Sau rất nhiều lần gửi đơn đến UBND phường, UBND quận mà không được thụ lý, bà Loan đã gửi đơn vượt cấp đến TP và các cơ quan Trung ương. 

Theo đó, liên tục từ năm 2006, UBND TP Hà Nội, Trụ sở Tiếp Công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản chuyển đơn về Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân để chỉ đạo giải quyết, như: Văn bản số 16/PCĐ-HĐND, Văn bản số 69/HĐ của HĐND TP Hà Nội; Văn bản số 13/HD/VPTU của Thành ủy Hà Nội; các Văn bản số 09/GB-BTCD, số 09/GB-BTCD, số 4532/UBND-BTCD của UBND TP Hà Nội; các Văn bản số 1143/TDTW, số 3093/TDTW, số 1333/TDTW của Trụ sở Tiếp Công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước… Tuy nhiên, tất cả văn bản này đều không được thực hiện. 

Ngày 15/6/2012, tại Văn bản số 4532, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ: Tại buổi tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo TP tháng 5/2012, bà Nguyễn Thị Kim Loan trú tại số 34, ngõ 11, tổ 82, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân phản ánh, UBND quận Thanh Xuân chưa xem xét, ban hành quyết định giải quyết đối với bà liên quan đến việc tranh chấp đất đai với gia đình ông Nguyễn Văn Ngân, việc kéo dài nhiều năm, vi phạm thời hạn giải quyết theo qui định của Luật KN, tố cáo. Về nội dung trên, UBND TP đã có các Thông báo số 238 ngày 23/8/2011, số 305 ngày 25/10/2011, số 336 ngày 22/11/2011 chỉ đạo đôn đốc, nhưng đến nay, UBND quận Thanh Xuân chưa có văn bản trả lời công dân, báo cáo TP biết kết quả giải quyết. UBND TP yêu cầu quận Thanh Xuân khẩn trương kiểm tra, giải quyết dứt điểm KN của công dân theo thẩm quyền, đúng qui định của pháp luật, có văn bản trả lời công dân, báo cáo TP trước 25/6/2012.

Tuy nhiên, thêm một lần nữa, thời hạn này được… bỏ qua. Phải đến tận 9/11/2012, ông Đặng Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân mới ký Văn bản số 968/UBND-TN&MT gửi bà Loan về giải quyết tranh chấp đất đai tại tổ 82, phường Khương Trung. Văn bản 968 nêu: “Ngày 1/11/2012, UBND quận Thanh Xuân nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Kim Loan KN về việc tranh chấp đất đai tại số 45, ngõ 11, tổ 82, phường Khương Trung. Dựa vào các giấy tờ mà gia đình bà Nguyễn Thị Kim Loan và ông Nguyễn Văn Ngân trình bày thì thấy rằng bà Loan và ông Ngân không có đủ giấy tờ hợp pháp để chứng minh quyền sử dụng đất nên UBND quận không có cơ sở để giải quyết tranh chấp cho 2 gia đình. Trong trường hợp bà Loan không xuất trình được những giấy tờ, hồ sơ mới thì đây là trả lời lần cuối; UBND quận Thanh Xuân sẽ chấm dứt việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết đơn KN, kiến nghị của bà Loan”.

Chúng tôi xin dừng ở Văn bản số 968 phân tích để bạn đọc thấy UBND quận Thanh Xuân đã không thực hiện đúng các qui định của pháp luật về KN, tố cáo. 

Thứ nhất, tại Văn bản số 968, UBND quận Thanh Xuân đã hoàn toàn… “quên” các chỉ đạo, chuyển đơn của UBND TP Hà Nội và các cơ quan Trung ương từ năm 2006. Văn bản này cũng hoàn toàn “bỏ qua” các chỉ đạo của UBND TP Hà Nội tại các Thông báo số 238 ngày 23/8/2011, số 305 ngày 25/10/2011, số 336 ngày 22/11/2011, quên cả thời hạn phải báo cáo trước 25/6/2012 với TP!

Thứ hai, sau 6 năm KN liên tục vượt cấp đến các cơ quan Trung ương, văn bản bà Loan đợi mỏi mòn không phải là quyết định giải quyết KN lần 1, cho dù có vượt xa thời hiệu thời hạn theo qui định! Đó chỉ là một văn bản mang tính chất thông báo, hoàn toàn không đúng với qui định của Luật KN. Việc làm này vi phạm các qui định pháp luật về KN, tố cáo. Bởi lẽ, theo qui định tại điểm a, khoản 2, Điều 136 Luật Đất đai năm 2003; khoản 1, Điều 160 Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thuộc về Chủ tịch UBND quận.

Sai phạm trong quản lý đất đai 

Việc vi phạm các qui định pháp luật của lãnh đạo quận Thanh Xuân không dừng ở đó. Như bài viết trước chúng tôi đã thông tin, ông Phạm Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung cho biết: Theo bản đồ tỷ lệ 1/200 do Công ty Liên doanh Nền móng và Công trình ABV - COFEC đo đạc năm 1994 được Sở Địa chính xác nhận thì khu đất đang có tranh chấp nằm trong thửa đất số 24, diện tích hơn 2,7 nghìn m2, loại đất đầm do UBND phường quản lý. Cũng theo ông Thanh, đầm này có tên gọi là đầm Hồng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, toàn bộ khu vực này đã là những khu dân cư đông đúc. Cả hai bên mặt ngõ 11 san sát là nhà kiên cố 4 - 5 tầng, duy nhất còn lại số 45 và liền kề là… trống bởi chỉ có căn nhà cấp 4 và vườn. Toàn bộ khu vực đầm Hồng lân cận cũng trong tình trạng đã được xóa sổ bằng các căn nhà kiên cố 4 - 5 tầng.

Lý giải tình trạng này, ông Nguyễn Văn Hóa, nguyên Chủ tịch UBND phường Khương Trung cho rằng: Làm gì được họ. Họ là công an mới mạnh thế. Phía phường Khương Đình liền kề kia cũng vậy, dân cứ đổ đất san đầm làm nhà kiên cố có sao đâu. Mạnh ai nấy làm, ai làm gì được!

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, theo bản đồ địa chính năm 1994, đầm Hồng có diện tích khoảng hơn 200.000m2. Năm 2009, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 1888/QĐ-UB ngày 22/4/2009 về việc giao 115.957m2 thuộc đầm Hồng cho Ban Quản lý Dự án (D.A) thoát nước Hà Nội để thực hiện D.A cải tạo hiện trạng và kè bờ đầm Hồng, cải thiện môi trường. Điều đáng nói là, trong Quyết định số 1888, thì chỉ có 115.957m2 đất ở đây được thu hồi. Vậy, hơn 80.000m2 đất đầm Hồng đã "biến" đi đâu, kể từ năm 1994 đến nay? Hàng nghìn m2 đã bị san lấp, lấn chiếm vô tội vạ hay có sự cố tình “bất lực” của chính quyền sở tại?

Né tránh báo chí

Để tìm câu trả lời thỏa đáng trong việc quản lý đầm Hồng và câu chuyện KN của bà Loan, chúng tôi đã đặt lịch làm việc với lãnh đạo quận Thanh Xuân. Sau khi làm các thủ tục hành chính cần thiết, sau 1 tuần, chúng tôi được UBND quận bố trí làm việc với… Phòng Tài nguyên và Môi trường. 

Bà Nguyễn Thanh Nga, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết, đúng là phần đất tranh chấp theo bản đồ thì thuộc về đầm Hồng và thuộc quyền quản lý của phường Khương Trung. Tuy nhiên, việc quản lý Nhà nước cũng còn nhiều lỏng lẻo nên người dân đã xây dựng rất nhiều nhà kiên cố trên đất đầm. Bà Nga cũng cho biết, thẩm quyền trả lời các thông tin đề nghị của Báo không phải thuộc về Phòng Tài nguyên và Môi trường mà thuộc về lãnh đạo quận. Do vậy, bà Nga sẽ báo cáo lãnh đạo quận các thông tin để lãnh đạo quận xếp lịch làm việc với Báo Thanh tra. Tuy nhiên, đã gần 1 tháng trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân.

Vì sao có chuyện kỳ lạ như nêu trên ở ngay giữa trung tâm TP? Vì sao lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân lại bất chấp các qui định của Luật KN, Luật Đất đai và Luật Báo chí? Đâu là sự cố tình “bất lực” trong quản lý Nhà nước đối với nhiều ngàn m2 đất và đối với quyền lợi của công dân như bà Loan? Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vụ việc để rộng đường dư luận.

Thúy Nhài - Phương Hiếu