức. Đó là: Đói nghèo, bất bình đẳng, tiếp cận kém với nền giáo dục đầy đủ và ít cơ hội khởi nghiệp. Thách thức tăng lên khi Covid-19 xuất hiện và song hành với sự bất thường và trao thầu không đúng cách để làm giàu cá nhân trong bối cảnh khó khăn.

Điều gì sẽ xảy ra khi tham nhũng tràn lan và tiền công bị cướp đi, trong khi Nam Phi đang dần cạn kiệt các nguồn lực và không còn nơi nào để xoay xở?

Trong Tháng Thanh niên Nam Phi này, các cơ hội khởi nghiệp vẫn bị hạn chế. Nhiều hứa hẹn về phát triển những người trẻ tuổi được đưa ra, nhưng không mấy lời hứa được biến thành hành động. Nghèo đói vẫn là một nhức nhối, thất nghiệp vẫn ở mức độ cao, bất bình đẳng và kém khả năng tiếp cận các cơ hội nghề nghiệp khó có thể mang tới cuộc sống tốt hơn cũng như khó giải phóng nền kinh tế.

Virus corona đang thay đổi cuộc sống của người dân và nền kinh tế Nam Phi, vẽ ra một tương lai ảm đạm mà những người trẻ tuổi phải đối mặt. Trong bối cảnh ấy, cần suy ngẫm thực sự nghiêm túc về tương lai của giới trẻ. Họ cần có sự tham gia vào việc điều phối, thực hiện các chính sách quan trọng để giải quyết những thách thức đối với họ.

Năm 2020 có thể là một năm nhiều thảm họa, nhưng cũng có thể là thời điểm để nhấn nút tái khởi động. Đầu tư vào giới trẻ cần phải được chú trọng.

Thất nghiệp

Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Nam Phi trong độ tuổi 15-34 là 38,2%. Cứ 3 thanh niên trong lực lượng lao động thì có ít nhất 1 người không có việc làm, theo số liệu quý đầu tiên của năm 2018.

Tình trạng thất nghiệp ở thanh niên đã trở thành cuộc khủng hoảng ở Nam Phi trong nhiều năm. Thanh niên ở độ tuổi 15-24 là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, với tỷ lệ thất nghiệp là 55,2% trong quý 1 năm 2019.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ thất nghiệp của Nam Phi được dự báo là 35,3% vào tháng 12 năm 2020, tăng so với tỷ lệ 28,7% cùng kỳ năm 2019.

Châu Á và châu Phi là 2 khu vực có dân số trẻ cao nhất. Khoảng 62% thanh niên trên thế giới sinh sống ở châu Á. Châu Phi đứng thứ 2 về tỷ lệ người trẻ tuổi.

Giáo sư Vimal Ranchhod của Đơn vị Nghiên cứu Lao động và Phát triển Nam Phi thuộc Đại học Cape Town cho biết, nếu mọi người không sẵn sàng đầu tư vào một quốc gia thì hầu như không thể tạo ra việc làm mới. Với tỷ lệ thanh niên chiếm gần một nửa dân số Nam Phi, lực lượng này phải chịu gánh nặng của thất nghiệp.

Theo nhà tuyển dụng Lulaway, trên thực tế, trong các thời điểm luôn có sự dư thừa của các vị trí việc làm, nhưng lại không có đủ nguồn lực và chiến lược dành riêng để bảo đảm sự lâu dài của công việc. Vì vậy, điều quan trọng là phải ưu tiên các chiến lược và kế hoạch đầu tư để bảo đảm việc làm bền vững cho thanh niên. Những chính sách mới để phát triển một môi trường trong lành cho đầu tư và tăng trưởng kinh tế phù hợp với giới trẻ cũng cần được ưu tiên.

Bài toán thất nghiệp của thanh niên chỉ có thể được giải quyết khi Nam Phi có một đội ngũ lãnh đạo phù hợp, và công dân học cách để làm việc cùng nhau.

Các cơ hội khởi nghiệp

Kho bạc quốc gia Nam Phi cho biết, tăng trưởng GDP của nước này chậm lại từ 1,3% trong năm 2017 còn 0,7% trong năm 2018. Mức tăng trưởng thấp này cho thấy cơ hội việc làm chưa được tạo ra. Thay vào đó, nhiều người trẻ đã chọn thử sức với kinh doanh khởi nghiệp.

Phó giáo sư Jacqui Kew của Đại học Kế toán tại UCT cho biết, các lĩnh vực chính thức và khu vực công không tạo ra đủ việc làm, và như vậy, cần tập trung vào việc thúc đẩy tinh thần kinh doanh, hành vi dám nghĩ dám làm và văn hóa doanh nghiệp hỗ trợ khát vọng của các cá nhân trẻ tuổi.

Trong khi đó, phổ biến tình trạng nguồn tài chính dành cho khởi nghiệp không đủ và cần được bổ sung. Đáng nói, Cơ quan Phát triển Thanh niên Quốc gia (NYDA) là đơn vị rất quan trọng để hỗ trợ doanh nhân trẻ. Tuy nhiên, chính cơ quan này lại bị cáo buộc tham nhũng, có sai phạm trong quản lý và sử dụng sai công quỹ. Như vậy, làm thế nào để tinh thần kinh doanh trong giới trẻ có thể phát triển mạnh trong những điều kiện này?

Theo tiến sỹ Sam Koma - một nhà nghiên cứu tại Trường Kinh doanh Milpark, “các tổ chức phát triển tài chính như Tổng Công ty Phát triển Công nghiệp, Cơ quan Tài chính Doanh nghiệp nhỏ và các ngân hàng thương mại nên bắt đầu thiết kế và tiến hành các gói tài trợ đặc biệt nhằm tạo điều kiện cho thế hệ doanh nhân trẻ có nhu cầu tài trợ để khởi động doanh nghiệp của họ trong lĩnh vực sản xuất, viễn thông, dịch vụ tài chính, bán lẻ, nông nghiệp và khai khoáng. Các doanh nghiệp trẻ không nên vội chán nản khi bị từ chối các ý tưởng, kế hoạch kinh doanh và thất bại".

Khởi nghiệp trong nước tác động đến tăng trưởng kinh tế quốc gia. Nền kinh tế nói chung sẽ gặt hái được những lợi ích từ việc đầu tư nghiêm túc để giải phóng giới trẻ Nam Phi. Do đó, đầu tư cho thanh niên và kêu gọi khởi nghiệp để tạo việc làm và phát triển các hoạt động kinh tế bao trùm phải là một phần của các chính sách chuyển đổi kinh tế. Điều này đòi hỏi sự hợp tác mạnh mẽ giữa giáo dục, khu vực tư nhân và khu vực công cũng như các tổ chức tài chính.

Tổng thống Nam Phi khẳng định xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, trục lợi

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 5/8 cảnh báo, sẽ trừng trị nghiêm những quan chức, doanh nhân bị cáo buộc làm giàu bất chính bằng các hành vi tham nhũng và trục lợi trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.

Thời gian qua, nhiều khiếu nại, tố cáo đã được gửi đến các cơ quan chức năng Nam Phi liên quan đến hành vi tham nhũng trong sản xuất khẩu trang, phân phối thực phẩm cứu trợ của Chính phủ và bòn rút tiền được dành để sử dụng trong các chiến dịch nâng cao nhận thức về SARS-CoV-2.

Nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Nam Phi cho biết, Tổng thống Ramaphosa khẳng định hành vi tham nhũng trong thời kỳ thảm họa quốc gia là một loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và thủ phạm sẽ bị xử lý một cách nghiêm khắc, không khoan nhượng.

Theo ông Ramaphosa, rất khó chấp nhận những hành vi như tăng giá khẩu trang y tế tới 900%. Ông cũng lên án các hành vi tham nhũng của nhiều quan chức chính quyền địa phương như biển thủ thực phẩm khẩn cấp dành cho người nghèo, hay hành vi chiếm đoạt những thùng lớn trữ nước hỗ trợ cộng đồng đang gặp khó khăn để dùng cho gia đình mình. Những hành vi này là “không có lương tâm”.

Hoài Phương