Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tranh luận sở hữu nhà chung cư có thời hạn

Hương Giang

Thứ hai, 19/06/2023 - 14:15

(Thanh tra) - Giơ biển tranh luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) nói, chúng ta phải suy nghĩ theo hướng chung cư tuổi thọ càng cao thì hiệu quả kinh tế đối với xã hội càng lớn.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP HCM). Ảnh: Đ.X

Sáng ngày 19/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Nêu ý kiến, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nói vấn đề cải tạo chung cư cũ “không đơn giản tý nào”.

Quy định thời hạn sử dụng chung cư sẽ “mang lại 2 lợi ích”

Theo ông Hoàng Văn Cường, nguyên nhân sâu xa là do chung cư được sở hữu vĩnh viễn, không có thời hạn. Vì vậy, “người ta có quyền, không đồng ý, thì chúng ta không thể phá dỡ được”.

Từ đó, ông Cường đề nghị Luật Nhà ở (sửa đổi) không chỉ quy định “thời hạn sử dụng nhà chung cư cũ theo thời hạn công trình thiết kế, mà phải quy định rất rõ thời hạn sở hữu nhà chung cư phải theo thời hạn của công trình thiết kế”.

“Quy định như thế, tôi nghĩ rằng sẽ mang lại 2 cái lợi ích”, đại biểu đoàn TP Hà Nội nói.

Thứ nhất, đứng về mặt người dân sở hữu nhà, người ta chỉ trả tiền cho việc sở hữu nhà trong thời hạn thiết kế đó, không phải trả tiền cho việc sở hữu vô thời hạn nhưng thực chất đến thời hạn phá dỡ người ta vẫn phải tự bỏ tiền ra.

Ông Cường phân tích, nếu bây giờ quy định một nhà sở hữu theo tuổi thọ công trình thì chắc chắn giá nhà sẽ khác so với nhà quy định sở hữu vô thời hạn.

“Như vậy vô hình trung chỉ để thỏa mãn tâm lý sở hữu, người dân đã phải bỏ thêm một số tiền để sở hữu một tờ giấy không khi nhà này bị phá dỡ vẫn phải tự bỏ tiền ra”, theo ông Cường.

Cái lợi thứ hai, theo ông Cường, là về mặt xã hội, tránh được tình trạng nhà chung cư hết thời hạn nhưng không cải tạo, sửa chữa được vì chỉ một vài người không đồng tình.

Ông Cường đề nghị quy định thời hạn sở hữu theo thời hạn thiết kế, nhưng đi kèm theo đó, nếu đến thời hạn bên thiết kế đánh giá lại, kiểm định lại chất lượng chung cư thấy vẫn tốt, vẫn tồn tại được thì quyền của người sở hữu tiếp tục được kéo dài, không phải bị mất đi.

Cạnh đó, đất dành cho xây dựng nhà chung cư “không nên là đất giao vĩnh viễn” mà là đất cho thuê theo thời hạn xây dựng và trả tiền một lần.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: Đ.X

“Nếu thực hiện được việc này, sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế như hiện nay”, ông Cường nhận định.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị quy định cụ thể việc cưỡng chế, di dời cư dân ra khỏi các chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ, mất an toàn để đảm bảo hiệu quả của việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, xuống cấp.

Ông Hòa còn đề nghị quy định về biểu quyết lựa chọn phương án bồi thường, tái định cư của các chủ sở hữu nhà chung cư, bởi có sự đồng thuận của 100% cư dân là “rất ít xảy ra”.

“Nếu sau một thời gian dài nhất định mà không thống nhất được phương án bồi thường, tôi thống nhất phương án là tái định cư do UBND cấp tỉnh quy định”, ông Hòa nêu.

Chung cư tuổi thọ càng cao, hiệu quả kinh tế càng lớn

Giơ biển tranh luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) nói, chúng ta phải suy nghĩ theo hướng chung cư tuổi thọ càng cao thì hiệu quả kinh tế đối với xã hội càng lớn.

“Chuyện nơi ở dài hạn, từ thế hệ này sang thế hệ khác là nhu cầu tinh thần rất lớn và nó củng cố quan hệ gia đình”, ông Nghĩa nói và cho biết, ở nước ngoài, càng ngày tuổi thọ chung cư càng cao, nhiều nước lên tới hàng trăm năm.

Cũng theo ông Nghĩa, hiện nay đang tồn tại rất nhiều chung cư sở hữu không có thời hạn với rất nhiều chủ sở hữu. Do đó, nếu quy định sở hữu chung cư có thời hạn thì dù không hồi tố vẫn phải xử lý các trường hợp này.

Cho nên, ông đề nghị có phương án vẫn duy trì loại chung cư sở hữu dài hạn, lâu dài, đồng thời chung cư có thời hạn để người dân được lựa chọn.

Với vấn đề xử lý an toàn của chung cư cũ, ông Nghĩa dẫn kinh nghiệm quốc tế cho biết, dù sở hữu dài hạn nhưng phải tuân thủ các quy định về an toàn.

Theo ông, ở Singapore, sở hữu nhà ở thương mại lên tới hàng trăm năm. Nhưng khi yếu tố an toàn không đảm bảo nữa thì các công ty phát triển bất động sản sẽ thương thảo với người dân để mua lại căn nhà cũ, duy tu, sửa chữa và xây dựng mới.

“Tôi đề nghị phải có sự lựa chọn, không nên chọn một thứ vì trong tương lai nhà ở chung cư càng lâu dài, càng tốt, càng có lợi cho xã hội và đất nước”, ông Nghĩa nêu.

Vấn đề quy định thời hạn sở hữu chung cư là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau từ những dự thảo đầu tiên của Luật Nhà ở sửa đổi.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: Đ.X

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, ban đầu cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất 2 phương án: Một là, quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn; hai là không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Chính phủ quyết định báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án có quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Tại thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định đây là vấn đề có tính nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội và còn có những ý kiến chưa thống nhất.

Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến”.

“Tuy nhiên, dự thảo luật đã có bổ sung làm rõ thêm các nội dung về thời hạn sử dụng nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc di dời, phá dỡ và đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết, tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay”, ông Nghị cho biết.

Bộ trưởng Xây dựng khẳng định, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền và xin ý kiến Quốc hội.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm