Ngày 15/5, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng có văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND huyện Phú Quốc tạm dừng cho phép các hoạt động phân lô, tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện Phú Quốc kể từ ngày 15/5. 

Việc tạm dừng này diễn ra đến khi Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có hiệu lực và quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chính thức.

Văn bản nêu thời gian qua, tình hình vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn huyện Phú Quốc diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất trái pháp luật, lấn chiếm đất rừng, tự ý phân lô, tách thửa, tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất, san lấp, xây dựng trái phép diễn ra phổ biến. Chưa kể, tình trạng đầu cơ gây sốt đất tăng giá đột biến để trục lợi diễn biến khó lường, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn và ảnh hưởng lớn đến quy hoạch tổng thể phát triển huyện đảo Phú Quốc, nhất là từ khi có chủ trương thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc.

Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND huyện Phú Quốc tiếp tục tăng cường, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu trên và các chỉ thị của UBND tỉnh Kiên Giang về công tác tăng cường quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường, xây dựng…

Ngoài ra, UBND tỉnh Kiên Giang cũng chỉ đạo các ngành, UBND huyện Phú Quốc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai tới các tổ chức, cá nhân để mọi người hiểu rõ và thực hiện đúng quy định pháp luật, không để kẻ xấu dụ dỗ, lừa gạt mua bán, chuyển nhượng đất trái quy định pháp luật.

Đối với những trường hợp cấp bách, cần thiết, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các sở, ngành, UBND huyện Phú Quốc báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh xem xét.

Chủ đầu tư đã làm đường giao thông trái phép trên đất nông nghiệp tại "dự án" phân lô Oceanland 2  do Công ty Bất động sản Gold Land phân phối. Ảnh: CT

Ghi nhận của PV Báo Thanh tra tại huyện đảo Phú Quốc cho thấy, tình hình phân lô, tách thửa trái phép diễn ra ở nhiều xã. Điển hình như tại xã Cửa Dương (vào khoảng đầu tháng 4/2018) tình trạng chủ đầu tư treo biển quảng cáo trá hình (có dấu hiệu của việc quảng cáo sai sự thật) diễn ra phổ biển. Sau khi Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra thì chính quyền địa phương đã tiến hành tháo dỡ các biển quảng cáo trá hình... 

Đặc biệt, một trong những yếu tố làm cho thị trường bất động sản phân khúc lô, nền trở lên nóng như thời gian vừa qua tại Phú Quốc là vì có tình trạng chính quyền địa phương từ cấp xã tới huyện đã buông lỏng quản lý để chủ đầu tư (cá nhân) làm đường giao thông, kết nối giao thông trái phép... Các chủ đầu tư này tự ý làm đường bê tông trên đất nông nghiệp (chuyển mục đích sử dụng đất trái phép) trong khi chính quyền địa phương không ngăn cản, thực hiện các biện pháp xử lý hành chính... Chính điều này là dẫn tới tình trạng nhiều người dân đi mua đất lầm tưởng rằng khu đất có đường giao thông nhưng thực tế thì không phải như vậy...

Đường giao thông xây trái phép trên đất nông nghiệp tại "dự án" phân lô Oceanland 5  do Công ty Bất động sản Gold Land phân phối. Ảnh: CT

Tình trạng sốt đất đặc khu trở thành vấn đề nóng hiện nay khi người dân mua bán tràn lan, phân lô bán nền diễn ra trên diện rộng, giá đất được đẩy lên cao. 

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), giá đất tại Vân Đồn (Quảng Ninh) tăng từ 100 - 200% chỉ sau vài tháng; tại Vân Phong (Khánh Hòa) đất lên tới 100 triệu đồng/m2, có nơi tăng 20 - 30 triệu/m2. Còn tại Phú Quốc, giá đất bị đẩy lên cao, môi trường cảnh quan tự nhiên bị tàn phá, quy hoạch bị phá vỡ.

Để ngăn chặn tình trạng này, ngày 6/4, Bộ Xây dựng đã có công văn số gửi các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang yêu cầu thực hiện việc kiểm tra nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường và có biện pháp để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Đặc khu), Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu 3 tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang cần nghiêm khắc chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, quản lý rừng, quản lý môi trường, phải bảo đảm trật tự xã hội, không để “cò đất”, xã hội đen mua bán đất lộng hành trên địa bàn.

Trước đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tạm dừng các hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất… trên địa bàn huyện Vân Đồn đến khi quy hoạch chung xây dựng theo định hướng là đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Chu Tuấn