Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Áp lực tăng thu những tháng cuối năm

Thứ hai, 10/09/2012 - 14:38

(Thanh tra)- Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 8 tháng đầu năm nay mới đạt gần 57% dự toán năm, trong khi tổng chi NSNN ước tính gần 60% dự toán năm (bội chi NSNN khoảng 116.000 tỷ đồng). Như vậy, gánh nặng thu NSNN cả năm sẽ dồn vào những tháng cuối năm, đòi hỏi phải có các giải pháp tài khóa, tiền tệ linh hoạt để vừa chặn đà suy giảm kinh tế, vừa đối phó với nguy cơ lạm phát trở lại.

Nguồn thu chưa hợp lý

Theo dự báo, với tình hình sụt giảm nguồn thu như hiện nay, NSNN năm 2012 sẽ hụt thu khoảng 20.000 - 25.000 tỷ đồng so với dự toán. TP HCM là địa phương có nguồn thu cao nhất nước, dự kiến hụt thu so với dự toán khoảng 4.000 tỷ đồng. Nhiều tỉnh, thành khác ở mức thấp hơn, nhưng ước hụt thu NSNN so với dự toán khoảng từ 1.000 - 3.000 tỷ đồng. Sự sụt giảm này, có nguyên nhân sâu xa là chính sách tài khóa (bao gồm cả chính sách thuế, đầu tư phát triển…) bộc lộ những bất cập, nuôi dưỡng nguồn thu chưa hợp lý, chống thất thu, thất thoát, lãng phí nguồn thu ngân sách chưa hiệu quả.

Hiện nay, nguồn thu NSNN chủ yếu là thuế, phí và dầu thô. Báo cáo Kinh tế vĩ mô thường niên 2012, do nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội công bố cho thấy, tỷ lệ thuế, phí so với GDP tại Việt Nam đang ở mức 29%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực (Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia xấp xỉ 15,5%, Philippines 13%, Indonesia 12,1% và Ấn Độ chỉ 7,8%).

Các chính sách về thuế, phí, đầu tư phát triển cũng như về môi trường kinh doanh thiếu đồng bộ, nhất quán, thậm chí mang tính cục bộ địa phương, ngành, lợi ích nhóm… dẫn đến thua thiệt cho nhà đầu tư (doanh nghiệp - DN), người dân) và Nhà nước. Chẳng hạn, việc giao quyền cho các DN đầu mối xăng dầu, điện quyết định giá bán nhưng lại không có cơ chế cụ thể về thanh tra, xử lý nếu các DN này vi phạm nên họ vẫn liên tục tăng giá.

Việc “đánh” thuế, phí chồng lên thuế phí, khiến một lít xăng hiện nay người dân và DN phải chịu tới gần 30% các loại thuế, phí. Hoặc đầu năm nay, việc tăng thuế nhập khẩu linh kiện ô tô, ô tô nguyên chiếc cùng với việc tăng các loại phí giao thông, môi trường… khiến lượng tiêu thụ và nhập khẩu ô giảm, kéo theo thuế giảm.

Theo ước tính của Cục Hải quan Hải Phòng, kim ngạch nhập khẩu ô tô giảm 74% khiến thuế giảm tương ứng 7.800 tỷ đồng trong số khoảng 9.000 tỷ đồng tiền thuế bị giảm từ các mặt hàng. Nếu tính chung cả nước, ngân sách đã giảm thu gần 13.000 tỷ đồng do giảm nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và giảm thu khoảng 1.500 tỷ đồng từ sự sụt giảm của linh kiện ô tô nhập khẩu...

Chưa kể, thuế, phí cao (nhất là thuế thu nhập, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu) cùng những khoản chi phí không chính thức (tiền bôi trơn, lót tay…), là nguyên nhân không chỉ hạn chế khả năng tích lũy, giảm đầu tư phát triển mà còn khuyến khích các hành vi gian lận thuế.

Với những “sơ hở” của chính sách tạm nhập tái xuất, không những gây hậu quả ô nhiễm môi trường (vì rác thải công nghiệp cấm nhập), Nhà nước còn thất thu lớn về thuế, phí. Riêng, lượng xăng dầu tạm nhập tái xuất để lại tiêu thụ nội địa từ đầu năm đến nay lên tới hàng triệu tấn và mỗi lít xăng thất thu tới 8.000 đồng tiền thuế, phí các loại, tính ra con số thất thu NSNN là không nhỏ.

Tăng cường quản lý, điều hành ngân sách

Dù gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng về giảm, giản thuế và hạ lãi suất ngân hàng thời gian gần đây, đã có tác dụng giúp các DN bớt khó khăn, nhưng vẫn chưa “đủ lực” để phục hồi sản xuất, tăng sức mua thị trường. Con số hơn 1.000 DN hoạt động trở lại trong tháng 7, 8 chỉ là một phần rất nhỏ so với gần 50.000 DN phá sản, ngừng hoạt động từ đầu năm đến nay (chưa kể diện hộ sản xuất, kinh doanh cá thể). Vì vậy, việc tăng thu cho NSNN còn khó khăn.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dù lạm phát đã được kiểm soát, nhưng chưa bền vững. Bởi đây là tác động “cơ học”, với sự can thiệp rất “mạnh tay” của Nhà nước (thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa) để kéo giảm lạm phát theo kỳ vọng, chứ chưa phải “cốt lõi” của việc tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN; nâng cao hiệu quả đồng vốn đầu tư công.

Thực tế, DN co lại sản xuất vì thiếu vốn, chi phí đầu vào cao, hàng tồn kho không bán được; sức mua của người dân giảm vì giá cả tăng cao… Tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư công, vốn đầu tư Nhà nước của DN Nhà nước vẫn từ 6 - 7 đồng vốn/1 đồng lãi, cao gấp 2 - 3 lần so với các nước trong khu vực.

Để đạt được mục tiêu ngân sách cho cả năm, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tài sản công, vốn đầu tư Nhà nước tại các DNNN, là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng lạm phát, suy kiệt nội lực nền kinh tế cần phải được ngăn chặn có hiệu quả. Nếu làm tốt công việc này, theo các chuyên gia kinh tế, sẽ làm lợi cho NSNN mỗi năm hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Cần có chính sách nuôi dưỡng nguồn thu hợp lý, tạo điều kiện để các DN tăng cường đầu tư vào đổi mới công nghệ, quản trị, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cũng như để khoan sức dân, cải thiện đời sống, tăng sức mua của thị trường. Đồng thời, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các thành phần kinh tế. Có như vậy, kinh tế mới phát triển bền vững và tăng thu NSNN.

   
Hà Phong

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Khủng hoảng thiếu Oxy – Oxy quý hơn Vàng

Khủng hoảng thiếu Oxy – Oxy quý hơn Vàng

(Thanh tra) - Oxy rất cần thiết cho mọi hoạt động sống của con người. Khi cơ thể không được nhận oxy đầy đủ, có thể để lại những hệ quả nghiêm trọng. Sự khan hiếm oxy đang diễn ra trên thế giới bởi những tác động của biến đổi khí hậu và nhiều yếu tố liên quan đến con người.

Liên Hương

21:27 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm