UBND tỉnh và các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc kế hoạch PCTN năm 2021 và các nhiệm vụ khác có liên quan theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều biện pháp phòng ngừa theo quy định của Luật PCTN năm 2018 và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai thực hiện đồng bộ, bài bản, có hiệu quả hơn trước. Qua công tác thanh tra, điều tra, giải quyết tố cáo của công dân đã phát hiện, xử lý kịp thời một số vụ việc, vụ án tiêu cực, tham nhũng; hiệu quả xử lý thu hồi tiền, tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực.

Phát huy những ưu điểm, kết quả đạt được trong công tác PCTN thời gian qua, trong năm 2022, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Tiếp tục chú trọng phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân

Các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về PCTN bằng nhiều hình thức phù hợp, bảo đảm có hiệu quả. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo đưa nội dung PCTN vào giảng dạy trong các trường THPT trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về PCTN nhằm góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận, quan tâm, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh về quyết tâm và những nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác PCTN.

2. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện thường xuyên, kiên quyết, đồng bộ, bảo đảm có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN

Các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện thường xuyên, kiên quyết, phù hợp, bảo đảm có hiệu quả các nhiệm vụ, biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là biện pháp phòng ngừa đã được quy định cụ thể trong Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/9/2019, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Gắn việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của pháp luật với việc quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Người đứng đầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị phải xác định công tác PCTN là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; gương mẫu, quyết liệt chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp PCTN trong phạm vi thuộc thẩm quyền quản lý; xem xét, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định các trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu giám sát, kiểm tra, thanh tra, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

3. Chỉ đạo tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, giải quyết tố cáo, điều tra phát hiện, xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng

Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện tốt Kế hoạch thanh tra năm 2022, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật, có phát sinh khiếu nại, tố cáo của công dân; kịp thời chỉ đạo thanh tra đột xuất những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đơn thư tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan đến hành vi tiêu cực, tham nhũng, đồng thời thực hiện tốt quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc bảo vệ người phát hiện, người tố giác, người đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Chú trọng chỉ đạo, tổ chức thực hiện thường xuyên, có hiệu quả công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý những vụ việc tham nhũng đã phát hiện. Thực hiện kiên quyết các biện pháp thu hồi tiền, tài sản tham nhũng theo tinh thần Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 04-KH/TU ngày 05/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

4. Tăng cường quản lý nhà nước; quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng có liên quan; phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể, cơ quan báo chí và Nhân dân trong PCTN

Các ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về PCTN, tập trung vào việc ban hành văn bản chỉ đạo; tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới trong việc thực hiện pháp luật về PCTN; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo về công tác PCTN theo quy định.

Chỉ đạo tăng cường quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin về PCTN giữa các cơ quan chức năng có liên quan, nhất là trong việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.

Thực hiện tốt công tác phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận, các đoàn thể quần chúng, cơ quan báo chí, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và Nhân dân giám sát, tích cực tham gia thực hiện các quy định của pháp luật PCTN.

Hạ Vy