Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quảng Nam “tung cánh chim bằng bay cao”...

Thứ sáu, 27/01/2017 - 13:35

(Thanh tra)- Đầu năm 2017 này là thời khắc tròn 20 năm kể từ ngày chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) thành tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Chừng ấy thời gian chưa phải là nhiều so với chiều dài lịch sử, nhưng Quảng Nam đã bứt phá đi lên, từ một tỉnh nghèo, khó khăn nhất, nhì cả nước, nay trở thành tỉnh trung bình - khá; đã gia nhập Câu lạc bộ “15.000 tỷ đồng”. Năm 2017, Quảng Nam sẽ tự cân đối ngân sách, không phụ thuộc vào Trung ương...

Một góc trung tâm tỉnh lỵ Quảng Nam. Ảnh: NP

Cuối năm 2016, nhiều lo toan tất bật, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu vẫn dành chút thời gian để trò chuyện cùng chúng tôi.

Trong câu chuyện xởi lởi, chân tình, ông Thu muốn nói về một “điểm nhấn” tạo sự thành công vượt bậc của tỉnh: “Ngay từ khi mới được chia tách ra, Đảng bộ tỉnh sớm xác định đúng hướng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ một nền kinh tế thuần nông, không có lợi thế, nay phát triển theo hướng công nghiệp - dịch vụ và không bao lâu đã chiếm tỷ trọng 84% toàn nền kinh tế. Nếu chỉ lo toan nông nghiệp, đất, cát trắng mà không mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế thì làm sao có được như ngày hôm nay...”.

Quảng Nam là địa phương chịu nhiều hy sinh, mất mát trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đóng góp rất nhiều sức người, sức của để đưa đến ngày toàn thắng. Vì thế, số gia đình chính sách, người có công cách mạng và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nhiều nhất nước. Năm đầu chia tách (1997), ngân sách tỉnh chỉ thu vỏn vẹn 125 tỷ đồng, chưa đủ lo cái ăn, cái mặc chứ nói gì đến đầu tư phát triển, để sánh vai với bạn bè cả nước...

Chủ tịch Đinh Văn Thu báo tin vui, kết thúc năm 2016, lần đầu tiên tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trên 18.000 tỷ đồng, đạt 120,3% dự toán Trung ương giao, đạt 116,4% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 42,9% so cùng kỳ năm trước. Các địa phương có số thu vượt cao là huyện Núi Thành vượt 637 tỷ đồng, TP Tam Kỳ vượt 161 tỷ đồng, thị xã Điện Bàn vượt 126 tỷ đồng, TP Hội An vượt 85 tỷ đồng, huyện Duy Xuyên vượt 51 tỷ đồng, huyện Thăng Bình vượt 45 tỷ đồng...

Trước đây, 85 - 90% số lao động “chân lấm tay bùn”, nay tỷ lệ ấy hiện hữu trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm gần 50%. Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc được đánh giá là khu công nghiệp thành công nhất cả miền Trung. Ngoài ra, còn có 16 cụm công nghiệp vừa và nhỏ trải đều khắp trên địa bàn tỉnh để giải quyết công ăn việc làm cho người dân.

Nhà máy Ô tô Trường Hải (Khu Kinh tế mở Chu Lai) thu hút hơn 8.500 lao động có tay nghề vào làm việc, mỗi ngày đã đóng góp vào ngân sách 30 tỷ đồng. Còn nữa, mỗi tháng doanh nghiệp này trả lương cho công nhân hơn 60 tỷ đồng. Rồi một doanh nghiệp may mặc ở Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc tuyển dụng 12.000 công nhân vào làm việc, hằng tháng số tiền chi trả lương là 60 tỷ đồng. Tiền đấy mang về trang trải cuộc sống và công nhân ngày càng dôi dư dành dụm xây nhà, mua xe mới... trong khi tay nghề kỹ thuật của họ đã qua đào tạo hơn 55% và ngày càng được nâng lên.

Nhớ lại hình ảnh một thời khốn khó, chỉ sau 3 ngày Tết Nguyên đán là hàng ngàn công nhân rời gia đình ra quốc lộ 1A tranh giành đón xe đò về phía Nam kiếm kế sinh nhai, nay ở lại lao động trên mảnh đất quê hương cũng đã khấm khá hẳn lên.

Chuyện Quảng Nam “phá rào” trong chuyển dịch kinh tế, ưu tiên thu hút đầu tư, miễn tiền thuê đất, miễn thuế... từng bị Trung ương chỉ đạo kiểm điểm gắt gao, nhưng rồi “quả ngọt” lại dâng đầy.

Phát triển mạnh về kinh tế, Quảng Nam còn biết chăm lo phát triển ngành công nghiệp “không khói”. Hai di sản thế giới là Thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An luôn được trùng tu, tôn tạo và quảng bá, trở thành điểm đến không thể thiếu đối với khách trong nước và nước ngoài. Dẫu chịu tác động của khủng hoảng tài chính, nhưng năm 2016 khách du lịch lưu trú đạt hơn 2,1 triệu lượt. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã có 2 huyện với 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Năm 2016, tổng kinh phí đã phân bổ từ ngân sách và kinh phí huy động thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo ước đạt 1.568 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ mua và cấp 359.813 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho hộ nghèo, 57.795 thẻ BHYT cho hộ cận nghèo. Thực hiện cho vay vốn 30.880 lượt đối tượng với doanh số cho vay hơn 821 tỷ đồng. Hỗ trợ xây mới, nâng tầng, cải tạo 632 nhà ở hộ nghèo. Phân bổ 30 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ về đất sản xuất, mua sắm nông cụ và nước sinh hoạt phân tán cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện dự án định canh, định cư tập trung với kinh phí 16 tỷ đồng; xây dựng 258 nhà đại đoàn kết...

Cơ sở hạ tầng đổi thay rõ nét với những công trình mới được đầu tư xây dựng như: Cầu Cửa Đại nối đôi bờ xa cách Hội An và vùng Đông Quảng Nam, cầu Kỳ Phú 1 và 2, đường Nam Quảng Nam, Quốc lộ1A, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Đông Trường Sơn rồi cầu Gò Nổi, Giao Thủy... từng bước đưa vào sử dụng, kết nối mạng lưới giao thông thông suốt từ trung tâm tỉnh đến tất cả các huyện, thị xã, TP và khắp mọi miền trên cả nước. Toàn tỉnh đã bê tông hóa hơn 1.500km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa hơn 300km kênh mương tưới nước.

Nhiều công trình có ý nghĩa lớn về văn hóa, lịch sử như: Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ, Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Quảng trường 24/3... đều được ưu tiên đầu tư xây dựng.

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các bộ, ngành Trung ương với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về tình hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2000 - 2015 và 9 tháng đầu năm 2016, Thủ tướng đã biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam về những kết quả đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, với tinh thần năng động, sáng tạo, đoàn kết, dám nghĩ, dám làm; từ một địa phương rất khó khăn với xuất phát điểm thấp, nhiều huyện miền núi, tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; tranh thủ thời cơ, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, đạt được nhiều kết quả quan trọng...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn chỉ đạo, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam cần phát huy truyền thống tốt đẹp và kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế yếu kém, nỗ lực hơn nữa; khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, có giải pháp quyết liệt; cụ thể để xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, là mô hình kiểu mẫu, cùng với TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi trở thành động lực tăng trưởng kinh tế vùng Trung Trung bộ...

Không bằng lòng, thỏa mãn với những gì đã đạt được, người Quảng Nam phát huy truyền thống “trung dũng, kiên cường” trong cuộc trường chinh kháng chiến, sẽ viết thêm những trang sử hào hùng, như lời bài hát dân ca Khu 5 ngọt ngào và say đắm:“Miền quê rợt ánh sao vàng/Quảng Nam tung cánh chim bằng bay cao”...

Nguyễn Ngọc Phó

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm