Từ phản ánh của nhiều du khách về du lịch nghỉ mát tại biển Sầm Sơn mua phải nhiều đồ hải sản lép, có dấu hiệu bơm nước, bơm thạch rau câu, ôi thiu, không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, phóng viên Báo Thanh tra đã tiến hành cải trang thành người mua hàng đến các điểm tập kết tàu thuyền tại đường Hồ Xuân Hương, thuộc TP Sầm Sơn để kiểm tra thực tế.

Theo lịch trình, việc đi biển của ngư ở đây bắt đầu từ 3 giờ đến 6 giờ sáng thì thuyền cập bến để thu lưới, bắt tôm cá, cua ghẹ. Tại các bãi tập kết bến thuyền, tờ mờ sáng đã tấp nập người bán, du khách đến mua theo từng tốp du lịch. Với tâm lý ra tận nơi ngư dân đi biển về để mua được “lộc của biển” là hải sản tươi sống để làm quà cho người thân hoặc nấu ăn cho gia đình ngay tại Sầm Sơn. Tuy nhiên, nhiều khách du lịch đã mắc quả “lừa” khi mua hải sản ở các bến thuyền này vì mất tiền, tâm lý bức xúc, khiến cuộc du lịch mất vui hoặc gây cãi vã với các người thân trong gia đình khi mua phải đồ hải sản kém chất lượng, tạo ấn tượng không tốt về du lịch Sầm Sơn trong lòng du khách.

Những con cua được rao bán rẻ hơn so với giá thị trường quá nửa, khi hấp lên ăn thường là không có thịt. Ảnh: VT

“Để bán được hàng “kém chất lượng” tại bến thuyền, các ngư dân thường sử dụng mẹt, chậu để “phô” các đồ hải sản. Thế nhưng, thực tế đây không phải là hàng mới đánh về mà là hàng được nuôi mang từ nhà đi đã được bơm nước hoặc thạch rau câu vào trong thân thể các con vật làm cho đồ tươi lâu hơn. Khi người dân đến mua thấy tươi, lại có tàu thuyền mới cập bến, tưởng là đồ mới đánh bắt từ biển lên, không phân biệt được hàng kém chất lượng nên đã mua với giá cao. Thực tế, khi mua về nấu, hấp thì ghẹ, cua, tôm toàn lép, không có thịt hoặc nấu toàn ra nước, khiến bữa ăn trong gia đình mất ngon, thậm chí có mùi hôi thối”, một du khách ở Hà Nội phản ánh.

“Việc bán hải sản kém chất lượng ở đây quá nguy hiểm, giá cả được giao trên trời, lúc rẻ, lúc đắt. Cùng một nơi bán, nhưng giá bán của các ngư dân lại được giao khác nhau. Ví dụ, một 1 kg tôm tít có ngư dân rao bán 200.000 đồng; có ngư dân thì lại rao bán 100.000 đồng hoặc 70.000 đồng/1kg, trong đó có cả những loại đã chết hoặc ôi thiu. Hay cua thịt được rao bán giá 300.000/1kg, khi chốt giá thì 200.000 cũng bán. Trong khi các nhà hàng trong tỉnh Thanh Hóa đang bán cua thịt với giá 600-700.000/1kg. 

Giải thích lý do vì sao giá lại rẻ như vậy thì những người buôn bán ở đây cho biết: “Cua của nhà đánh được, em có buôn bán gì đâu mà lời với lãi”. Tuy nhiên, khi du khách chót mua về luộc hoặc hấp thì chỉ là cua lép chỉ có nước, không có thịt hoặc mua rồi đang trên đường về thì cua đã chết”, một du khách ở Hải Phòng phản ánh.

Với giá giao bán lúc cao lúc thấp, tùy vào từng du khách, tuy nhiên ở đây toàn là đồ kém chất lượng. Ảnh: VT

Tìm hiểu của phóng viên, thực tế những con cua, con ghẹ, tôm cá ngon, đảm bảo chất lượng khi đánh lên thường được ngư dân địa phương đóng vào thùng xốp, ướp đá lạnh rồi vận chuyển đi các nhà hàng. Vì những địa điểm này có địa chỉ, đăng ký giấy phép kinh doanh buôn bán, giấy đảm bảo an toàn thực phẩm, niêm yết giá công khai, có sự quản lý của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng nên hầu như không dám bán “lừa” cho du khách. Còn lại việc “buôn thúng, bán mẹt” của các ngư dân ở các bến thuyền đã diễn ra trong thời gian dài, nhiều vụ du lịch nhưng vẫn chưa được chính quyền, cơ quan chức năng xử lý triệt để, khiến nhiều đoàn du khách bất an phản ánh.

Có thể nói, trong những năm gần đây hình ảnh du lịch Sầm Sơn đã được nâng lên một tầm cao mới, để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách được thể hiện bằng thực tế các cấp chính quyền từ tỉnh đến thành phố, những nhà đầu tư lớn đã quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạng tầng đường giao thông, hệ thống khách sạn, quản lý xe điện, nhà hàng ăn uống, khách sạn, nơi để xe được đi vào nền nếp, quy cũ ...

 Hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách quyết liệt, xử lý những vụ việc, tình huống phức tạp xảy ra, đảm bảo an ninh trật tự, tạo được môi trường lành mạnh, niềm tin cho du khách mỗi khi về đây du lịch. Do đó, việc “buôn thúng, bán mẹt” hàng hải sản kém chất lượng diễn ra ở các bến thuyền chỉ là hạt cát nhỏ trong môi trường du lịch. Vì thế, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo Sầm Sơn cần phải mạnh tay tổng kiểm tra, xử lý nghiêm minh những dấu hiệu vi phạm này. Có như thế mới đảm bảo quyền lợi, môi trường du lịch trong kinh doanh và buôn bán.

Mặc dù Sầm Sơn đã đưa ra niêm yết công khai, thế nhưng nhiều người dân vẫn mắc bẫy "lừa". Ảnh: VT

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra về vấn đề này, ông Lương Tất Thắng, Chủ tịch TP Sầm Sơn thừa nhận: Có hiện tượng buôn bán hàng hải sản kém chất lượng ở các bến thuyền nói trên. Để ngăn chặn việc này, ngay từ đầu mùa du lịch chính quyền địa phương đã cảnh báo, thông báo trên loa truyền thanh liên tục, dán niêm yết giá công khai ở các nhà hàng, khách sạn, bến thuyền. Tuy nhiên, do tâm lý của khách du lịch muốn mua đồ tươi, mới đánh lên, lại ở bến thuyền nên mới bị mua phải hàng này. 

“Từ đầu hè, chính quyền TP Sầm Sơn đã thành lập các tổ an ninh trật tự ở các xã, phường. Các đội này đã vào cuộc rất mạnh, nhưng do lực lượng mỏng, nhiều việc, nên khi tiến hành dẹp được nơi này lại xuất hiện ở nơi khác. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, huy động lực lượng ra quân bắt, thu giữ, tiêu hủy những hàng hóa không đảm bảo chất lượng, tạo niềm tin cho du khách mỗi khi về Sầm Sơn du lịch”, ông Thắng nói.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục tìm hiểu thông tin đến bạn đọc.

Văn Thanh