Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ngổn ngang cuộc “chạy lũ”

Thứ sáu, 19/07/2013 - 08:33

(Thanh tra)- Như Báo Thanh tra đã phản ánh, ngày 8/7, tại vùng lòng hồ thủy điện Đắk Đring, chính quyền huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã triển khai việc di dời 217 hộ dân (với 993 nhân khẩu) tại xã Đắk Nên đến vị trí an toàn. Đây là điều tất yếu phải làm, nhưng vì sao một công trình thủy điện có quy mô tương đối lớn, khởi công xây dựng từ hơn 5 năm nay, đến khi bắt đầu tích nước thì công tác di dời, ổn định cuộc sống cho người dân mới được khẩn trương thực hiện?

Làng Xô Luông có 100% số hộ dân phải di dời

>>Di dời khẩn cấp hơn 200 hộ dân

Lo lắng di dời


Theo kế hoạch, ngày 31/8 tới, hồ thủy điện Đắk Đring sẽ tích nước để phục vụ cho việc đưa tổ máy số 1 vào hoạt động, nhưng 217 hộ dân xã Đắk Nên hiện vẫn chưa được di dời ra khỏi lòng hồ thủy điện.

Trước đó, ngày 8/7, UBND huyện Kon Plông đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) di dời dân với thành viên là các trưởng, phó phòng chuyên môn của huyện. UBND huyện cũng đã huy động hơn 600 người gồm đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang huyện, lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum, Sư đoàn 10 (thuộc Quân đoàn 3) và lực lượng tại chỗ của xã Đắk Nên tiến hành di dời dân ra khu tái định cư (TĐC).

Theo ông Nguyễn Văn Lân, Phó Bí thư Huyện ủy Kon Plông: Nhiệm vụ cấp bách đặt ra đối với huyện Kon Plông lúc này là phải di dân lên khu TĐC một cách khẩn trương, an toàn tuyệt đối. Từ nay đến khi kết thúc việc di dời, BCĐ và các thành viên phải có mặt thường trực 24/24, cùng với các lực lượng di dời thực hiện nhiệm vụ...Khu TĐC đang còn dang dở. Ảnh: Trung Thu

Chúng tôi tìm đến làng Vương, xã Đắk Nên, nơi có 100% số hộ dân cần phải di dời, Trưởng thôn A Tư cho biết: Trong số 34 hộ dân của làng Vương thì có đến 15 hộ chưa hoàn thành việc trồng trỉa lúa trên nương rẫy. Số còn lại đang chuẩn bị mọi thứ cho buổi lễ “ăn lúa thừa” trước khi di dời. (Khi hoàn thành việc trỉa lúa xuống rẫy, bà con mới làm lễ ăn lúa thừa. Đây là một phong tục tập quán của người dân tộc K’Dong ở xã Đắk Nên - PV).

Khi được hỏi về những khó khăn gặp phải trong việc vận động bà con chuyển đến nơi ở mới, Trưởng thôn A Tư chia sẻ: Bà con ở đây không muốn dời nơi mình đang sinh sống. Một phần bởi khi đến ở khu TĐC, bà con phải đi làm nương rẫy rất xa (khoảng 12km). Mặt khác, lên ở khu TĐC chưa biết nuôi nhốt trâu bò, lợn gà ở chỗ nào. Chưa kể đến các công trình khác như hệ thống điện, nước sinh hoạt sẽ ra sao... Đấy là những khó khăn khiến người dân Đắk Nên lo lắng.

Nói là vậy, nhưng với truyền thống cách mạng của vùng căn cứ địa trong kháng chiến chống thực dân và đế quốc, bà con dân tộc thiểu số của xã Đắk Nên đã lần lượt đồng ý di dời. Đảng viên, cán bộ, đăng ký trước để làm gương cho dân. Trong 3 ngày đầu vận động đã có hơn 100 hộ đồng ý di dời.

 “Lũ đến chân mới nhảy”, trách nhiệm thuộc về ai?

Thủy điện Đắk Đring bắt đầu khởi công từ năm 2007, với tổng số vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Thủy điện Đắk Đring làm chủ đầu tư. Theo hồ sơ thiết kế, công trình có công suất 125 MW; sẽ bắt đầu tích nước vào ngày 31/8 và đến tháng 9/2013, tổ máy số 1 chính thức được vận hành. Công trình Thủy điện Đắk Đring nằm ở huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, nhưng toàn bộ lòng hồ thủy điện nằm ở tỉnh Kon Tum và ngập toàn bộ xã Đắk Nên.

Ông Nguyễn Thanh Lợi, Chủ tịch UBND xã Đắk Nên cho biết, tổng diện tích đất ngập lòng hồ tại 2 xã Đắk Nên và Đắk Ring hơn 333ha. Trong đó, diện tích xác định được đền bù, hỗ trợ hơn 260ha, với tổng kinh phí gần 70 tỷ đồng, gồm 168 ha đất trồng cây lâu năm; 23,4ha đất chuyên trồng lúa nước; 65,2ha đất trồng cây hàng năm...Di dời nhà dân đến nơi ở mới. Ảnh: Trung Thu

Tuy công trình thủy điện Đắk Đring được triển khai vào năm 2007, nhưng đến năm 2012, việc xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân khu vực lòng hồ mới được UBND huyện Kon Plông (đơn vị chủ đầu tư) và Ban Quản lý Dự án Thủy điện Đắk Đring thống nhất xây dựng trên 4 khu, gồm: Tu Rét, Xô Thác, Nước Doa và Đắk Lup thuộc xã Đắk Nên. Các khu TĐC này cách vị trí cũ của các làng vùng ngập lòng hồ từ 5 đến 12km. Đến đầu năm 2013, việc triển khai xây dựng khu TĐC mới được bắt đầu. Hiện tại, hơn 14km đường tránh vùng ngập lòng hồ chưa được thông tuyến; trong khu TĐC, hệ thống nhà ở và các công trình dân sinh mới chỉ đạt khoảng 50% khối lượng công việc. Khoảng hơn 100 nóc nhà TĐC của bà con đang được gấp rút thi công. Phần lớn số nhà này đang trong thời gian hoàn thiện, một số nhà chỉ mới hoàn chỉnh phần xây; một số nhà khác nhà thầu thi công đang triển khai tô trát. Phần còn lại đang trong thời gian san ủi mặt bằng...

Trao đổi với chúng tôi về tiến độ khởi công xây dựng đường tránh ngập, ông Vương Quý Thạch, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đắk Đring khẳng định: Hiện nay, sở dĩ chưa thông tuyến 14km đường vòng tránh vùng ngập lòng hồ bởi đang có 3 chiếc cống hộp chưa được đúc xong. Trong 10 ngày tới, công ty sẽ tập trung toàn bộ máy móc, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công. Nếu trường hợp khẩn cấp, sẽ tổ chức bỏ hệ thống bi tròn để bảo đảm thông tuyến, phục vụ việc di dời dân ra khu vực an toàn. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2013 sẽ hoàn thành việc đổ bê tông toàn bộ tuyến đường này...

Trong khi đó, ông Đặng Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: “Mặc dù huyện đã rất cố gắng đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu TĐC cho nhân dân nhưng do thời tiết vùng Đông Trường sơn năm nay mưa nhiều, nên đành lực bất tòng tâm”.

Việc di dời dân được thực hiện khẩn trương là điều rất cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, để “nước đến chân” rồi mới “chạy lũ”, như công việc di dân lòng hồ thủy điện Đắk Nên đang diễn ra, là sự "chẳng đặng đừng". Vì đâu để xảy ra cơ sự oái ăm này này; cơ quan, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm? Đó là câu hỏi mà dư luận đặt ra đối với các cơ quan hữu quan tỉnh Kon Tum và chủ đầu tư công trình thủy điện Đắk Đring, khi để hàng nghìn người dân xã Đắk Nên phải thực hiện một cuộc chạy lũ khẩn cấp chưa có tiền lệ ở khu vực Tây Nguyên.

Theo tìm hiểu của PV Báo Thanh tra, nguyên nhân chính của sự chậm trễ này là do phía Công ty Cổ phần Thủy điện Đắk Đrinh. Mặc dù làm lễ động thổ năm 2007 nhưng đến cuối năm 2011, chủ đầu tư cùng với UBND huyện Kon Plông mới tìm được "tiếng nói chung". Trước đó, cả 2 bên đã có vài cuộc làm việc nhưng đều không thống nhất được các vấn đề.


Với chính quyền huyện Kon Plông, nơi có hàng trăm hộ dân, hàng nghìn ha đất, rừng vì công trình này phải di dời, chuyển đổi, đã yêu cầu chủ đầu tư phải bảo đảm đưa người dân đến nơi ở mới có cuộc sống bằng hoặc hơn nơi ở cũ, trước hết là khu TĐC phải bảo đảm được yêu cầu nông thôn mới… Nhưng theo một thành viên của UBND huyện Kon Plông: “Lúc đó họ quan niệm nhà mới ở khu TĐC đáp ứng yêu cầu nông thôn mới là trách nhiệm của chính quyền. Chủ đầu tư lúc này là liên doanh của 4 nhà thầu cho nên không ai chịu ai trước các yêu cầu trên”.

Cũng vì liên doanh 4 bên trên mà gần như công tác đền bù, tái định canh, định cư của công trình bị bỏ ngỏ, trong khi tiến độ xây dựng công trình vẫn cứ tiếp tục. 


Trung Đức - Thu Thùy

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội trời rét đậm, nhiệt độ 10 -13 độ C

Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội trời rét đậm, nhiệt độ 10 -13 độ C

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Trung Trung Bộ; ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, trạm đảo Cồn Cỏ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6.

Thái Hải

19:48 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm