Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ cuối: Vướng đấu giá khai thác khoáng sản

Thứ ba, 08/07/2014 - 07:31

(Thanh tra)- Khai thác khoáng sản phải thông qua hình thức đấu giá. Theo quy định của Nghị định 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ, thông qua việc đấu giá, các doanh nghiệp (DN) sẽ có được một sân chơi sòng phẳng, đồng thời góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, sau gần 2 năm có hiệu lực thi hành, việc triển khai nghị định ở khu vực Tây Nguyên vẫn còn nhiều vướng mắc, gây khó cho địa phương và DN.

Bất cập trong việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở Tây Nguyên khiến ngân sách Nhà nước thất thu nhiều. Ảnh: Trung Đức

>> Kỳ VII: Gây thất thu thuế nghiêm trọng

>> Kỳ VI: Sao không xử lý dứt điểm?

>> Kỳ V: Cơ quan chức năng buông lỏng quản lý?  

>> Kỳ IV: “Cát tặc” bức tử sông Krông Nô   

>> Kỳ III: Tan hoang hồ Lắk

>> Kỳ II: Rỗng “ruột” rừng biên giới Ia Jlơi    

>> Kỳ I: Man rợ với thiên nhiên

Thất thoát tài nguyên

Nhiều năm qua, các tỉnh khu vực Tây Nguyên liên tục bị thất thoát các nguồn tài nguyên khoáng sản như vàng sa khoáng, cát... do tình trạng khai thác “lậu”. Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Gia Lai đã phát hiện một vụ khai thác và vận chuyển cát trái phép với quy mô lớn tại khu vực suối Đắk Tờ Ve thuộc địa bàn làng Kon Sa Lăng, xã Hà Tây, huyện Chư Pah.

Tại hiện trường, “cát tặc” đã dùng máy múc cát ở đoạn suối dài khoảng 200m. Cùng với đó, những đống cát lớn bị nạo vét từ lòng suối được các đối tượng khai thác “lậu” đưa lên xe tải để vận chuyển đi. Việc hút cát trái phép này nếu không ngăn chặn kịp thời thì trong tương lai không xa sẽ làm thay đổi dòng chảy, dẫn đến tình trạng sạt lở vùng đất dọc theo bờ suối, hư hại hoa màu của người dân.

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên việc khai thác cát trái phép diễn ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ngoài con suối Đắk Tơ Ve, nhiều năm qua, dòng sông Ba chảy qua các huyện Mang Yang, Phú Thiện, thị xã Ayun Pa... liên tục bị “cát tặc” băm vằm. Mặc dù báo chí liên tục phản ánh và cơ quan chức năng có vào cuộc, thế nhưng hiệu quả dường như vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Hệ lụy là nguồn tài nguyên trong sông, suối liên tục bị thất thoát, nhiều diện tích đất đai, hoa màu và nhà cửa của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại thời điểm này, gần như 100% các cơ sở khai thác cát trên địa bàn tỉnh đều là khai thác trái phép.

Chủ một DN xây dựng tại tỉnh Gia Lai cho biết: “Trước đây, DN của tôi được cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cấp phép khai thác tại 2 mỏ cát tại địa phương. Mỗi lần cấp phép được 6 tháng, sau đó phải làm thủ tục cấp lại. Tại mỗi mỏ cát này, chúng tôi đã đầu tư gần 3 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị và giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, từ cuối năm 2011 đến nay, không hiểu tại sao địa phương không cấp phép trở lại. Việc này đã gây khó khăn rất nhiều cho hoạt động kinh doanh của DN chúng tôi”.

Không được cấp phép khai thác, thế nhưng công việc làm ăn của DN thì không thể dừng. Để những công trình đã nhận thầu đang thi công dang dở được hoàn thành, bất đắc dĩ DN nói trên phải trở thành “kẻ trộm” ngay chính trên bãi cát của mình, dù biết là phạm luật. Và việc khai thác “trộm” này muốn diễn ra thành công, cần phải có sự “làm ngơ” của chính quyền và chức năng địa phương.

Ở tỉnh Kon Tum, tình hình cũng không khá hơn. Nhiều năm qua, việc khai thác cát trái phép trên sông Đắk Bla ở TP Kon Tum diễn ra công khai, liên tục, khiến người dân vô cùng bức xúc.

Mặc dù ngành chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng đến nay việc làm này vẫn như “trò chơi cút bắt” chưa có hồi kết. Lý giải việc này, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tỉnh Kon Tum cho rằng, do việc khai thác cát đã bị cấm nhiều năm qua, nên trên địa bàn xảy ra hiện tượng khan hiếm nguồn nguyên liệu này, trong khi đó, nhu cầu cát xây dựng không ngừng tăng lên. Có cầu ắt hẳn có cung, vì lợi ích trước mắt, nhiều người đã bất chấp, ngang nhiên khai thác cát “lậu”. Ngoài cát, nạn khai thác trái phép vàng sa khoáng, sỏi, đá... đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và “chảy máu” một lượng lớn tài nguyên của Nhà nước.

Vướng thủ tục hành chính

Làm việc với chúng tôi, ông Lương Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Gia Lai cho biết, nguyên nhân khiến “cát tặc” nở rộ chủ yếu do vướng thủ tục hành chính. Từ khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực đến nay, Bộ Tài chính và Bộ TN-MT vẫn chưa có được quy định cụ thể việc xác định giá khởi điểm và cách tính giá sàn các bước nhảy giá trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nên việc cấp phép khai thác khoáng sản nói chung và cát xây dựng nói riêng tại địa phương không thể thực hiện được. “Trong gần 3 năm qua, không có một mỏ cát nào được phép hoạt động theo đúng quy định của Luật Khoáng sản. Tất cả các mỏ cát mà dân đang làm là khai thác “chui”. Chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, thế nhưng cũng rất khó. Vì có cầu, ắt hẳn sẽ có cung”, ông Bình chia sẻ.

Ông Lương Thanh Bình cho biết thêm, thực hiện Nghị định 22/2012/NĐ-CP ban hành ngày 26/3/2012 về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ngày 1/11/2012, UBND tỉnh Gia Lai đã có Quyết định số 517/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục đấu giá khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2012 - 2015. Theo đó, có 90 khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trong đó cát xây dựng là 36 khu vực. Tuy nhiên, đến nay, việc đấu giá vẫn chưa được thực hiện do thiếu thông tư hướng dẫn thi hành.

Không những tỉnh Gia Lai gặp khó, thực trạng trên cũng là vấn đề nan giải đối với ngành chức năng tỉnh Kon Tum. Mặc dù UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản về khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở các con sông trên địa bàn tỉnh, trước mắt đưa vào đấu giá khai thác khoáng sản trên sông Đắk Bla và thống nhất 8 điểm khai thác cát sỏi trên sông Đắk Bla... Thế nhưng, tại thời điểm này việc triển khai vẫn còn... nằm trên giấy.

Theo ông Lê Văn Tấn, Trưởng phòng Tài nguyên - Khoáng sản (Sở TN-MT tỉnh Kon Tum), việc triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa thực hiện được bởi những văn bản quy định về vấn đề này vẫn chưa đầy đủ, vẫn còn thiếu thông tư hướng dẫn. Trong thời gian tới, khi có đầy đủ hành lang pháp lý sẽ có sự sàng lọc DN. Các DN sẽ phải có khả năng tài chính, kinh nghiệm, kỹ thuật... mới có thể tham gia đấu giá. Nếu như trước đây quyền khai thác khoáng sản thực hiện theo cơ chế “xin - cho” thì bây giờ, sau khi đấu giá, các DN sẽ phải trả một khoản tiền lớn, đồng thời vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác.

Cùng với việc đấu giá, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lấy tiền giá sàn của đấu giá trong thời gian tới cũng sẽ loại nhiều DN, bởi khi phải trả tiền sẽ có nhiều DN làm ăn không hiệu quả phải tự rút. Theo tính toán, sẽ có khoảng 20 - 30% DN bị loại bỏ vì không có khả năng nộp khoản tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Thực tế hiện nay ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, khoáng sản chủ yếu là vật liệu xây dựng thông thường như cát, sỏi và đá xây dựng. Phương thức khai thác nhỏ lẻ và chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên chỉ cung cấp cho xây dựng cơ bản trên địa bàn. Còn các khoáng sản khác như vàng, bạc, đá quý, mỏ quặng rất ít nên việc đưa khoáng sản vào đấu giá sẽ khó khăn cho công tác khai thác. Trong khi đó, việc khai thác cát, sỏi nếu đưa ra đấu giá thì chỉ đấu giá được tài nguyên dưới lòng sông, còn bến bãi, đất đai, cơ sở vật chất rất khó đưa vào đấu giá...

Như vậy, nguyên nhân dẫn đến nạn khai thác khoáng sản trái phép tràn lan từ trước đến nay trên địa bàn Gia Lai và Kon Tum không phải chủ yếu do các đối tượng khai thác “lậu” hoạt động tinh vi, khó kiểm soát mà là sự chậm trễ ban hành các quy định liên quan và nhiều vướng mắc trong việc triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Vì lẽ đó, nhiều năm qua, ngân sách địa phương đã bị thất thu con số không nhỏ, còn các điểm khai thác “lậu” thì vẫn ung dung tồn tại và nở rộ như “nấm sau mưa”.

Trung Đức

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội trời rét đậm, nhiệt độ 10 -13 độ C

Không khí lạnh tăng cường, Hà Nội trời rét đậm, nhiệt độ 10 -13 độ C

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Trung Trung Bộ; ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, trạm đảo Cồn Cỏ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6.

Thái Hải

19:48 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm