Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không đạt mục tiêu

Thứ sáu, 06/11/2020 - 22:42

(Thanh tra) - Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Phát triển vật liệu xây không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg (Chương trình 567) ngày 28/4/2010 và thực hiện Đề án Xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao theo Quyết định số 452/QĐ-TTg (Đề án 452) ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 6/11.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: TQ

Báo cáo tổng kết cho thấy, qua 10 năm thực hiện Chương trình 567, việc đầu tư, sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) ở nước ta đã có nhiều chuyển biến. Các công nghệ mới, thiết bị mới sản xuất VLXKN từng bước được đầu tư, phát triển; các sản phẩm VLXKN đa dạng phong phú về chủng loại như gạch bê tông (gạch xi măng cốt liệu), gạch bê tông khí chưng áp, không chưng áp, gạch bê tông bọt, tấm bê tông rỗng đùn ép (acotec)...; chất lượng sản phẩm VLXKN từng bước được hoàn thiện và nâng cao.

Hiện cả nước có trên 1600 cơ sở VLXKN, với tổng công suất thiết kế khoảng 10,2 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC)/năm (chiếm khoảng gần 30% tổng công suất thiết kế sản phẩm vật liệu xây), đạt ở ngưỡng thấp so với mục tiêu của Chương trình 567.

10 năm thực hiện Chương trình 567 không đạt được mực tiêu đề ra. Ảnh: TQ

Tuy nhiên, sản lượng sản xuất của các cơ sở VLXKN mới chỉ phát huy 45 - 50% công suất thiết kế, tương đương khoảng 5 tỷ viên QTC, chiếm khoảng 15 - 18 % so với tổng sản lượng vật liệu xây. Trong khi Chương trình 567 phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20 - 25% vào năm 2015 và đạt 30 - 40% vào năm 2020.

Với sản lượng này, hàng năm Việt Nam tiết kiệm được khoảng 7,5 triệu m3 đất sét (tương đương 375ha đất khai thác ở độ sâu 2m), giảm tiêu thụ khoảng 750 nghìn tấn than đá, và giảm lượng phát thải xấp xỉ 2,85 triệu tấn khí CO2.

Về việc triển khai, thực hiện Đề án Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao theo Quyết định số 452/QĐ-TTg, theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các nhà máy nhiệt điện, tính đến cuối năm 2020, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ trên cả nước đạt khoảng 34,5 triệu tấn, tương đương với 42% tổng lượng phát thải qua các năm.

Trong đó, lượng tro, xỉ được sử dụng nhiều nhất là lĩnh vực làm phụ gia khoáng cho xi măng, ước khoảng 24 triệu tấn (70%); sản xuất gạch đất sét nung và gạch không nung ước khoảng 4 triệu tấn (12%); làm phụ gia cho sản xuất bê tông tươi, bê tông cho các công trình thủy lợi, công trình giao thông (đường bê tông xi măng vùng nông thôn) và công trình xây dựng dân dụng (kết cấu móng khối lớn ít tỏa nhiệt) ước khoảng 3 triệu tấn (8%) và làm vật liệu san lấp, đắp đường giao thông các loại khoảng 3,5 triệu tấn (9%).

Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình 567 và Đề án 452, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp về khoa học công nghệ, xây dựng, công bố và ban hành đầy đủ tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm VLXKN và công tác thiết kế, thi công, nghiệm thu các công trình sử dụng VLXKN.

Tăng cường tuyên truyền để các nhà quản lý, chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu và người dân hiểu hết những lợi ích của VLXKN như cách âm, cách nhiệt, tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng công trình, từ đó có ý thức, trách nhiệm sử dụng VLXKN thay cho sử dụng gạch đất sét nung.

TQ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm