Quy hoạch sai thì phải bỏ

Tại Kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM mới đây (từ ngày 10 - 12/7), đại biểu Trần Quang Thắng đã phát biểu: Quy hoạch treo tạo ra bất công, người dân đang sinh sống hợp pháp trên nhà cửa, ruộng vườn của mình. Như quy hoạch Khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa treo hơn 20 năm qua, cuộc sống của người dân vùng quy hoạch rất khó khăn, nhà cửa chật chội, không phát triển được kinh tế, muốn bán cũng không có người mua hoặc phải bán với giá rất thấp. Treo như thế chứng tỏ quy hoạch sai và nếu quy hoạch sai thì phải bỏ quy hoạch đó.

Còn Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng: “Dự án chậm triển khai, quy hoạch nhiều năm không thực hiện không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của bà con mà còn ảnh hưởng đến đời sống an sinh. Nước không vào được, tách hộ, tách thửa không được, đường giao thông cũng không ai làm được vì vướng quy hoạch… Rất là nhiều!”.

Bà Quyết Tâm yêu cầu: “Hướng xử lý thế nào? Các sở, ngành cần triển khai quyết liệt. HĐND TP ra Nghị quyết 16 để giải quyết vấn đề quy hoạch treo từ năm 2012, năm nào cũng giám sát việc thực hiện nhưng thực tế vẫn như vậy!”.

Thế nhưng trên thực tế, nhiều hộ dân đang “mất ăn mất ngủ” vì công trình nằm trong khu vực quy hoạch “treo”, nếu xây dựng thì phải cam kết tháo dỡ không bồi thường.

Ông Nguyễn Văn Đoàn, mua căn nhà trong hẻm đường Nguyễn Oanh, phường 17 quận Gò Vấp từ năm 2002, diện tích 64m2 sau khi quy hoạch còn 45m2. Trong giấy chứng nhận ghi thông tin: “Một phần đất thổ cư một phần đất trong quy hoạch đường Nguyễn Oanh mở rộng”.

Mới đây, ông mang hồ sơ đến quận Gò Vấp xin phép xây dựng thì tá hỏa trước thông tin: Theo quy định tại Quyết định 26/2017 của UBND TPHCM về cấp phép xây dựng thì trường hợp này, chỉ được cấp phép xây dựng tạm, nhà sẽ không được bồi thường khi giải tỏa.

Ông Đoàn cho hay, hiện nay, nhà ở thì không được, còn xây mới thì ông vô cùng hoang mang, vì nếu xây đúng quy hoạch trên giấy sẽ không có đường vào nhà, mà xây theo hiện trạng phải bỏ ra hàng tỉ đồng, trong khi nhà không được hoàn công. Và không biết khi nào Nhà nước mới mở rộng đường Nguyễn Oanh, mặc dù đã có quy hoạch hơn 10 năm rồi.

“Mua phải nhà quy hoạch đã quá đau khổ, nếu xây dựng lại mang thêm cái ách, công trình tạm không được bồi thường”, ông Đoàn than thở.

Tương tự, năm 2017, ông Nguyễn Văn Hùng mua được căn nhà 72m2 ở phường 9 quận 3, TP HCM với giá 5,3 tỉ đồng. Theo thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì nhà thuộc “lộ giới tuyến Bắc Nam dự phóng 60m theo quyết định phê duyệt năm 1999 của TP”.

Muốn xây lại nhà, ông Hùng xin phép xây dựng và được hướng dẫn phải đến UBND phường làm cam kết tháo dỡ nhà không đòi bồi thường khi Nhà nước thực hiện quy hoạch để nộp kèm hồ sơ. Theo GPXD “cải tạo sửa chữa có thời hạn” do UBND quận 3 cấp cho ông Thực, nhà được xây thêm tầng hai, ba. Trong GPXD nói rõ “chủ đầu tư phải tự phá bỏ công trình, không được đòi bồi thường phần công trình xây dựng theo GPXD có thời hạn khi Nhà nước thực hiện quy hoạch theo thời gian ghi trong giấy phép”.

Bên cạnh đó, GPXD còn ghi chú “thời hạn sử dụng công trình đến ngày 1/7/2018” khiến ông vô cùng hoang mang. “Sau ngày này thì công trình của tôi không còn được sử dụng hay sao?”, ông Hùng thắc mắc. 

Tháo gỡ vướng mắc cho người dân

Trao đổi với báo chí, ý nghĩa câu ghi chú trong GPXD tạm về “thời hạn sử dụng của công trình”, Trưởng phòng Quản lý đô thị một quận cho hay, đó là thời gian thực hiện theo quy hoạch phân khu được duyệt. Nhà được cấp phép xây dựng tạm do thuộc quy hoạch này nên chỉ được tồn tại theo thời hạn thực hiện quy hoạch.

Vậy sau thời gian này nếu quy hoạch chưa thực hiện thì số phận công trình tạm được giải quyết ra sao? Vị này cho hay, theo quy định của Luật Xây dựng thì hết thời gian này (chẳng hạn sau ngày 1/7/2018 với trường hợp ông Hùng ở quận 3) thì người dân phải xin gia hạn GPXD. Tuy nhiên, thủ tục như thế nào, gia hạn được bao lâu thì ông nhìn nhận “vẫn chưa rõ, trên thực tế chưa từng thấy trường hợp nào đến xin gia hạn sau khi hết thời hạn được nêu trong GPXD”.

Về việc yêu cầu người dân phải cam kết công trình tháo dỡ không bồi thường khi Nhà nước thực hiện quy hoạch (trong khi Quyết định 26/2017 không đề cập), ông cho hay, lý do trong thành phần hồ sơ xin cấp phép xây dựng tạm của sở có mẫu đơn này.

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Quyết định 26/2017 về cấp phép xây dựng được soạn thảo phải phù hợp quy định của Luật Xây dựng 2014 về cấp phép xây dựng tạm, không đề cập việc được bồi thường như Quyết định 27/2014. Tuy nhiên, quan điểm của ông Tuấn là công trình tạm vẫn phải được cấp giấy chứng nhận, được bồi thường nếu sau một thời hạn nhất định quy hoạch không triển khai. Theo ông, đó là quyền lợi chính đáng của người dân, cần phải được tháo gỡ. “Sở Xây dựng đã có kiến nghị việc cấp giấy chứng nhận cho công trình tạm nhưng việc này lại thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường”, ông Tuấn nói.

Trả lời báo chí về vấn đề trên, ông Dư Huy Quang, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP cho hay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc họp về việc xem xét cấp giấy chứng nhận cho công trình tạm. Theo đó, sở đã chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai TP rà soát, báo cáo hướng giải quyết cấp giấy chứng nhận cho những trường hợp được cấp phép tạm. “Văn phòng Đăng ký đất đai TP đang tổng hợp, chia thành các trường hợp với những điều kiện cụ thể để được cấp giấy. Chủ trương là tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân. Nếu không cấp được giấy chứng nhận thì cũng ghi nhận công trình xây dựng để làm căn cứ cho người dân được xem xét bồi thường sau này” - ông cho hay.

Nghiêm Lan