Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Làm gì để tránh bị lừa tráo sổ đỏ trong giao dịch nhà đất?

Quang Đông

Thứ ba, 05/04/2022 - 06:36

(Thanh tra)- Thủ đoạn lừa đánh tráo “sổ đỏ” trong giao dịch mua bán bất động sản đã diễn ra từ nhiều năm nay tại một số tỉnh, thành phố. Tuy không phải là chiêu trò mới nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy khi đang là chủ tài sản nhà đất hợp pháp bỗng dưng thành bị hại trong một phi vụ lừa đảo và chỉ biết kêu trời!

Chủ sở hữu bất động sản cần nâng cao ý thức cảnh giác trong các giao dịch liên quan đến "sổ đỏ". Ảnh: BA

Lên mạng tìm thông tin, làm giả sổ đỏ

Liên quan đến hành vi dùng sổ đỏ giả đánh tráo lấy sổ đỏ thật rồi mang giao dịch nhằm chiếm đoạt tài sản, mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố một ổ nhóm gồm 11 đối tượng chuyên thực hiện các phi vụ đánh tráo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) gây thiệt hại 22,5 tỷ đồng cho các khổ chủ.

Theo cáo trạng, thông qua các trang web mua bán bất động sản như chotot.com, batdongsan.com… đối tượng Vũ Quý Lãm (SN 1986, ở Hải Dương, nguyên cán bộ ngành Công an bị loại ngũ) đã tìm hiểu thông tin về chủ đất rồi liên hệ, giả danh là người mua đất. Lãm yêu cầu người chủ bất động sản chụp ảnh sổ đỏ gửi cho y. Có thông tin hình ảnh, Lãm làm giả sổ đỏ nhằm mục đích đánh tráo.

Sau đó, Lãm hẹn gặp chủ đất để trao đổi, giả vờ ngã giá. Lợi dụng sơ hở của chủ đất, Lãm cùng đồng bọn đánh tráo sổ đỏ. Sau khi có sổ đỏ thật, Lãm bàn bạc, phân công đồng bọn làm giả giấy tờ tùy thân (chứng minh thư, sổ hộ khẩu...) của chủ đất. Cả nhóm chụp ảnh chân dung và lấy dấu vân tay ngón trỏ phải, trái của các đồng bọn rồi ghép với thông tin cá nhân của chủ đất để làm giả. Toàn bộ giấy tờ giao dịch giả được hoàn tất, nhóm tội phạm sẽ giả danh là chủ đất ký hợp đồng chuyển nhượng cho người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tiền.

Bằng thủ đoạn trên, nhóm của Lãm đã thực hiện thành công 11 phi vụ lừa đảo.

Thủ đoạn đánh tráo sổ đỏ này được cơ quan chức năng ghi nhận đã diễn ra trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, như vào ngày 23/11/2021, Công an Cần Thơ đã bắt đối tượng Lưu Hoàng Hải cùng 4 đồng phạm để điều tra về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhóm đối tượng sử dụng thủ đoạn tương tự nhóm của Vũ Quý Lãm, và đã gây ra nhiều vụ tráo sổ tại các tỉnh, thành phía Nam như: Cần Thơ, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng…

Trước đó, ngày 27/4/2021, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xét xử ba bị cáo: Tạ Quốc Hùng, Ngô Thị Hiếu và Nguyễn Lệ Huyền về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Ba người này nhận 4 triệu đồng để giả làm chủ đất, đi giao dịch bán đất với bên thứ ba. Họ cũng được đối tượng chủ mưu vụ án (hiện đang trốn truy nã) yêu cầu chụp ảnh chân dung và cung cấp dấu vân tay để đi làm chứng minh nhân dân, hộ khẩu giả để khớp với thông tin trên sổ đỏ.

Không đăng giấy tờ nhà đất lên mạng

Trong giao dịch bất động sản, sổ đỏ là giấy tờ quan trọng có giá trị để chứng minh tính pháp lý của tài sản, cũng như sự hợp pháp của chủ sở hữu. Các nhóm đối tượng tội phạm xem đây là mảnh đất màu mỡ để thực hiện hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản, dẫn đến rất nhiều phiền lụy cho chính chủ sở hữu bất động sản đó, và cả bị hại trót lỡ dính phải giao dịch giả này.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Quang Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Hành vi tráo sổ đỏ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, những giấy tờ thật, giả thu giữ được đều được coi là vật chứng của án do các đối tượng sử dụng sổ đỏ thật, giả để làm công cụ, phương tiện phạm tội, lừa bán bất động sản cho người khác. Cơ quan điều tra sẽ không trả lại ngay giấy tờ thật cho chính chủ sở hữu vì có thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình điều tra, quyền lợi chính đáng của người thứ ba, đến phán quyết của tòa, cũng như việc thi hành bản án. Lúc này, chủ sở hữu thật muốn thực hiện giao dịch chuyển nhượng nhà đất là điều không thể, phải đợi chờ đến khi kết thúc vụ án. Còn người mua phải giao dịch giả này muốn nhận lại số tiền đã đưa cho các đối tượng thì cũng phải chờ phán quyết của tòa, cơ quan thi hành án.

Theo ông Nguyễn Huy, giám đốc một sàn môi giới giao dịch bất động sản, hơn lúc nào hết, để tránh sập bẫy lừa đánh tráo sổ đỏ, các chủ sở hữu nhà đất nên nâng cao ý thức cảnh giác trong giao dịch, không nên chụp sổ đỏ hay giấy tờ nhà đất quan trọng đăng lên các trang mạng một cách công khai. Nếu chụp thì một số thông tin cá nhân, số sê ri trên sổ cần được che kín, làm mờ.

Với sổ đỏ thật, chủ nhà có thể đánh dấu một điểm nhỏ nào đó trên sổ để dễ dàng nhận biết. Khi khách tới xem nhà, chủ nhà nên có người đi cùng để giám sát, tránh trường hợp khách mua nhà đi theo nhóm, dàn bẫy để đánh tráo. Trường hợp phát hiện sổ đỏ thật đã bị đánh tráo, ngay lập tức phải có đơn trình báo đến văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan công an quận, huyện, tỉnh, thành phố nơi có thửa đất đó để cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn giao dịch mua bán bất động sản bất hợp pháp, tránh hệ lụy pháp lý đi kèm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm