Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tổng Thanh tra lý giải nguyên nhân khiếu nại, tố cáo năm 2023 tăng

Hương Giang

Thứ tư, 11/10/2023 - 21:31

(Thanh tra) - Tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo năm 2023 tăng so với năm 2022. Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong lý giải rõ nguyên nhân.

Tổng Thanh tra lý giải nguyên nhân khiếu nại, tố cáo năm 2023 tăng. Ảnh: P.Thắng

Tiếp tục phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023, chiều ngày 11/10.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2023, có hơn 390.000 lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tăng 37,5% so với năm 2022). Số đoàn đông người, số đơn khiếu nại, số đơn tố cáo đều tăng, lần lượt là 26,6%; 20,5%, 23,5%.

Nêu ý kiến, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội thấy, so với năm 2022, số lượt người, số vụ việc và đoàn đông người năm 2023 tăng mạnh. Ông đề nghị phân tích, làm rõ nguyên nhân vì sao lại tăng như vậy.

Chung mối quan tâm, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho rằng, cần làm rõ  nguyên nhân vì sao đơn thư khiếu nại, tố cáo tăng.

“Đâu là nguyên nhân? Cần tháo gỡ trong khâu tổ chức thực hiện, hay chấn chỉnh nhận thức pháp luật, hay cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, giải thích pháp luật ở địa phương”, ông Cường nêu vấn đề.

Giải trình sau đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay, có nhiều nguyên nhân khiến khiếu nại, tố cáo năm 2023 tăng so với năm trước.

Đầu tiên, năm 2022, có thời gian thực hiện phòng chống dịch COVID -19, nên người dân đến trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước để khiếu nại, tố có ít hơn năm 2023. “Đây là nguyên nhân khách quan”, theo ông Đoàn Hồng Phong.

Tiếp đó, năm 2023, khi dịch bệnh được kiểm soát, Chính phủ ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, nhiều dự án được đầu tư và triển khai rất nhiều dự án lớn.

Để thực hiện các dự án đầu tư này phải thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo, Tổng Thanh tra giải thích.

Nguyên nhân nữa, theo ông Đoàn Hồng Phong, từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023 đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh trên một số lĩnh vực như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo hiểm… có nhiều khó khăn, bất cập, thậm chí có tình trạng “đổ vỡ”, làm phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023, chiều ngày 11/10

“Chúng tôi được biết, hiện có nhiều tập đoàn lớn phát hành trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán, mà không thanh toán được, nên bắt đầu có khiếu nại, tố cáo”, Tổng Thanh tra nói.

Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền năm 2023 giảm so với năm 2022 và không đạt mục tiêu Chính phủ đề ra là 85%.

“So sánh về tổng số vụ việc đã giải quyết thuộc thẩm quyền thì năm 2023 cao hơn năm 2022 là 3.993 vụ việc và tăng gần 20%”, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong nói.

Cụ thể, năm 2022 giải quyết 19.975 vụ việc, gồm 14.156 vụ việc khiếu nại và 5.819 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền. Năm 2023 đã giải quyết là 23.968 vụ việc, gồm 17.421 vụ việc khiếu nại và 6.547 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền.

“Con số này cũng báo cáo để các đồng chí rõ thêm sự nỗ lực, cố gắng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo”, Tổng Thanh tra phát biểu.

Tổng Thanh tra cũng dành thời gian làm rõ thêm về việc kiểm tra, rà soát và giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài.

Theo ông, thực hiện theo Quyết định số 1849 của Thủ tướng năm 2018, tổ công tác của Thủ tướng do Phó Thủ tướng Thường trực làm tổ trưởng đã kiểm tra tổng 35 vụ việc.

“Sau kiểm tra 35 vụ việc này, cơ bản các địa phương đã thực hiện theo ý kiến thông báo của Thủ tướng và tổ công tác. Nhiều địa phương đã giải quyết hết nội dung và đề xuất kết thúc. Hiện chỉ còn vài vụ việc đang tiếp tục giải quyết”, Tổng Thanh tra báo cáo.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh tra Chính phủ đã ban hành các kế hoạch triển khai, phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành chức năng và địa phương kiểm tra, rà soát, qua đó đã lập danh sách 1.003 vụ việc.

Trong 1003 vụ việc này, có 35 vụ việc mà tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra; 74 vụ việc giao Thanh tra Chính phủ; 221 vụ việc Thanh tra chuyển về địa phương; còn lại là vụ việc thuộc thẩm quyền địa phương và các địa phương cũng đã thực hiện rà soát.

Theo báo cáo của các địa phương và Thanh tra Chính phủ tổng hợp thì đến nay đã rà soát, giải quyết được 856 trong số 1.003 vụ việc (tương ứng hơn 85%), ông Đoàn Hồng Phong cho hay.

Với những nội dung khác, Tổng Thanh tra xin tiếp thu, làm rõ để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp 6 tới đây.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm