Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Ông Trịnh Duy Văn vẫn một mực kêu oan

Thứ sáu, 02/04/2021 - 06:37

(Thanh tra)- Sau 1 lần tạm hoãn, ngày 30/3, TAND TP Đà Nẵng đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” đối với các bị cáo Trần Văn Thôi, Phan Viết Tiến, Lê Sơn và Trịnh Duy Văn (cùng trú Đà Nẵng). Tại toà, cựu cán bộ địa chính phường Hoà Khánh Nam Trịnh Duy Văn vẫn tiếp tục kháng cáo kêu oan vì không phạm tội như toà sơ thẩm đã tuyên.

Phiên tòa phúc thẩm ngày 30/3/2021. Ảnh: P.V

Báo Thanh tra ngày 2/3/2021 đã thông tin, TAND quận Liên Chiểu đã xét xử sơ thẩm vụ án trên và tuyên phạt Trần Văn Thôi 6 năm 6 tháng tù, Phan Viết Tiến 4 năm tù, 2 bị cáo Trịnh Duy Văn và Lê Sơn cùng nhận mức án 2 năm 6 tháng tù.

Ở vụ án này, Trần Văn Thôi đóng vai trò phạm tội chủ chốt. Bị cáo này thừa nhận trước toà đã tham gia làm giả 238/560 hồ sơ đất đai, do Thanh tra TP Đà Nẵng phát hiện và nghi làm giả; sau đó chuyển cho cơ quan điều tra cùng cấp tiếp tục thụ lý.

Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Văn vẫn kêu oan. Ông Văn đưa ra nhiều luận điểm bào chữa cho mình khi bị truy tố với tội danh làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là oan khuất.

Trong 238 hồ sơ đất đai bị làm giả để được cấp sổ đỏ, cơ quan tố tụng xác định bị cáo Văn liên quan đến 2 hồ sơ của ông Huỳnh Hữu Bốn và bà Nguyễn Thị Nhung (trú tại Hòa Khánh Nam). Cụ thể, năm 2008, ông Bốn mua một phần đất của bà Nhung rồi đến năm 2014 đi làm sổ đỏ. Bà Nhung biết chuyện làm giấy tờ đất của ông Bốn, nên nhờ ông Bốn làm luôn sổ đỏ phần đất còn lại của mình.

Sau đó, ông Bốn đã gặp bị cáo Lê Sơn. Sơn đã nhận làm giả hồ sơ cho ông Bốn và bà Nhung.

Theo lời khai của Sơn tại toà, sau khi gặp ông Bốn trao đổi việc làm giấy tờ đất đai, Sơn liên hệ với ông Phan Văn Chỉnh (tổ 75, Hoà Khánh Nam) làm với giá mỗi hồ sơ 2 triệu đồng. Ông Chỉnh tiếp tục liên hệ ông Phan Văn Tú (trú tại 123 Phạm Như Xương, Hoà Khánh Nam) làm giả để hưởng chênh lệch 400 ngàn đồng/hồ sơ; rồi ông Chỉnh báo lại cho Sơn biết có người nhận làm giấy và Sơn liên lạc với ông Bốn nhận toàn bộ giấy tờ để lo tiếp. Nội dung này trái ngược với buổi chất vấn tại cơ quan điều tra. Ông Sơn trao đổi, làm gì với ông Bốn, ông Văn hoàn toàn không biết.

Hiện nay, ông Tú bị tai biến mạch máu não, khai không nhớ gì hết. Do đó, việc Tú nhận xong đưa cho ai để đưa cho Thôi làm giả hồ sơ không chứng minh được. Còn Trần Văn Thôi khai trước toà phúc thẩm là có viết chữ vào 2 hồ sơ trên, nhưng không nhớ ai đưa đến.

Theo lời khai của ông Văn, ông chỉ gặp ông Bốn tại trụ sở UBND phường Hoà Khánh Nam 2 lần. Lần thứ nhất là khi ông Bốn đến hỏi việc xin cấp sổ đỏ và Văn hỏi hồ sơ giấy tờ thì ông Bốn không mang theo. Lần sau gặp lại tại phòng làm việc ông Văn, ông Bốn có đem theo hồ sơ và lúc này có đông người đến liên hệ làm thủ tục đất đai nên ông Văn hỏi ông Bốn hồ sơ đã đầy đủ chưa và vô tình chỉ ông Bốn gặp ông Sơn ngồi cạnh đó nhờ kiểm tra giúp hồ sơ; vì nghĩ Sơn thường hay giúp người dân làm thủ tục đất đai. Sau khi Văn mở lời, ông Bốn tự tìm gặp Lê Sơn và từ đó ông Văn không hay biết; cũng không hề liên hệ gì với ông Sơn và ông Bốn.

Trong quá trình điều tra có đối chất giữa ông Bốn và ông Văn. Ông Bốn khai chỉ biết ông Văn và đưa hồ sơ cho ông Văn, nhưng thực tế không có, chỉ có việc ông Văn chỉ ông Bốn nhờ ông Sơn xem giúp hồ sơ thôi. Tại kết luận điều tra lần cuối của Cơ quan Điều tra Công an TP Đà Nẵng, ông Bốn lại khai rằng biết ông Sơn qua ông Văn giới thiệu. Cuối cùng ông Văn bị truy tố là đồng phạm trong cùng vụ án trên là không đúng bản chất sự việc.

"Tôi không có quan hệ gì, không tư lợi vật chất gì, không nhận tiền bạc của ông Sơn, ông Bốn hay bà Nhung" - bị cáo Văn nói.

Theo hồ sơ vụ án, thời gian ông Bốn, bà Nhung làm hồ sơ đất là năm 2014 và được cấp sổ đỏ tháng 4/2015; đến tháng 8/2015, Trần Văn Thôi mới đi Thái Lan làm dấu giả. Do đó, việc truy tố Văn là đồng phạm về tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức với Thôi là chưa hợp lý.

Ông Văn khẳng định không có việc môi giới làm giấy tờ đất vì không có mục đích gì. Việc ông Văn trình ký xác nhận hồ sơ của ông Bốn và bà Nhung là do nguồn gốc đất các hộ này thuộc đất khu dân cư xen kẽ, hội đủ điều kiện cấp sổ theo nội dung Quyết định số 9315/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng.

Điều đáng nói là, qua 3 lần triệu tập ông Bốn và bà Nhung tại phiên toà cấp sơ thẩm và phúc thẩm, chỉ có 1 lần bà Nhung tham dự và khai không hề biết ông Văn; còn ông Bốn không có mặt nhưng không được Toà áp dụng biện pháp dẫn giải đến Toà để làm rõ mối quan hệ với ông Văn, ông Sơn.

Sau 1 ngày xét hỏi, Hội đồng Xét xử TAND TP Đà Nẵng cho rằng, hành vi của bị cáo Trịnh Duy Văn và Lê Sơn không nằm trong đường dây làm giả con dấu, tài liệu của Trần Văn Thôi; nhưng sau khi tiếp nhận hồ sơ ông Bốn, bà Nhung không đủ điều kiện vẫn tham mưu cấp trên ký xác nhận… nên giữ nguyên mức án của toà sơ thẩm.

Tuy toà phúc thẩm có đánh giá và đưa ra nhận định mới, nhưng việc giữ nguyên mức án của toà sơ thẩm đối với ông Văn là chưa phù hợp.

Dư luận cho rằng, trong vụ án này cần tách điều tra riêng hành vi và mối quan hệ của ông Trịnh Duy Văn, Lê Sơn, Huỳnh Hữu Bốn và Nguyễn Thị Nhung… Từ đó, mới có cơ sở pháp lý để xử lý đúng người, đúng tội theo quy định.

Đặc biệt là, phải cưỡng chế áp tải ông Bốn, bà Nhung đến trước toà để đối chất, khai báo cụ thể mới tỏ tường vụ việc.

Ngọc Phó

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm