Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cơ quan chức năng nói gì về vụ đấu thầu 1.530 bồn nước có nhiều khuất tất

Minh Tân

Thứ hai, 11/03/2024 - 17:36

(Thanh tra) - Theo cơ quan chức năng, vụ việc đấu thầu hơn 1.530 bồn nước hỗ trợ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã có một số bất cập, thiếu sót. Chưa kể, qua tìm hiểu của phóng viên, cũng liên quan đến gói thầu mua sắm bồn nước khác trên địa bàn huyện Hướng Hóa có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong đấu thầu.

Vụ đấu thấu hơn 1.530 bồn nước tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình Mục tiêu Quốc gia. Ảnh: Minh Tân

Nhiều vi phạm

Ngày 29/2/2024, Báo Thanh tra đã có bài viết “Kiểm tra, làm rõ việc đấu thầu mua sắm hơn 1.530 bồn nước”, trong đó phản ánh gói thầu “Mua sắm bồn nước thực hiện nội dung số 2: Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán thuộc Dự án 1 - Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi” do Phòng Dân tộc huyện Hướng Hóa làm chủ đầu tư, đã khiến dư luận quan tâm.

Không chỉ việc nhà thầu trúng thầu lại có giá dự thầu cao nhất (gần 4,6 tỷ đồng) mà còn nhiều vấn đề sai phạm, thiếu sót cần được làm rõ. Bức xúc về vấn đề này, Cty TNHH MTV Sơn Hà Nghệ An (Cty Sơn Hà Nghệ An) - nhà thầu có giá dự thầu thấp nhấp (hơn 3,18 tỷ đồng) đã có văn bản kiến nghị làm rõ kết quả trúng thầu.

Chưa kể, ngày 12/12/2023, chủ đầu tư đã ký hợp đồng với đơn vị trúng thầu, nhưng mãi đến ngày 15/12/2023 mới đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Quảng Trị, đối với quy trình lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu đấu thầu rộng rãi quy định tại khoản 1, Điều 38 Luật Đấu thầu năm 2013, thì việc ký hợp đồng trước thời điểm công khai kết quả lựa chọn nhà thầu là chưa phù hợp theo trình tự.

Ngày 12/12/2023, chủ đầu tư ký hợp đồng, ngày 15/12/2023 mới đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, và chỉ 1 ngày sau (ngày 16/12/2023), nhà thầu trúng thầu đã cung cấp bồn nước cho người dân. Ảnh: Minh Tân

Không chỉ vậy, trong E-HSMT (hồ sơ mời thầu qua mạng) vẫn “cài cắm” nhiều “tiêu chí riêng” khiến nhà thầu có giá dự thầu thấp nhất bức xúc. Cụ thể, tại E-HSMT yêu cầu nhà thầu cam kết phải có mặt trong thời gian không quá 5-12 giờ kể từ khi nhận được thông báo của chủ đầu tư hoặc các gia đình hưởng lợi từ dự án để thực hiện bảo hành và hỗ trợ kỹ thuật.

Dù đây là gói thầu mua sắm, tuy nhiên trong E-HSMT lại yêu cầu: “Nhà thầu phải bố trí tối thiểu 1 cán bộ có chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên được đào tạo chuyên ngành cấp thoát nước”.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Trị, với quy định trên, trường hợp gói thầu có các dịch vụ liên quan có yếu tố đặc thù, phức tạp cần thiết phải có nhân sự có trình độ, hiểu biết, nhiều kinh nghiệm đảm nhận thì có thể đưa ra yêu cầu về huy động nhân sự chủ chốt để thực hiện các công việc đặc thù, phức tạp này.

“Tuy nhiên, chủ đầu tư, bên mời thầu phải bảo đảm việc yêu cầu huy động nhân sự chủ chốt không dẫn đến làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”, đại diện Sở KH&ĐT cho biết.

Ngoài ra, tại Khoản 5, Điều 25 Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT quy định: “Trường hợp E-HSMT có các nội dung dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 12 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP nêu tại Phụ lục 9 (yêu cầu về nhân sự chủ chốt đối với phần công việc cung cấp hàng hóa) ban hành kèm theo thông tư này, thì bên mời thầu, tổ chuyên gia không được loại bỏ E-HSDT (hồ sợ dự thầu qua mạng) không đáp ứng các nội dung này.

Thêm gói thầu nghi vấn khác

Dù đã bổ sung các nội dung, giải trình các vấn đề có liên quan, nhưng tổ chuyên gia chấm thầu loại bỏ nhà thầu ở các bước khác nhau đối với Cty Sơn Hà Nghệ An.

“Vì sao cần phải quy định nhiều điều kiện ràng buộc trong E-HSMT để hạn chế năng lực của nhà thầu, trong khi đây là gói thầu mua sắm và không cho các nhà thầu bổ sung hồ sơ với mục đích là làm lợi cho ngân sách Nhà nước”, ông Phạm Thế Hùng, Giám đốc Cty Sơn Hà Nghệ An bức xúc.

Ngoài ra, theo Sở KH&ĐT, việc chủ đầu tư là Phòng Dân tộc huyện Hướng Hóa chỉ định thầu 2 công ty lập E-HSMT và đánh giá E-HSDT thẩm định kết quả khi chưa được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu, là chưa phù hợp quy định tại điểm c, Khoản 2, Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013.

Qua tìm hiểu của PV, liên quan đến gói thầu mua sắm hàng hóa: “Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2022”, do Phòng Dân tộc huyện Hướng Hóa làm chủ đầu tư trong năm 2022, cũng bộc lộ nhiều vấn đề nghi vấn khác.

Theo đó, gói thầu thực hiện việc mua sắm 332 bồn nhựa 1000L ngang, 260 ống nước nhựa u-PVC phi 34C1. Công ty Cổ phần đầu tư công nghệ Việt Nhật (có địa chỉ tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) đã trúng thầu với giá gần 930 triệu đồng.

Thế nhưng, tại gói thầu trên, trong E-HSMT, tại mục 1.2 Chương V Yêu cầu về kỹ thuật, chủ đầu tư lại nêu rõ tên 1 hãng cung cấp bồn mà không hề yêu cầu thêm mặt hàng tương đương.

Nhiều gói thầu trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình, với sự xuất hiện của các nhà thầu quen thuộc. Ảnh: Minh Tân

“Đối chiếu theo các quy định, HSMT không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa. Việc nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ, hàng hoá trong HSMT đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế là hành vi bị cấm trong đấu thầu, được quy định tại điểm i, Khoản 6, Điều 89 Luật Đấu thầu năm 2013”, đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết thêm.

Liên quan đến gói thầu mua sắm hơn 1.530 bồn nước, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Được biết, trong thời gian qua, nhiều gói thầu liên quan đến Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, tỉnh Quảng Trị đã được Cty TNHH Đinh Phúc Nhân mời thầu, với sự tham gia của các nhà thầu quen thuộc và đã trúng thầu, như: Cty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ Việt Nhật, Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trường Xuân, và Cty TNHH Giống cây trồng vật nuôi Tân Thành.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thương mại Nhật Anh: Có thời điểm hơn 73% tài sản nằm ngoài công ty, doanh thu vài trăm tỷ, lãi vài trăm triệu đồng

Thương mại Nhật Anh: Có thời điểm hơn 73% tài sản nằm ngoài công ty, doanh thu vài trăm tỷ, lãi vài trăm triệu đồng

(Thanh tra) - Với số lao động đăng ký vỏn vẹn có 5 người, tuy nhiên ít ai biết rằng, trong khoảng 2 năm qua, Thương mại Nhật Anh là nhà thầu quen mặt tại Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông, khi doanh nghiệp chỉ tham gia các gói thầu do Ban Duy ty mời thầu.

Thanh Giang

08:00 15/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm